Du lịch từ “bảo tàng sống” Ba Vì

Được tự nhiên và truyền thống ban tặng một “hệ sinh thái” thiên nhiên-văn hóa kỳ vĩ, giàu bản sắc tộc người và đặc thù trung du, miền núi trên địa bàn tiếp giáp với đồng bằng, Ba Vì có tiềm năng lớn để cất cánh du lịch. Bên cạnh những sản phẩm gắn liền với núi rừng, di tích, đời sống người dân, không thể thiếu những ý tưởng mới cho việc số hóa và đẩy mạnh thông tin, truyền thông.
0:00 / 0:00
0:00
Chùa Tản Viên. Ảnh: NGUYỄN NAM
Chùa Tản Viên. Ảnh: NGUYỄN NAM

Nhiều sản phẩm từ nét đặc sắc văn hóa

Gắn với núi Ba Vì linh thiêng, Vườn quốc gia Ba Vì giàu giá trị môi sinh, cảnh quan, hệ thống di tích, các danh thắng và bản sắc văn hóa vùng trung du, miền núi Ba Vì cùng làm nên một “bảo tàng sống”. Ở đó, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán và sinh hoạt đời thường mang những yếu tố truyền thống vẫn tiếp tục sống động trong ngày hôm nay.

Trên địa bàn huyện Ba Vì có 397 di tích. Trong số đó có 4 khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều di tích lịch sử, cách mạng kháng chiến và các thiết chế văn hóa làng cổ. Đặc biệt, trong các di tích thờ thành hoàng làng thì có hơn 100 di tích thờ Tam vị Tản Viên Sơn thánh. Theo ông Bùi Huy Giáp, Trưởng phòng Dân tộc huyện, thì đó là nét đặc sắc văn hóa của Ba Vì, mảnh đất gắn liền với sự tích về thánh Tản Viên. Và trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây, thì hình tượng thánh Tản Viên có một vị trí rất quan trọng.

Ông Giáp cho biết, đồng bào Mường ở Ba Vì vẫn giữ gìn văn hóa cồng chiêng với nhiều nghi thức độc đáo. Còn nghề thuốc của người Dao sống ở khu vực chân núi Ba Vì hiện vẫn duy trì, thuốc dân tộc do đồng bào sản xuất theo phương thức truyền thống được nhiều nơi tiêu thụ. Đó đều là tiềm năng dồi dào cho việc phát triển du lịch với các mũi nhọn là sinh thái và văn hóa-tâm linh.

605 nghìn lượt du khách với nguồn thu 60 tỷ đồng là con số mà Ba Vì tổng kết quý I năm nay, với lượng khách chủ yếu đến tham quan, chiêm bái tại các di tích. Trong quý II, huyện phấn đấu đón được 920 nghìn lượt khách, thu 142 tỷ đồng. Một trong những điểm nhấn thời gian tới là việc công bố sản phẩm du lịch cộng đồng bản Miền. Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong năm 2024, các sản phẩm của Ba Vì được xây dựng đa dạng với việc tiếp tục tôn tạo, phát huy giá trị cụm đền thờ Đức thánh Tản Viên Sơn gồm đền Thượng - đền Trung - đền Hạ; kêu gọi đầu tư và động viên nhân dân cải tạo khuôn viên, sinh thái, hạ tầng, tu bổ cảnh quan đường làng, ngõ xóm, tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch đã có như du lịch trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa và chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo và du lịch sự kiện sẽ tiếp tục được nâng cấp.

“Số hóa truyền thống”

Không thể thiếu sự xúc tác của công nghệ và các phương thức truyền thông trong việc quảng bá văn hóa, phát triển du lịch. Đó cũng là lựa chọn để hoạt động du lịch trên địa bàn được lan tỏa xa, rộng hơn. Thông tin từ UBND huyện cho thấy, trong mùa lễ hội, từ đầu năm đến nay, hoạt động tuyên truyền đã được phổ biến qua các cầu nối là các cổng, trang thông tin điện tử như “Bản tin Ba Vì”, trang fanpage “Truyền hình Ba Vì”, “Ba Vì xanh”… Ông Nguyễn Đức Anh cho biết, huyện đang thực hiện các nhiệm vụ đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch Ba Vì” với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng tài liệu, số hóa sản phẩm, bản đồ số nhằm giới thiệu về một số điểm du lịch trọng điểm, một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống tiêu biểu trên địa bàn huyện Ba Vì.

Thực tế vẫn có cái khó với việc “số hóa truyền thống” nhằm làm cho văn hóa, truyền thống mang nét mới mẻ, hiện đại hơn. Đó là Ba Vì còn thiếu nguồn lực của thành phố cho mảng công tác này. Tuy nhiên, trên cơ sở hệ thống cổng, trang điện tử, trang mạng xã hội đã có, với nguồn dữ liệu dồi dào và không gian văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan di tích đặc sắc, huyện Ba Vì có thể tổ chức các dự án quy mô nhỏ nhằm chụp ảnh, ghi hình, soạn thảo các nội dung xúc tích, hấp dẫn về các điểm đến, các gói sản phẩm để quảng bá lên mạng, cũng như các trang thông tin của sở, ban, ngành thành phố về du lịch, văn hóa, nghề truyền thống, thông tin và truyền thông…

Nếu có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc mở rộng hơn “cánh cửa số hóa” này, Ba Vì sẽ mời gọi, quy tụ được đông đảo hơn du khách, công chúng trên địa bàn Hà Nội và các địa phương, vùng miền, để trải nghiệm nhiều hơn trong “bảo tàng” vẫn hằng ngày sống động ở nơi này.