NHÀ ĐIÊU KHẮC ĐÀM ĐĂNG LẠI:

Thích dùng cây làm điêu khắc màu

Đàm Đăng Lại người gốc bắc, lớn lên ở Tây Nguyên và định cư tại Nhật Bản. Sự xê dịch đã mang đến cho anh những tác phẩm điêu khắc màu - con đường riêng còn hiếm người theo đuổi. Anh là một trong 15 gương mặt nhà điêu khắc sẽ tham gia Biennale quốc tế điêu khắc đương đại Nhật Bản Ube 2024, diễn ra vào tháng 10 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại bên tác phẩm.
Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại bên tác phẩm.

Phóng viên (PV): Nghệ thuật điêu khắc màu còn khá hiếm ở Việt Nam và có thể coi anh là nghệ sĩ tiên phong. Anh bắt đầu với công việc này như thế nào?

Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại: Các nhà điêu khắc đang chú ý về mặt hình khối nhiều hơn là thể hiện khối màu. Tôi nghĩ mỗi nghệ sĩ có đời sống riêng, sự quan tâm riêng và con đường đi riêng. Tất nhiên tôi vẫn làm điêu khắc đá, điêu khắc đồng nhưng điêu khắc màu khiến cho tôi thích thú hơn cả. Tôi thường dùng những cành cây để tạo nên những tác phẩm điêu khắc của mình. Cành cây là vật liệu từ thiên nhiên, nhờ đất, nhờ gió, nhờ môi trường mà tạo nên những cành cây khác nhau. Gió mạnh, cành cây uốn cong, tạo nên những “hình hài” khác nhau. Tuy vậy, không phải cứ “khoác” màu lên là thành điêu khắc. Hình khối ấy có ý nghĩa, có xúc cảm cho công chúng hay không?

Ngoài việc thành thạo kỹ thuật điêu khắc, để làm nên một tác phẩm, nghệ sĩ phải cảm nhận chất liệu, nhận diện chiều hướng không gian, nhấn một chút, thả một chút… Nghe thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm, mọi giác quan của mình phải tập trung vào đó.

PV: Anh xê dịch khá nhiều và có lẽ trên hành trình đó sẽ được chứng kiến, trải nghiệm nhiều phong tục tập quán, mang đến cho mình nhiều trải nghiệm để gửi gắm trong những sáng tác của mình. Nhưng vì sao lại là điêu khắc màu?

Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại: Nếu bạn quan sát kỹ thì nhiều nơi tâm linh như chùa chiền, nhà thờ đều hiển hiện mầu sắc rất đa dạng. Tôi tự hỏi vì sao nhiều người thích mầu sắc, vì sao họ thích không gian tâm linh như vậy? Có lẽ một phần nào đó, nhưng mầu sắc ấy khiến cho con người cảm thấy tĩnh tại, hạnh phúc chăng? Không thể phủ nhận: Mầu sắc tạo hiệu ứng tâm lý, không gian, tạo năng lượng cho con người. Điều đó cũng giống như nghệ thuật đơn giản là món ăn tinh thần, ai cảm thụ được điều đó thì đời sống sẽ phong phú hơn.

Tôi sống ở Nhật Bản, vùng Hokkaido tuyết phủ trắng, lạnh và buồn suốt sáu tháng mùa đông. Khi đặt những tác phẩm điêu khắc đầy mầu sắc lên nền tuyết trắng, tôi và có lẽ cũng nhiều người giống như tôi đều cảm thấy vui hơn. Ngoài ra, những tác phẩm ấy cũng phần nào phản ánh ký ức của tôi, gợi nhớ những ngày thơ ấu. Hồi còn nhỏ, tôi vẫn thường hay quan sát các con vật như con voi ở Tây Nguyên, các loài côn trùng chạy, ngắm hoa bay hay những nốt nhạc lửng lơ trong trí tưởng tượng… Dù xa quê nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh trái bầu người Tây Nguyên làm hộp cộng hưởng các nhạc cụ truyền thống, thể hiện sự đa dạng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Người nông dân khi lao động trên mảnh đất của mình luôn thể hiện niềm tin về mùa màng, cây trái bội thu. Điều đó khiến cho tôi hình dung ra những động tác của họ, khi cắm cành cây vào đất, khi gieo hạt, ươm mầm… cũng giống như việc tôi tạo tác trên những cành cây, tạo ra các hình khối khác nhau, cũng với niềm tin mang đến một điều gì đó hạnh phúc cho mọi người. Có một điều khá thú vị là những tác phẩm của tôi dù xoay chuyển ở tư thế nào cũng sẽ tạo ra những hình dáng khác nhau, có thể như đang đứng, chạy nhảy, hòa mình vào không gian.

Thích dùng cây làm điêu khắc màu ảnh 1

PV: Anh có thể chia sẻ về hai tác phẩm điêu khắc màu cỡ lớn của mình đang được trưng bày tại Đại Lải Flamingo là “Sức mạnh vùng đất” và “Gió và màu”?

Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại: Tác phẩm “Sức mạnh vùng đất” (2016) bao gồm 5 cây hoa lớn, thân cây được lấy cảm hứng từ những cột trụ trong kiến trúc đình, chùa, trang trí nhiều mầu sắc. Tác phẩm được thôi thúc từ những cảm nhận về bề dày văn hóa, lịch sử của mỗi vùng miền, với nhiều sắc thái khác nhau. Những bông hoa đua nở trên mỗi thân cây lớn cũng giống như những gì tinh túy nhất, được kết tinh từ đất mẹ. Còn tác phẩm “Gió và màu” gồm 5 khối thép không rỉ cao 8 m, đơn giản như ngọn cỏ, với những hạt sương đọng trên đó. Với điêu khắc, không chỉ là ký ức, là trải nghiệm mà trong đó còn có niềm vui. Khi xem những tác phẩm điêu khắc màu, tôi tin năng lượng tích cực sẽ lan tỏa đến mọi người, làm cho cuộc sống tốt hơn.

PV: Nghe nói “Anh đi em nhé!” của anh là một trong 15 tác phẩm của các nghệ sĩ được chọn (từ hàng trăm tác phẩm tham gia) để phóng lên kích thước lớn cho Biennale quốc tế điêu khắc đương đại Nhật Bản Ube 2024?

Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại: “Anh đi em nhé!” cũng là tên loạt tác phẩm điêu khắc của tôi sáng tác trong thời gian dài. Cái tên này đến với tôi cũng tình cờ, gắn với những tác phẩm đầy ngẫu hứng mà người xem luôn cảm nhận nó có thể di chuyển, có thể chạy. Tác phẩm sẽ trưng bày tại Biennale quốc tế điêu khắc đương đại Nhật Bản Ube 2024 dự kiến cao 4 m. Tính đến nay tôi đã có 1.000 tác phẩm “Em đi anh nhé!”, mỗi tác phẩm là một ý tưởng khác nhau. Đây là một cuộc thi khó cả về ý tưởng, hình thức, thiết kế nội dung, chất liệu, được tổ chức hai năm/lần và cũng là cơ hội để tôi hiện thực hóa tác phẩm của mình.

PV: Chúc anh luôn giàu ý tưởng và năng lượng sáng tạo để chuẩn bị cho Biennale sắp tới!