Giữ nhà cổ bằng tiểu cảnh

Bằng tình yêu với kiến trúc cổ, chàng trai trẻ Trương Văn Bộ, sinh năm 1998 ở làng Đan Nhiễm (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã “thu nhỏ” hàng trăm ngôi nhà cổ, đình chùa thành tiểu cảnh. Một số tiểu cảnh đã được Bộ xuất khẩu đi nước ngoài giúp không ít kiều bào có được những hình ảnh đẹp mỗi khi nhớ về quê hương, ký ức.
0:00 / 0:00
0:00
Trương Văn Bộ (bên phải) và tác phẩm của mình.
Trương Văn Bộ (bên phải) và tác phẩm của mình.

Người đam mê độc - lạ

Thăm nhà Bộ, tôi thấy một “công xưởng” với ngồn ngộn khối công việc của Bộ đang dở dang. Đó là những bao cát, xi-măng, gạch ngói, bản vẽ… và những mô hình tiểu cảnh mới được Bộ làm ra như tiểu cảnh chùa Thầy, thủy đình múa rối nước, cổng làng Đường Lâm...

Bộ tốt nghiệp ngành Cơ khí của Trường đại học Thủy lợi nhưng hiện tập trung làm tiểu cảnh bằng tất cả đam mê. Bộ chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi thường cùng ông nội đi chơi trong làng, thấy các ngôi nhà cổ tôi rất thích thú, tìm tòi. Từ năm 7 tuổi, tôi đã mày mò dùng xi-măng, gạch để làm ra các mô hình đầu tiên. Đam mê lớn dần theo thời gian…”.

Bộ từng nhịn ăn sáng lấy tiền mua vật liệu, rồi bị bố mẹ mắng vì “ham chơi, nghịch bẩn, không chú tâm vào học hành”. Bộ “đối phó” bằng cách lén dạy sớm từ 4 - 5 giờ sáng để làm tiểu cảnh, trời gần sáng thì giấu tiểu cảnh vào một góc, trở về giường vờ ngủ tiếp. Suốt hơn 18 năm làm tiểu cảnh, chỉ có hai giai đoạn Bộ tạm nghỉ để ôn thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Ông Trương Văn Duông, ông nội Bộ tâm sự: “Tôi sống trong các căn nhà cổ nên hiểu rõ về quy thức kiến trúc xưa và thường tư vấn cho cháu về tỷ lệ, chất liệu và cách phối trí cảnh vật trong bộ tiểu cảnh”.

Để làm ra một tiểu cảnh nhà cổ, đầu tiên Bộ phải lên bản vẽ kỹ thuật, rồi bản vẽ 3D, dùng máy để tạo khuôn các cấu kiện thật chuẩn xác. Ngay đến phôi gạch, ngói nhỏ như đốt ngón tay cũng phải nung đúng nhiệt độ mới tạo ra mầu chuẩn, hạn chế nổ, vỡ trong quá trình nung. Công đoạn lắp ghép rất phức tạp và yêu cầu kỹ thuật tốt, bởi phải tạo không gian thẳng và phẳng, đúng tỷ lệ ngôi nhà 3 gian, 5 gian của làng quê Bắc Bộ. Ngoài ra còn phải trang trí vườn, cây xanh, khu bếp, ao đúng với nguyên mẫu xưa chứ không chỉ tập trung riêng vào phần ngôi nhà. Đặc biệt, cây trang trí Bộ dùng cây thật để hằng ngày chủ nhân chăm sóc và thêm yêu ngôi nhà ký ức hơn.

Lan tỏa văn hóa truyền thống ra thế giới

Một lần Bộ đưa “thú vui” lên khoe trên trang Facebook cá nhân thì được một người bạn trong miền nam đặt hàng. “Đó là tiểu cảnh chùa Một Cột và được trả giá 500 nghìn đồng. Lúc đó tôi rất vui vì tác phẩm của mình được quan tâm và tạo ra giá trị”, Bộ cho biết.

Hữu xạ tự nhiên hương, nhiều khách hàng biết đến tiểu cảnh của Bộ qua mạng xã hội và liên tiếp đặt hàng, đến tận nhà mục sở thị. Ngoài các mẫu nhà cổ phổ biến, khách hàng còn yêu cầu Bộ phục dựng lại chính ngôi nhà của họ thời thơ ấu. Họ yêu cầu phải có thêm chuồng lợn, hàng rào cây, cổng nhà, ao thả cá theo đúng mô tả... Đến nay, Bộ đã nhận và hoàn thành hàng trăm đơn hàng tiểu cảnh trong nam ngoài bắc, khách hàng đều là những người yên mến các giá trị truyền thống, kiến trúc xưa. Họ trưng bày tiểu cảnh ngay trong sân nhà để hằng ngày được nhớ về miền ký ức tuổi thơ qua những ngôi nhà cổ một thời. Năm ngoái, một chú ở Hải Dương nhờ Bộ phục dựng lại nhà thờ tổ bằng tiểu cảnh vì khu đất nhà thờ tổ nằm trong dự án sắp phải di dời. Bộ đã dành hơn một tháng để hoàn thành tác phẩm bàn giao cho chú ấy. Anh Lê Duy Hùng, khách hàng của Bộ cho biết: Tôi thấy tiểu cảnh của Bộ giống với thực tế tới 80%. Mỗi khi nhìn vào mô hình tiểu cảnh tôi cảm thấy tâm trạng nhẹ nhõm, thư thái hơn sau những xô bồ, áp lực của cuộc sống hiện đại.

Hiện Bộ đã xuất khẩu tiểu cảnh cho một số khách hàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... Đó là những kiều bào xa quê, luôn nhung nhớ về nét đẹp kiến trúc nhà cổ truyền thống của dân tộc. Tiểu cảnh không phải loại hàng thương mại mà là sản phẩm văn hóa, phí vận chuyển cao và dễ gãy, rụng chi tiết nên chủ yếu lấy công làm lãi. Tuy nhiên, Bộ vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê và từ bỏ những cơ hội việc làm hấp dẫn theo đúng ngành được đào tạo.

Ngoài các tiểu cảnh nhà cổ, Bộ còn tái hiện lại các di tích nổi bật của Việt Nam như Khuê Văn Các, chùa Dâu, đình Mông Phụ, tháp Rùa, Hoàng thành Thăng Long... một cách rất sinh động và chân thực. Thời gian để làm xong một tiểu cảnh có thể từ 10 - 20 ngày tùy vào độ phức tạp, đối với công trình lớn có thể phải đến 1 - 2 năm. Ước mơ của Bộ không phải kiếm thật nhiều tiền từ chơi tiểu cảnh mà lan tỏa và góp phần gìn giữ mô hình kiến trúc của làng quê Việt, đặc biệt đến bạn bè quốc tế. Bộ đã sáng lập trang Fanpage Hội Tiểu cảnh và Mô hình có gần 60 nghìn hội viên. Một số video mô tả về tiểu cảnh nhà cổ của Bộ trên TikTok đã chạm vào trái tim của hàng triệu người, đặc biệt đối với những kiều bào xa xứ, luôn hướng về các giá trị truyền thống của dân tộc.

Ông Ngô Quý Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn: “Làm tiểu cảnh đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế và tâm huyết rất lớn của người thợ. Mô hình tiểu cảnh các ngôi nhà cổ xưa rất phù hợp để trưng bày trong gia đình giúp cho mọi người gợi nhớ lại hình ảnh kiến trúc Việt một thời, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi những ngôi nhà kiến trúc xưa dần biến mất trong cuộc sống hiện đại”.