Thật ra nên gọi Thủy Nguyễn với danh xưng nào là hợp nhất: họa sĩ, nhà thiết kế, nhà sản xuất hay người sáng lập và điều hành một trung tâm nghệ thuật?
Hãy gọi tôi là người sáng tạo. Tôi chính là như thế. Có làm gì thì cũng chỉ là công cụ, phương tiện để tôi thực hành năng lực sáng tạo của mình. Thí dụ tôi yêu văn hóa truyền thống Việt Nam, yêu tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và thấy rằng, chỉ cần phát huy vẻ đẹp dân gian mà cha ông đã dày công vun xới rồi để lại, là đã có thể chứng tỏ được rất nhiều điều với thế giới về một Việt Nam giàu bản sắc. Tôi đã làm điều đó trong những thiết kế thời trang của mình. Nhưng như vậy là chưa đủ với khát khao sáng tạo luôn sục sôi trong tôi. Tôi vẽ và thấy mình được bung tỏa nhiều hơn. Rồi tôi vẫn muốn làm một-điều-gì-đó, không chỉ cho cá nhân tôi, mà cả cộng đồng nghệ thuật, nhất là các nghệ sĩ trẻ đang hoang mang, thiếu chỗ chơi. Tôi thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại - The Factory và mấy năm qua, khi nhắc đến nghệ thuật đương đại ở TP Hồ Chí Minh, người ta sẽ nghĩ tới địa chỉ này.
Chị đúng là có một cường độ làm việc rất cao, điều có vẻ trái ngược với vẻ bề ngoài của chị - một thiếu phụ xinh đẹp, mảnh mai và rất sang chảnh?
Tôi chắc chắn là rất chăm chỉ. Kể cả lúc tưởng như không làm gì tôi cũng nghĩ, tư duy cho rất nhiều ý tưởng. Ngay từ lúc 18 tuổi, là sinh viên mỹ thuật, tôi đã biết căng toan giá vẽ và bây giờ, tôi vẫn làm được mọi việc, kể cả những việc mà các nghệ sĩ nam giới không tự làm. Tôi nghĩ đấy là một may mắn. Thành công nào cũng đều là kết quả của quá trình lao động. Tôi chưa thấy ai thành công mà lại lười, hay chưa thấy người nào lười mà thành đạt cả. Sáng tạo nghệ thuật dù ở địa hạt nào, cũng là một công việc đòi hỏi lao động nghiêm túc, bền bỉ, chăm chỉ lao tâm khổ tứ. Không có chuyện nghệ sĩ tài tử, amateur, lao động hời hợt mà đoạt được vinh quang đâu.
Thật ra chị có một nền tảng khá thuận lợi, một điểm tựa mà rất nhiều người có khi phấn đấu cả đời cũng khó có thể đạt tới. Chị có một gia đình hạnh phúc với 4 đứa con ngoan, một người chồng thuộc hàng "đại gia" có thương hiệu trong giới tài chính ngân hàng. Vậy mà chị vẫn lao vào công việc với sự say mê không ngừng như thế?
Thì như tôi nói rồi, tôi có thể không phải chịu sức ép về tiền bạc, vì vậy tôi tự tạo sức ép cho bản thân vì phải sáng tạo. Tôi không có cái đích là tiền bạc, nhưng tôi có những giấc mơ. Tôi không phải tuýp nghệ sĩ làm được một tác phẩm thành công rồi phần còn lại của cuộc đời ngồi xuýt xoa với thành công đó. Tôi luôn muốn ngày mai mình tốt hơn ngày hôm nay, triển lãm của mình ngày mai có nhiều cái mới hơn, bộ sưu tập được công chúng đón nhận hơn. Bởi vậy tôi phải làm việc, không làm việc, chắc tôi sẽ đờ đẫn rồi ốm mất. Làm việc cũng giúp tôi kết nối với bạn bè quốc tế, những sự kết nối đấy đã đem tới nhiều giao lưu, trao đổi có lợi ích tích cực cho đời sống nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Là một nghệ sĩ, tôi cũng chấp nhận vấp ngã, thất bại, rồi tự đứng dậy và làm lại chứ không bỏ cuộc. Tôi cũng làm việc để các con nhìn vào, lúc nào cũng thấy mẹ chăm chỉ, năng động, thấy mẹ thành công, thấy mẹ được biết đến. Tôi muốn các con tự hào về mình.
Có phải vì thế, trẻ, nhiệt huyết, truyền cảm hứng..., nên chị đã được mời làm giám khảo cuộc thi UOB Painting of the year năm 2023?
Đúng vậy, tôi rất vui và bất ngờ nữa. Tôi cảm thấy hưng phấn vì được ngồi cùng ban giám khảo với những đàn anh trong nghề mà tôi vốn rất ngưỡng mộ như họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Lương - một người rất có ảnh hưởng với nghệ thuật đương đại. Hưng phấn nữa là Cuộc thi vẽ tranh thường niên UOB Painting of the Year do Ngân hàng UOB tổ chức vốn có truyền thống, hình thành từ năm 1982, đã có mặt tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và năm nay, 2023 lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trước đây từng có nhiều giải thưởng quốc tế hằng năm trao tặng cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam như giải Ánh mắt trẻ, đã là bệ đỡ đầu tiên cho nhiều tên tuổi như Nguyễn Thị Châu Giang, Trần Đức Quỷ... Gần đây các giải thưởng kiểu này ít hẳn đi và hầu như không còn diễn ra nữa thì năm nay lại có UOB Painting of the Year. Đến Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cũng phấn khích cho rằng cuộc thi uy tín này là cơ hội tuyệt vời để các nghệ sĩ trẻ Việt Nam thể hiện tài năng của mình và có cơ hội được công nhận trên thị trường nghệ thuật quốc tế, mang lại giá trị lớn hơn cho nền mỹ thuật Việt Nam. Như thế, bảo sao tôi không tự hào, hãnh diện được. Tôi nghĩ rằng, chắc tôi cũng nằm trong số những người trẻ đã làm được một chút gì đó, lan tỏa được những nguồn năng lượng tích cực nào đó nên ban tổ chức cuộc thi lớn đã chấm tôi, và các đàn anh lớn trong nghề cũng đồng ý để tôi ngồi cùng với họ... Tôi coi đó là phần thưởng vô giá cho những nỗ lực của mình...
Chị nhiều lần tham gia triển lãm tranh ở nước ngoài. Sau những trải nghiệm như thế, chị nhận thấy thế nào, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
Cuộc thi UOB Painting of the Year nếu tìm ra được những gương mặt sáng giá, như họa sĩ Lương Xuân Đoàn có nói, cũng chỉ hy vọng các nghệ sĩ Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trong khu vực ASEAN. Ở các khu vực khác, như châu Âu hay Mỹ, sẽ rất khó có cơ hội cho các nghệ sĩ mới. Mình có thể được mời tham dự một hoạt động, mời triển lãm tranh, và giả dụ may mắn, các bức tranh trưng bày tại triển lãm được các nhà sưu tầm mua hết, thì điều đó cũng chưa thể nói gì nhiều đến thành công, đến tên tuổi hay sự thay đổi vị thế. Bạn rất khó có thể là gì đó ở một thế giới mở, hội nhập sâu rộng như châu Âu hay Mỹ. Vậy nên ai cũng có giấc mơ của mình, ai cũng lao động với mơ ước hiện thực hóa được ước mơ, có điều biến giấc mơ tạo lập vị thế cho nghệ thuật đương đại Việt Nam trên bản đồ thế giới thì cần một chuỗi các hoạt động kết nối được rất nhiều người. Và trước hết nghệ thuật đương đại cũng phải có chỗ đứng vững vàng ngay tại Việt Nam đã. Lại quay trở lại câu chuyện, nghệ sĩ phải chăm chỉ, có trách nhiệm với thiên mệnh sáng tạo nghệ thuật của mình. Ước mơ nào thì cũng phải xây dựng bắt đầu từ nền móng đó...
Trân trọng cảm ơn chị!