Theo CNN, ngày 14/1, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez nhận định quyết định của Mỹ loại Cuba khỏi danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố là bước đi “đúng hướng”, song bày tỏ quan ngại về lệnh bao vây cấm vận vẫn chưa được gỡ bỏ. Trong khi đó, phản ứng trước quyết định nói trên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Colombia Gustavo Petro nhận định đây là “một bước tiến lớn”. Tổng thống Colombia cũng cho rằng, Mỹ đã có cách tiếp cận dựa trên đối thoại và dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với các nước khu vực Mỹ Latinh.
Giới quan sát đánh giá đây là một thay đổi lớn so quyết định trước đó của cựu Tổng thống Donald Trump, người đã đưa Cuba trở lại danh sách vào tháng 1/2021. Hành động này nhằm khôi phục các biện pháp tiếp cận gần gũi hơn với Cuba, từng được thúc đẩy dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Ngoài ra, Chính quyền Tổng thống Biden đã ký một bản ghi nhớ an ninh quốc gia nhằm điều chỉnh các chính sách liên quan giao dịch tài chính giữa một số cá nhân và tổ chức của Cuba và Mỹ, thay thế quy định được ban hành vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Theo đó, sự điều chỉnh này về cơ bản sẽ chấm dứt các hạn chế đối với một số cá nhân và tổ chức Cuba thực hiện giao dịch tài chính với các cá nhân và tổ chức của Mỹ.
Nối lại quan hệ với Cuba cũng ngày càng nhận được sự quan tâm của giới chức Mỹ. Trước khi Tổng thống Joe Biden đưa ra quyết định trên, một nhóm cựu quan chức ngoại giao và an ninh quốc gia Mỹ đã yêu cầu ông Biden thực hiện những thay đổi trong chính sách đối với Cuba trước khi người kế nhiệm của đảng Cộng hòa Donald Trump trở lại Nhà trắng. Theo AP, trong bức thư gửi Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, các cựu quan chức nêu trên yêu cầu “nới lỏng một số hạn chế” đối với Cuba trước khi chính quyền hiện tại trao quyền điều hành cho Tổng thống đắc cử Trump.
Quan chức từng là Trưởng phái đoàn của Washington tại La Habana, Vicki Huddleston, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes, cùng nhiều nhân vật khác ký tên trong bức thư kêu gọi chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ đưa Cuba ra khỏi "danh sách đen tài trợ khủng bố", đồng thời tăng cường viện trợ nhân đạo và đơn giản hóa các quy định để công dân Cuba tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.
Các quan chức ngoại giao kỳ cựu của Mỹ khẳng định, không có bằng chứng nào cho thấy Cuba tài trợ khủng bố. Việc Cuba nằm trong "danh sách đen” cản trở nước này tiếp cận nguồn tài chính quốc tế, làm giảm thu nhập từ du lịch để chi trả cho việc nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men cũng như các hoạt động viện trợ nhân đạo.
Ngày 17/12/2014, nhà lãnh đạo Cuba Raúl Castro (2006-2021) và Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama (2008-2016) cùng tuyên bố bắt đầu nối lại quan hệ hữu nghị dẫn tới việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015, sau hơn nửa thế kỷ đối đầu. Năm 2016, ông Obama thăm Cuba và trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên đảo quốc láng giềng này kể từ năm 1928. Vào thời điểm đó, Mỹ đã đưa Cuba ra khỏi "danh sách đen" và nới lỏng các lệnh cấm du lịch tới hòn đảo này. Tuy nhiên, năm 2017, Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, triển khai thêm nhiều biện pháp trừng phạt và một lần nữa đưa Cuba vào "danh sách đen" do Washington tự biên soạn.
Khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Cuba, ông Carlos Fernández de Cossío cho biết, La Habana sẽ chú ý đến quan điểm của chính phủ mới của Mỹ, nhưng vẫn giữ lập trường kiên định xuyên suốt 64 năm qua, đó là sẵn sàng cùng Washington phát triển một mối quan hệ nghiêm túc, tôn trọng lẫn nhau và bảo vệ lợi ích chủ quyền của cả hai bên.
Dù con đường tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Mỹ-Cuba còn dài và nhiều trở ngại, song quyết định mới nhất của Tổng thống Biden được xem là tín hiệu hòa giải nhằm từng bước hóa giải mâu thuẫn với “hòn đảo tự do”.