Báo cáo mới nhất của LHQ cho thấy tình hình mất an ninh gia tăng tại Afghanistan, với 8.650 vụ việc xảy ra từ tháng 11/2023 đến tháng 11/2024. Báo cáo xác nhận 156 dân thường thiệt mạng và 426 người bị thương. Trong đó, riêng nhánh thuộc tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Afghanistan, còn gọi là IS-Khorasan (IS-K), đã thực hiện ít nhất 19 vụ tấn công khủng bố, nhắm vào cộng đồng sắc tộc Hazara, các tín đồ Shia, Sufi, người nước ngoài và giới chức chính quyền Taliban.
Cùng thách thức về an ninh, với 28 triệu người sống phụ thuộc vào viện trợ, khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan vẫn là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên thế giới. Kinh tế suy giảm khiến tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và mất an ninh lương thực lan rộng. Một số chính sách của Taliban, nhất là hạn chế về giáo dục, việc làm đối với phụ nữ và trẻ em gái, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo. Bất đồng về chính sách giáo dục, y tế và quyền phụ nữ làm nổi bật chia rẽ nội bộ Taliban. Trong khi đó, các nhóm vũ trang đối lập không từ bỏ nỗ lực chống lại Taliban.
Dù nỗ lực, chính quyền Taliban vẫn chưa nhận được sự công nhận toàn cầu là chính phủ hợp pháp của Afghanistan. Các nước phương Tây tiếp tục đòi hỏi Taliban thay đổi chính sách để bảo đảm tính hợp pháp. Trong khi đó, Tổng thống Nga đã ký đạo luật cho phép loại Taliban khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Trung Quốc đã chấp thuận phái viên chính thức của Taliban. Những động thái này có thể thúc đẩy Iran và các nước Trung Á công nhận Taliban.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Afghanistan và nước láng giềng Pakistan lại leo thang, khi Pakistan tiến hành không kích vào lãnh thổ Afghanistan để đáp trả các cuộc tấn công của Taliban. Đổi lại, Taliban cũng tấn công một số điểm ở Pakistan để trả đũa các cuộc không kích.
Bước vào năm mới, cùng những vấn đề chưa được giải quyết, bất ổn kinh tế, mất an ninh lương thực, thiên tai do biến đổi khí hậu và nỗ lực vận động chính trị trong khu vực tiếp tục nổi lên là những thách thức phức tạp với Afghanistan. Theo LHQ, gần một nửa dân số Afghanistan, khoảng 22,9 triệu người, đang cần hỗ trợ nhân đạo, với 14,8 triệu người hiện đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực mức nghiêm trọng.
Nền kinh tế đã rơi vào suy thoái kể từ năm 2021, với tình trạng thất nghiệp lan rộng, thiếu việc làm, nợ của hộ gia đình và đói nghèo ảnh hưởng đến khoảng 48% dân số. Trong báo cáo gần đây, LHQ đánh giá “kinh tế Afghanistan đã có một số dấu hiệu phục hồi”, song hệ thống tài chính vẫn bị cô lập và nguồn tài trợ phát triển bị cắt giảm mạnh.
Afghanistan trong 5 năm liên tiếp gần đây phải chống chọi tình trạng hạn hán và tác động từ hiện tượng thời tiết La Nina trong năm 2025 có thể khiến hạn hán nghiêm trọng hơn, cũng như lượng tuyết rơi và lượng mưa giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, dẫn đến giá lương thực tăng cao và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực.
Trong lĩnh vực đối ngoại, thách thức lớn nhất vẫn là tìm kiếm sự công nhận quốc tế về vai trò lãnh đạo của Taliban. Trong đó, một trong những “chìa khóa” cho sự hội nhập khu vực là cải thiện quan hệ giữa Afghanistan và Pakistan, nhất là giải quyết tranh chấp về biên giới chung, cũng như tình trạng của 1,45 triệu người tị nạn Afghanistan hiện ở Pakistan. Nhiệm vụ khó khăn là chấm dứt vòng xoáy tấn công và trả đũa, loại bỏ quan điểm và hành động thù địch giữa hai bên.
Ngoài ra, chính quyền Taliban cũng phải đối mặt áp lực trong việc hỗ trợ các dự án kết nối khu vực, như dự án đường sắt kết nối Trung Á qua Afghanistan tới Pakistan, hay tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ... Kabul cũng hy vọng chính quyền Washington sắp tới có các bước đi thực tế hướng tới tiến triển cụ thể trong quan hệ giữa Afghanistan và Mỹ.