CNN dẫn dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho hay, GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 0,8% trong năm 2024, nhờ lạm phát giảm và tiêu dùng, đầu tư hồi phục. Tốc độ tăng trưởng được kỳ vọng đạt 1,3% vào năm 2025 và 1,5% vào năm 2026. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại đưa ra dự báo thận trọng hơn, với mức tăng trưởng lần lượt là 1,1% và 1,4% trong hai năm tới. Sau 5 quý liên tiếp trì trệ, Eurozone đã ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn nhất trong năm 2024.
Lạm phát giảm nhờ giá năng lượng “hạ nhiệt” trong năm 2024, nhưng vẫn duy trì trên mức 2% kể từ tháng 10. Lạm phát cả năm 2024 dự kiến đạt 2,4%, giảm mạnh so năm trước và dự kiến tiếp tục giảm xuống 2,1% vào năm nay. Dù lạm phát thấp hơn và thị trường lao động ổn định giúp tăng thu nhập khả dụng, ECB cảnh báo tình hình bất ổn và khó lường vẫn khiến người tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngắn hạn.
Tại “đầu tàu” kinh tế châu Âu là Đức, các thách thức về tái cơ cấu, đặc biệt là tình trạng đầu tư thấp kéo dài, tiếp tục đè nặng nền kinh tế lớn nhất khu vực. Theo Bloomberg, GDP của Đức giảm 0,1% trong năm 2024, đánh dấu lần đầu nước này rơi vào suy thoái hai năm liên tiếp trong hơn hai thập kỷ. Ông Thiess Petersen, cố vấn cấp cao tại quỹ đầu tư Bertelsmann Stiftung, nhận định: “Năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy rủi ro kinh tế đối với châu Âu”, đồng thời lưu ý tăng trưởng chậm chạp tại Đức vẫn đang ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.
Dù tăng trưởng nhẹ song triển vọng kinh tế châu Âu vẫn không mấy sáng sủa, xuất phát từ căng thẳng địa-chính trị, chi phí năng lượng cao, đến tranh chấp thương mại leo thang. Thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine giữa EU và Nga đã hết hạn vào ngày 1/1 vừa qua, làm tăng nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Theo Viện Chiến lược Bruegel có trụ sở tại Bỉ, EU có thể thiếu năng lượng nghiêm trọng dù nhập khẩu khí đốt hóa lỏng có thể tạm thời bù đắp. Tuy nhiên, giải pháp này lại đắt đỏ và không ổn định, gây áp lực đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thêm vào đó, chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa gây ra một cuộc chiến thương mại. Nếu Mỹ áp đặt mức thuế từ 10% đến 20% đối với hàng hóa châu Âu, Eurozone có thể rơi vào suy thoái.
Tình hình chính trị bất ổn tại Pháp và Đức - hai nền kinh tế lớn nhất EU - càng làm tăng thêm sự lo ngại. Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt với nợ công cao và áp lực từ phe cực hữu, trong khi cuộc bầu cử sớm tại Đức khiến nỗ lực phục hồi kinh tế khu vực bị gián đoạn.
Ngày giao dịch đầu tiên của năm 2025 cũng chứng kiến đồng euro tiếp tục giảm giá, xuống dưới mức 1 euro đổi được 1,03 USD - thấp nhất trong hơn hai năm. Điều này phản ánh sự chênh lệch ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và ECB. Một số chuyên gia dự báo đồng euro có thể đạt mức ngang giá với USD vào cuối năm 2025. ECB đã hạ lãi suất 4 lần trong năm qua để đối phó lạm phát giảm và tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh rằng,0 cần áp dụng cách tiếp cận "dựa trên dữ liệu" và thận trọng khi điều chỉnh chính sách. Mặc dù có lời kêu gọi hạ lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong năm 2025, ECB có thể sẽ giữ lãi suất ở mức trung lập - không thúc đẩy cũng không kìm hãm tăng trưởng.
Năm 2025 được đánh giá là một năm đầy thách thức đối với kinh tế châu Âu. Dù có dấu hiệu phục hồi nhẹ song những rủi ro liên quan năng lượng, thương mại và bất ổn chính trị có thể tiếp tục cản trở tăng trưởng. Theo giới phân tích, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, châu Âu cần tìm cách cân bằng giữa cải cách cơ cấu, đầu tư công và chính sách tài khóa linh hoạt hơn, thúc đẩy sức mạnh nội khối và tránh phụ thuộc vào các chính sách kinh tế của Mỹ.