Hội tụ đông đảo cùng “Gốm Thiệp”

“Ai cũng biết trong văn học của Thiệp thì giàu nhiều chất khác nhau, trong đó chất nhân ái, tình người trắc trở là đậm nhất. Và chính vì lý do đó làm cho người họa sĩ khi vẽ, có nhiều ý tưởng. Truyện nào của ông ấy cũng có thể vẽ năm bảy bức tranh minh họa, chứ không phải một cái…” - Họa sĩ Lê Trí Dũng vừa hào hứng bày cho chúng tôi xem những tác phẩm gốm sáng tác theo truyện của Nguyễn Huy Thiệp, vừa kể…
0:00 / 0:00
0:00
Một số tác phẩm của họa sĩ Đặng Tiến vẽ từ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Một số tác phẩm của họa sĩ Đặng Tiến vẽ từ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Thú vị về nhiều sự đầu tiên

Lý do mà họa sĩ Lê Trí Dũng, người kỳ cựu về lĩnh vực tranh minh họa kể về việc tại sao ông vẽ nhiều nhất - tới tận… 22 tác phẩm gốm đĩa, lọ theo “tinh thần truyện của Thiệp” ở cuộc triển lãm này, trong khi mỗi nghệ sĩ tham gia chỉ được yêu cầu/đề nghị vẽ 5 hoặc 7 tác phẩm. Một số người hứng cảm vẽ nhiều thêm cũng chỉ trên dưới chục phôi gốm. Bởi ông là một trong những người bạn thân ở giới mỹ thuật đầu tiên quen thân với nhà văn từ năm 1985, sau nhà điêu khắc Hồng Hưng.

“Dù không phải ngày nào cũng gặp. Nhưng tôi rất quý ông ấy về tư tưởng và tình cảm, tác phẩm, trân trọng nhau từ xa…”, ông Dũng nói. Tuy đầu năm 2025, ông Dũng có một việc riêng rất bận, và đã từ chối lời mời vẽ của giám tuyển Lê Thiết Cương. “Thế nhưng bởi anh Cương, và hai con trai của Nguyễn Huy Thiệp quá nhiệt tình khắc phục sự bận và tuổi cao của tôi nữa (họa sĩ Lê Trí Dũng sinh năm 1949 - PV). Họ mang cốt gốm và mầu men đến tận nhà để tôi vẽ. Xong lại đến mang gốm đi nung bên Bát Tràng, nung xong lại chở về đây. Thế nên tôi lại trở thành người vẽ… tham nhất! Ông còn cười bày tỏ, do các cháu hết cốt gốm để mang đến đấy, nếu không ông còn vẽ nữa. Và còn một điều nữa, đây cũng là dịp đầu tiên ông Dũng bắt tay vào vẽ… trên gốm!

Họa sĩ Nguyễn Phan Bách, con trai cả của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho chúng tôi biết về lý do cuộc phát động trưng bày này - mới chỉ được khởi sự cách đây hơn hai tháng - do anh bàn thảo với họa sĩ Lê Thiết Cương. Điều này đã được họa sĩ Lê Thiết Cương trong vai trò giám tuyển nhấn mạnh chữ “đầu tiên” tới ba lần trong bản thông báo gửi tới người xem: “Lần đầu tiên có một triển lãm gốm (lọ, đĩa) trưng bày các tác phẩm lấy cảm hứng từ câu văn và thơ trong các truyện ngắn của nhà văn với số lượng lớn.

Lần đầu tiên có một sự kiện quy tụ hơn 40 nghệ sĩ tham dự...

Lần đầu tiên công chúng yêu nghệ thuật sẽ được thưởng ngoạn các tác phẩm gốm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ lúc sinh thời. Ông vẽ nhiều chân dung, người thân trong gia đình, tự họa, bạn bè văn nghệ trên đĩa như một thú chơi và làm quà tặng cho mọi người.

41 nghệ sĩ với hơn 200 tác phẩm gốm sáng tác trên cảm hứng từ các tác phẩm văn, thơ, kịch của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Suy cho cùng chính là chuyện đạo được kể bằng nghệ thuật…”.

Đúng là nhìn qua danh sách 41 nghệ sĩ bày tranh trên gốm tương tác với các bức chân dung trên gốm của Nguyễn Huy Thiệp vẽ từ trên dưới 20 năm trước, bất kỳ ai cũng tự nảy sinh ra không ít câu hỏi: Vì sao… nhiều người có tên tuổi như thế đều nhiệt tình hứng thú tham gia vậy? Ngoài vẽ tác phẩm, thì họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn đều tâm huyết khi nhận lời cả việc viết lời bình luận và giới thiệu cho triển lãm. Ngoài ra, còn nhiều tên tuổi các “cao niên lừng danh” trong mỹ thuật từ sau Đổi Mới như Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Đào Hải Phong, Đinh Quân, Quách Đông Phương… Bên cạnh đó là một số họa sĩ ngoài sáng tác cá nhân còn từng minh họa cho “quá nhiều” ấn phẩm báo chí, sách văn học như Lê Trí Dũng, Đặng Tiến...

Triển lãm hội tụ đủ các tác giả từ điêu khắc đến họa sĩ nhiều lứa tuổi, từ trẻ đến trung niên. Vẽ từ minh họa giản dị, dùng nét như truyện tranh, cho đến phong cách chung là Biểu hiện - Trừu tượng, được nhấn nhá theo “tông” riêng đặc sắc của từng tác giả. Tạm có thể gọi đây là cuộc “mượn truyện” của Nguyễn Huy Thiệp để “phóng tác” ra những câu hỏi đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, lấy từng lời văn, thơ để “diễn dịch” thành hội họa trên gốm, với ba mầu căn bản giản dị “đơn sắc đa thanh” là xanh, chàm và chút giọt đỏ trên gốm trắng Bát Tràng...

Sẽ đi khắp cả ba miền, với chia sẻ tâm huyết… cùng tâm hồn trong gốm!

Triển lãm sẽ lần lượt du hành khắp ba miền trong cả năm nay. Đầu tiên là cuộc khai mạc ở miền bắc ngày 4/4/2025. Tiếp theo sẽ trưng bày ở miền trung tại địa chỉ “Củi Lũ Art Space” (Hội An, Đà Nẵng). Cuối cùng là chuyến du hành vào miền nam (sẽ định vị địa điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh sau).

Theo lời họa sĩ kiêm giám tuyển, những lần trưng bày sau sẽ không dừng lại ở 41 tác giả với hơn 200 tác phẩm bày lần này, mà còn sẽ vận động thêm những tác giả ở mọi vùng miền tham gia tiếp với những cuộc nung gốm tiếp theo. Bởi cũng không nhiều người biết, có một điều từng được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tự bạch, là ông từng thích thú vẽ chân dung trên gốm những người ông thích quan sát theo quan điểm sáng tác nhân văn của ông từ năm 1992, khi ông mở nhà hàng Hoa Ban. Sau năm 2000, thì niềm thích này được cổ động thêm bởi người bạn vong niên Lê Thiết Cương, nên ông Thiệp vẽ gốm chân dung và bày tại nhà ở ngõ 77 Bùi Xương Trạch, hay Gallery 39A Lý Quốc Sư (nhà-xưởng họa-cửa hàng của họa sĩ Lê Thiết Cương). Số tác phẩm chân dung được ông ghi hình, không chỉ chân dung nhiều danh nhân dụ như nhạc sĩ Văn Cao, hay nhà văn Tô Hoài. Mà còn nhiều độ tuổi từ những “thiên đồng nhỏ” hay văn-nghệ sĩ trong nước mà cả nhân vật nước ngoài đến Việt Nam. Số lượng tranh ông để lại trên giấy vẽ và trên gốm đến cả nghìn bức…

Vẽ gốm chờ chuyến tàu điện ảnh

Tại triển lãm, một ý kiến tự sự rất đáng quan tâm, là của một họa sĩ trung niên từng thành công vẽ gốm trước đây, bởi họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh (sinh năm 1975) chính là con trai của nghệ sĩ gốm Nguyễn Trọng Đoan - nổi tiếng với các tác phẩm được gọi nôm na rộng rãi là “gốm Đoan”. Ngoài vẽ gốm như một việc “gia truyền”, thì Nguyễn Đoan Ninh thành danh về việc buông sắc đậm nhạt, tạo không gian phóng khoáng và hình từ thực đến ảo rất giỏi trên tranh giấy dó, lụa hay sơn dầu, sơn tổng hợp trên toan, giấy bồi trong những cuộc triển lãm cá nhân mấy năm gần đây.

Trong lần tham gia này, Nguyễn Đoan Ninh vẽ đến hơn một chục đĩa, toàn hình ảnh phóng ra hay liên tưởng đến cơ thể con người như các hình trái tim, lá phổi và… dạ dày để bắc cầu nối đến những “ám ảnh văn chương của ông Thiệp”. Thủ thuật vẽ này nhằm để diễn đạt những giấc mơ không cụ thể, dựa vào truyện để đặt ra những câu hỏi về điều gì nghìn năm vĩnh viễn trước sự phù du, bất trắc của đời sống hiện sinh. Anh tâm sự đại ý: Văn của ông Thiệp rất giàu chất tạo hình và điện ảnh. Mặc dù truyện ngắn “Những người thợ xẻ” của ông đã từng được chuyển thành điện ảnh từ năm 1998. Nhưng đó vẫn chỉ là “một bông hoa” trong cả “chuyến tàu hỏa văn học” từ truyện ngắn, tới kịch, tiểu thuyết… nhiều tính điện ảnh cao và triết lý “xuôi - ngược lộng lẫy” của ông Thiệp. Nhưng tôi cho rằng chưa đến lúc “mỏ văn” như vậy được khai thác bằng “nghệ thuật động” để đạt đến tầm cao sang hút mắt nữa bằng điện ảnh. Nên chúng tôi đây, hiện nay - anh Ninh nói - cứ tạm thời “chuyển dịch” sang “mỹ thuật tĩnh” là hội họa, điêu khắc gốm, cũng là tiền thân nguyên thủy của điện ảnh tạo hình sẽ đến lúc tới mà thôi…!!!