Văn học chiến tranh cách mạng vẫn còn những vỉa quặng quý

Hướng tới ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, NXB Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức hội thảo khoa học “50 năm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); Thành tựu, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB (ảnh) chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Văn học chiến tranh cách mạng vẫn còn những vỉa quặng quý

Phóng viên (PV): Xin chào nhà văn Phạm Văn Trường! Ông có thể chia sẻ một số thông tin về hội thảo lần này?

Nhà văn Phạm Văn Trường: Hội thảo do NXB phối hợp Cục Tuyên huấn tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại vị thế, vai trò, những đóng góp của văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung và đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 50 năm qua. Hội thảo cũng sẽ đi sâu phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập còn tồn tại, để từ đó đề ra những giải pháp, định hướng xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PV: Đề nghị nhà văn đánh giá đôi nét về mảng sách văn học nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng do NXB QĐND cho ra mắt độc giả những năm gần đây?

Nhà văn Phạm Văn Trường: Mảng sách này luôn giữ vai trò quan trọng, chủ đạo, hàng đầu của NXB trong rất nhiều năm qua. Những năm gần đây, mỗi năm chúng tôi tổ chức biên tập, xuất bản từ 60 - 90 đầu sách văn học nghệ thuật (gồm nhiều loại hình). Nhiều cuốn sách gây được tiếng vang lớn như: “Tiếng khóc của nàng Út” của Nguyễn Chí Trung, “Mưa đỏ” của Chu Lai (Giải thưởng Hội Nhà văn 2016), “Những bức tường lửa” của Khuất Quang Thụy, “Vẫn là binh nhất” của Trần Văn Tuấn… Gần đây nhất là “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Giải C và giải Sách được bạn đọc yêu thích của Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-2024).

Những cuốn sách đã phản ánh được đa dạng các mảng nội dung về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Đó là sự đằm sâu mà mộc mạc, giản dị, chân phương về hình ảnh người lính thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, như “Giao hưởng Điện Biên” (Hữu Thỉnh), “Vầng trăng Him Lam” (Châu La Việt), “Cha tôi - Thiếu tướng Hà Vi Tùng” (Nam Hà)… Đó còn là sự tươi mới, giàu sức sống của người lính thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như “Bi tráng Trường Sơn” (An Bình Minh), “Sài Gòn 105 độ F” (Nguyễn Anh Dũng), “Họ là những người lính” (Vũ Công Chiến)… Hay hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, đặc biệt là hình ảnh người chiến sĩ trong nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, chống thiên tai, bão lũ, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Như các cuốn sách: “Hành trình vì hòa bình” (Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh), “Muối của đảo” (Hà Đình Cẩn), “Biển bây giờ vẫn khát” (Trần Khánh Toàn), “Cột mốc kể chuyện”, “Dặm dài Tổ quốc” (Phạm Vân Anh)…

Văn học chiến tranh cách mạng vẫn còn những vỉa quặng quý ảnh 1

Các tác phẩm của NXB QĐND trưng bày tại lễ ra mắt bộ sách 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chính vì vậy mà cho đến hôm nay, mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng có thể khẳng định, văn học về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn còn tầng tầng, lớp lớp những vỉa quặng quý chờ đợi chúng ta tiếp tục khai thác.

PV: Khác với giai đoạn trước, hiện nay sự quan tâm của công chúng trong và ngoài quân đội với các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng có phần giảm sút. Vậy NXB có giải pháp gì để “giữ lửa” - giúp bạn đọc vẫn tiếp tục dành nhiều sự yêu mến đối với mảng sách này?

Nhà văn Phạm Văn Trường: Có thể nói, trong thời đại ngày nay, chiến tranh cách mạng là đề tài “kén” độc giả. Để thu hút được người đọc nhất là giới trẻ, thời gian qua Nxb đã chú trọng đổi mới cả nội dung và hình thức. Trước hết, phải khẳng định nội dung quyết định đến sự thành công của tác phẩm, nội dung thể hiện phải sinh động, hấp dẫn, gần gũi với đời sống, tiếp cận nhiều hơn với các độc giả trẻ.

Nhà văn Phạm Văn Trường: “Gần đây, nhờ nội dung hấp dẫn và quảng bá tốt, cuốn sách “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã phát hành được 2 vạn bản trên toàn quốc, tạo sức lan tỏa tốt, từ đó đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý trong cả quá trình từ xuất bản đến phát hành”.

Hai là cùng một tác phẩm thì phải biết kết hợp hài hòa cả nội dung và hình thức, nội dung tốt nhưng hình thức không “bắt mắt”, trình bày không hiện đại thì cũng khó được độc giả để ý, đặc biệt là hướng tiếp cận mới mà người trẻ mong muốn. Vì vậy, chúng tôi luôn tích cực đổi mới thiết kế, từ việc vẽ bìa cho đến công tác chế bản, để đáp ứng thị hiếu bạn đọc, bảo đảm sách về đề tài này tốt hơn về nội dung, đẹp hơn về hình thức.

Ba là công tác tuyên truyền khi phát hành, tức là hoạt động truyền thông, giới thiệu sách. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp báo ra mắt sách, thông qua báo chí truyền hình để giới thiệu các tác phẩm đến với bạn đọc. Trong thời đại 4.0, cần tận dụng các nền tảng của mạng xã hội để giới thiệu và phát hành sách.

PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà văn!