Theo AP, với chủ đề "Hợp tác cho kỷ nguyên thông minh", sự kiện kéo dài 5 ngày, từ ngày 20/1, quy tụ gần 3.000 đại biểu từ nhiều khu vực và lĩnh vực công nghiệp để thảo luận về các vấn đề trong 5 lĩnh vực then chốt: tái định hình tăng trưởng, các ngành công nghiệp trong kỷ nguyên thông minh, đầu tư vào nguồn nhân lực, bảo vệ hành tinh và tái thiết lòng tin.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab nhấn mạnh, bất chấp những lập trường khác biệt và tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, hội nghị thường niên sẽ thúc đẩy tinh thần hợp tác và lạc quan mang tính xây dựng với mục tiêu định hình kỷ nguyên thông minh sắp tới theo cách bền vững và toàn diện hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WEF Borge Brende đã đề cập nhu cầu cấp thiết về hành động phối hợp, đồng thời nhận định hội nghị thường niên diễn ra vào thời điểm bất ổn toàn cầu đang ở mức chưa từng thấy trong một thế hệ do căng thẳng địa-chính trị, phân mảnh kinh tế và tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, cách duy nhất để giải quyết những thách thức cấp bách và mở ra những cơ hội mới là thông qua các phương pháp tiếp cận hợp tác và sáng tạo.
Thực tế cho thấy, xung đột vũ trang là những mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2025. Đây là kết quả cuộc khảo sát về độ rủi ro toàn cầu, công bố ngày 15/1, trước thềm hội nghị WEF. Rủi ro toàn cầu, khái niệm được định nghĩa là “tình trạng tác động tiêu cực đến một tỷ lệ đáng kể GDP, dân số hoặc tài nguyên thiên nhiên toàn cầu”.
Theo CNN, 52% trong số hơn 900 chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và giới chức lãnh đạo các ngành công nghiệp lớn, được hỏi dự đoán triển vọng toàn cầu bất ổn trong 2 năm tới, trong khi 25% cho rằng xung đột, trong đó bao gồm cả mối đe dọa chiến tranh và khủng bố là rủi ro trước mắt hàng đầu, phản ánh căng thẳng địa-chính trị gia tăng.
Giám đốc điều hành WEF Mirek Dusek đã bày tỏ “cảm giác không chắc chắn về tương lai”. Ông cho biết: “Chúng ta đang sống trong một môi trường địa-chính trị rất phức tạp. Thật không may là chúng ta đang chứng kiến số cuộc xung đột cao chưa từng có trên toàn thế giới”. Nhiều người dự đoán triển vọng sẽ đầy sóng gió trong 2 năm tới và xung đột, biến đổi khí hậu đang là những mối lo ngại hàng đầu.
Trong khi đó, ông Borge Brende cho biết, mặc dù đã có báo cáo về các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas, nhưng xung đột Syria, tình hình nhân đạo trầm trọng ở Gaza và khả năng leo thang xung đột ở Trung Đông sẽ là những vấn đề chi phối tình hình ổn định toàn cầu năm 2025. Cùng lo ngại liên quan việc thay đổi chính sách thương mại và mối đe dọa về thuế quan tiềm tàng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận nhiệm kỳ mới, thông tin sai sự thật cũng được xem là rủi ro lớn trong ngắn hạn do sự phát triển nhanh chóng của Trí tuệ nhân tạo (AI).
Kết quả khảo sát năm nay khác so kết quả năm ngoái, khi các chuyên gia chỉ dự báo thời tiết khắc nghiệt gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn nhất trong dài hạn. Nhiệt độ toàn cầu lần đầu đã vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong năm 2024 và thế giới đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc vi phạm các cam kết được đưa ra theo thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.
Giám đốc điều hành WEF khuyến nghị: “Trong một thế giới đang chứng kiến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc và rủi ro chồng chất, các nhà lãnh đạo toàn cầu phải đưa ra lựa chọn: Thúc đẩy sự hợp tác và khả năng phục hồi, hoặc đối mặt tình trạng bất ổn ngày càng trầm trọng”.