Thỏa hiệp cũng là biểu hiện của tiêu cực

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa đưa ra những nội dung, kết luận quan trọng với những chỉ đạo mạnh mẽ trong khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục củng cố và vun đắp, phát triển đời sống văn hóa phục vụ các tầng lớp nhân dân, các lĩnh vực, ngành nghề; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thoái hóa, biến chất…
0:00 / 0:00
0:00

Liên quan đến cuộc đấu tranh quyết liệt, bền bỉ và đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực thời gian qua mà Đảng, Nhà nước đang mạnh mẽ triển khai, nhân dân đang hưởng ứng, trông đợi, đây đó có những suy nghĩ mang màu sắc thỏa hiệp, nghi ngại. Theo đó thì đã có nhiều cán bộ, đảng viên thuộc nhiều cấp có sai phạm, vi phạm pháp luật bị xử lý, nhưng cứ kiểm tra, điều tra, cứ xử lý, cho nghỉ, cho dừng, điều chuyển vị trí công tác…, thậm chí bắt giam, thì lấy đâu ra người làm việc! Lại nữa, cứ sai sót mà đem ra xử lý thì nhiều cán bộ, đảng viên, nhân viên khác trông vào, họ sợ sai, họ không dám làm việc nữa, làm cũng chỉ là cầm chừng, cho có, để không… bị sai, không bị xử lý, bị bắt (?).

Những suy nghĩ, tâm lý đó dựa trên cơ sở, rằng đã có nơi, có ngành thiếu nhân sự tạm thời hoặc đã có cán bộ có trình độ, tay nghề bị xử lý, không tiếp tục phát huy được năng lực; và hiện nay, tâm lý sợ sai, ngại việc có xuất hiện ở một số ngành nghề, địa phương. Nhưng phát sinh thực tế đó, đòi hỏi sự rút kinh nghiệm và những bước tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy trong công tác tổ chức, củng cố nhân sự, trong việc hoạch định chương trình hành động, kế hoạch làm việc của các cơ quan, đơn vị. Chứ đâu phải để công cuộc chống tham nhũng, hư hỏng, thoái hóa… phải chùn bước. Nếu cán bộ, đảng viên, nhân viên sợ sai, sợ bị liên lụy mà không dám làm, hay giảm nhiệt tình, thì chính những người đó nên tự vấn bản thân về lương tâm, trách nhiệm. Và cơ quan chủ quản, tổ chức có những cán bộ, đảng viên, nhân viên đó cần phải đánh giá lại về trình độ, năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Thực chất, không làm việc, làm cầm chừng, làm việc một cách đối phó, hình thức cũng chính là biểu hiện của tiêu cực. Làm việc phục vụ cơ quan, đơn vị, phục vụ nhân dân, xã hội mà không có hiệu quả thì cũng đồng nghĩa với tham nhũng, lãng phí tiền của, vật chất, thời gian của Nhà nước, cơ quan và xã hội. Và những trường hợp như thế cũng không xứng đáng được làm việc để phục vụ, cống hiến, để phát huy năng lực. Các vị trí làm việc không hiệu quả cần được thay thế bằng những nhân sự có tâm, có tài, có nhiệt tình đóng góp, đổi mới, sáng tạo, và như các bậc tiền bối vẫn dạy, là phải có đạo đức, có liêm sỉ của người cách mạng khi làm "đầy tớ của nhân dân".

Việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực mạnh mẽ đang loại bỏ bớt những cái xấu, cái không tốt, cải tạo những cái chưa tốt. Công cuộc này còn đang cho thấy những bất cập liên quan các khía cạnh tổ chức, nhân sự, mô hình hoạt động, phương thức làm việc… Từ đó, ngoài các giải pháp cụ thể liên quan tổ chức, nhân sự, thì đòi hỏi tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hơn về chính sách, cơ chế của lĩnh vực, ngành nghề, địa phương… nhằm hạn chế bất cập, phòng ngừa phát sinh nguy cơ, tạo điều kiện và khích lệ người tài, đội ngũ cán bộ, nhân viên phát huy vai trò, năng lực của mình.

Và như thế, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân ta càng cần được truyền lửa, được hợp sức để tiếp tục có những thành quả mới.