Thi viết lời mới cho ca trù Hà Nội

Phát triển lời mới cho cổ nhạc là mong mỏi chung của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có ca trù. Mong giúp “thỏa cơn khát” lời mới sau nhiều năm ca trù của người Việt được ghi danh là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thời gian qua đã phát động Cuộc thi sáng tác lời mới cho các thể cách Hát nói trong Ca trù trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Thi viết lời mới cho ca trù Hà Nội

Cuộc thi mời gọi các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Hà Nội tham gia, với việc sáng tác lời mới cho: Hát nói đủ khổ, thiếu khổ, dôi khổ, Hát nói có mưỡu tiền (mưỡu đơn, mưỡu kép), có mưỡu hậu, Hát nói có câu gối hạc (dôi phách Bắc, dôi phách Nam). Tác giả có thể chọn một hoặc nhiều thể cách trong số trên để viết lời, số lượng từ 1 đến 15 bài, nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu Hà Nội, ca ngợi những tình cảm đẹp đẽ của con người, góp phần vào sự đi lên của Thủ đô và đất nước; đề cao và tôn vinh những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp.

Tác phẩm dự thi được nhận đến hết ngày 15/12, gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện về Phòng Quản lý di sản văn hóa - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, 47 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội (liên hệ đồng chí Nguyễn Thị Dung, chuyên viên của phòng, ĐT: 0966033255). Có thể gửi qua email: qldshanoi@gmail.com.

Ứng dụng tranh dân gian trong thiết kế đương đại

“Tọa đàm Họa sắc Việt: Tranh Hàng Trống với thiết kế hôm nay” diễn ra ngày 17/10 tại Hà Nội, đã góp phần đưa ra những góc nhìn và trải nghiệm thực hành văn hóa xoay quanh chủ đề ứng dụng từ dòng tranh truyền thống và những chất liệu truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật đương đại, cũng như thiết kế sản phẩm thương mại.

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Trịnh Thu Trang, nhà sáng lập S-River, chủ trì dự án sách Họa sắc Việt xuất bản năm 2018, đã giới thiệu một số ứng dụng khai thác chất liệu là họa tiết tranh Hàng Trống trong thiết kế nội thất khách sạn, sáng tạo bao bì nhãn mác sản phẩm... Những ứng dụng từ chất liệu dân gian đã bước đầu tiếp cận đông đảo công chúng, đặc biệt là giới nghệ sĩ và nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự quan tâm, tìm hiểu và đầu tư kinh phí cho việc ứng dụng những họa tiết truyền thống vào sản phẩm thực tế.

Các diễn giả cũng đề cập một số thách thức đối với việc thực hành văn hóa hiện nay, trong đó nêu bật thách thức khi tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ cho các dự án văn hóa, sáng tạo dựa trên chất liệu truyền thống và vấn nạn vi phạm bản quyền. Theo Ths Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Bộ môn Công nghiệp Văn hóa - Sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều dự án của các nhà thiết kế trẻ có đầu tư công phu, nghiên cứu văn hóa truyền thống, lịch sử đang phải dựa vào nguồn tài trợ từ các tổ chức, trung tâm văn hóa nước ngoài như Viện Goethe của Đức, Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản hay Viện Pháp tại Hà Nội… trong khi việc khai thác nguồn lực trong nước còn hạn chế và nhiều khó khăn.