Thêm hỗ trợ tài chính với công nhân, người lao động

Tới đây, người lao động gặp khó khăn về tài chính sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với gói vay 20.000 tỷ đồng thông qua các tổ chức công đoàn cơ sở. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ hoặc đứng ra giới thiệu, bảo lãnh cho những người lao động khó khăn đột xuất tại các tổ chức tín dụng hợp pháp. Đây là một trong những giải pháp vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra nhằm hạn chế những tác động của nạn “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, người lao động cũng sẽ được nâng phúc lợi thông qua tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca hay nhà ở…
0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH Haem Vina, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng.
Công ty TNHH Haem Vina, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng.

“Tín dụng đen” bủa vây

Có việc gia đình đột xuất ở quê, cùng lúc, anh Nguyễn Trọng H thuê trọ tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội) nhận được tin nhắn cho vay tiền với lời giới thiệu thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong vòng 2 giờ đồng hồ cùng lãi suất ưu đãi. Trong lúc khó khăn, không chút đắn đo anh đã làm theo hướng dẫn trên app (ứng dụng trên điện thoại thông minh) để vay 70 triệu đồng. Nhưng tiền vay đâu không thấy, chỉ biết, anh phải đi vay mượn thêm tiền bên ngoài với lãi suất 10%/tháng để chuyển theo yêu cầu của nhân viên cho vay và mất trắng. “Tôi làm xong hồ sơ, họ nói hồ sơ bị sai, yêu cầu tôi chuyển 10 triệu đồng cho họ. Tôi chuyển 10 triệu đồng, nhưng tôi không rút được tiền vay vì vẫn báo lỗi sai hồ sơ. Họ lại tiếp tục yêu cầu tôi chuyển 40 triệu đồng để chỉnh hồ sơ nhưng vẫn báo sai. Tiếp tục lần thứ tư lại yêu cầu tôi chuyển 70 triệu đồng để hợp thức hóa hợp đồng của tôi nhưng lúc đó tôi đã nhận ra mình bị lừa!”.

Luật sư Nguyễn Hằng Nga, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. Nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm’’.

Luật đã có quy định nhưng theo quy luật, có cầu ắt có cung. Thời gian qua, nhiều trường hợp đã tán gia bại sản vì “tín dụng đen”. Lợi dụng khó khăn về tài chính của công nhân lao động cả nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: Dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn…

Hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới mọi hình thức như: Khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, trong đó có công nhân, lao động. Đặc biệt, các đối tượng liên quan “tín dụng đen”, còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân, lao động.

Nhằm giúp công nhân, người lao động sớm thoát ly những hình thức vay tín dụng đen này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp triển khai gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng. Dự kiến, mỗi công nhân được vay nhiều nhất 70 triệu đồng, thời hạn ba tháng đến dưới ba năm. Lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay hiện tại cùng thủ tục đơn giản thông qua hai công ty tài chính của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, sẽ giảm những tác động tiêu cực của “tín dụng đen”.

Tuy nhiên theo chị Nguyễn Thu H, người không ít lần chứng kiến cảnh bạn bè, người thân gặp rắc rối vì “tín dụng đen”, việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, rút ngắn tiến độ giải ngân cũng là điều quan trọng. Chị Thu H chia sẻ: “Với lao động tự do, không có thu nhập từ công ty hay cơ quan nhà nước thì không biết chứng minh thu nhập của mình thế nào, nên họ hay đi vay ở ngoài vì nó dễ tiếp cận, chỉ cần một hai công đoạn là vay được một số tiền”.

Đại diện Liên đoàn Lao động nhiều địa phương cũng đồng tình trong việc, để gói hỗ trợ này nhanh chóng đến được với công nhân và người lao động thì việc đơn giản hóa thủ tục cho vay là cần thiết. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở có trách nhiệm tìm hiểu, kết nối đầu mối cho vay gói 20.000 tỷ đồng cho công nhân và người lao động từ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, đứng ra giới thiệu hoặc bảo lãnh cho người lao động có nhu cầu vay đột xuất tại các tổ chức tín dụng hợp pháp.

Thêm hỗ trợ tài chính với công nhân, người lao động ảnh 1

Phiên chợ 0 đồng dành cho người lao động trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: ÁNH DƯƠNG

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn đề nghị tổ chức công đoàn các cấp tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” trong công nhân, lao động.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn chủ động phối hợp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện thông tin cơ sở, mạng xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, nhất là ở những nơi có đông công nhân, lao động; trong đó tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để công nhân, lao động biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận công nhân, lao động. Với những công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động, ở những địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”, công đoàn cần phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp công nhân, lao động hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa.

Cùng với đó, Công đoàn các cấp tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân, lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn như trao “Mái ấm công đoàn”, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vay vốn ở những kênh chính thống với lãi suất hợp lý. Trên cơ sở những thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Tổng Liên đoàn với Tập đoàn BRG, Ngân hàng SeABank, Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam và các đối tác khác, các cấp công đoàn chủ động phối hợp triển khai ở địa phương, đơn vị, kết nối để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận cung cấp dịch vụ phù hợp với công nhân, lao động, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho họ.

Chủ động triển khai công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm “tín dụng đen” với công an địa phương (từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư) để có giải pháp cụ thể trong việc công đoàn tham gia phòng, chống tội phạm và được bảo vệ khi có nguy cơ bị tội phạm tấn công. Cán bộ công đoàn cơ sở cần thiết lập kênh thông tin chặt chẽ với công an địa phương để được phối hợp, hỗ trợ kịp thời.

Các cấp công đoàn cần sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động; chủ động hỗ trợ, giúp đỡ những người đang thật sự khó khăn về tài chính. Trường hợp có công nhân, lao động gặp khó khăn đột xuất, công đoàn cơ sở cần đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho công nhân, lao động vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp. Ở những nơi có “tín dụng đen” hoạt động, công đoàn cơ sở cần phối hợp với chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân, lao động và báo cáo lên công đoàn cấp trên để được hỗ trợ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn phổ biến rộng rãi tới công nhân, lao động về gói vay 20.000 tỷ đồng, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân, lao động. Các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở cần tìm hiểu kỹ về gói vay và kết nối đầu mối cho vay giúp công nhân, lao động, để họ không phải tìm đến “tín dụng đen”. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan hoạt động “tín dụng đen”, từ đó có biện pháp bảo vệ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, ngăn ngừa tội phạm manh động, không để chúng thâm nhập công nhân lao động.