Đưa trẻ đến sân khấu kịch

Ra mắt chưa đầy ba tháng, Sân khấu Ban Mai (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) của đạo diễn trẻ Bảo Chu đã tạo được ấn tượng tốt với vở kịch “Rago - Hành trình đầu tiên”. Bên cạnh việc giúp khán giả “nhí” có những trải nghiệm thú vị với loại hình kịch nói, sân khấu tạp kỹ, Ban Mai còn thiết kế nhiều sân chơi tương tác mang tính giáo dục, kết nối cho các bạn nhỏ. Anh đã có cuộc trò chuyện với Thời Nay về các dự án nghệ thuật của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Bảo Chu, (thứ hai, phải sang) và các diễn viên chụp hình lưu niệm cùng khán giả,
Đạo diễn Bảo Chu, (thứ hai, phải sang) và các diễn viên chụp hình lưu niệm cùng khán giả,

PV: Một trong những yếu tố khiến vở “Rago - Hành trình đầu tiên” được nhiều người yêu thích là việc khéo léo lồng ghép câu chuyện giáo dục vào các tình tiết vui nhộn, đẹp mắt và lời thoại dễ nhớ, đáng yêu. Điều này có được duy trì trong các vở kịch tiếp theo tại Ban Mai không?

Đạo diễn Bảo Chu (BC): Khi lập ra sân khấu này, nhóm đối tượng chính chúng tôi muốn phục vụ là thiếu nhi, nhưng từng giai đoạn sẽ bổ sung thêm các vở diễn phù hợp để dần mở rộng chủ đề tiếp cận. Dù giữ nguyên hay nới rộng độ tuổi thưởng thức thì trong bất kỳ cảnh diễn hay câu thoại nào, sự trong trẻo của thế giới trẻ thơ phải luôn được giữ gìn. Vở kịch được đầu tư công phu, cảnh trí đẹp, nhạc hay, phục trang ấn tượng với rất nhiều diễn viên sẽ không mang lại giá trị nếu thiếu đi tính giáo dục và ứng dụng cho khán giả nhí. Vở diễn sắp tới đây không chỉ phục vụ riêng cho các bạn từ 3 đến 10 tuổi như vở đầu tiên mà sẽ có thêm nhiều tầng nội dung để chạm đến khán giả lớn tuổi là ông bà, cha mẹ của các bé. Thời gian tới, chúng tôi cũng bổ sung thêm thể loại kịch cho nhóm khán giả từ 10 đến 16 tuổi với các chủ đề liên quan đến giáo dục giới tính, cách ứng xử xã hội, bạo lực học đường.

PV: Là sân khấu mới với nhóm khán giả đặc thù, đâu là thách thức lớn nhất của Ban Mai?

Đạo diễn BC: Cái khó lớn nhất hiện nay là chúng tôi vận hành một sân khấu quy mô với nhân sự gồm khoảng 90% là người trẻ. Không chỉ diễn viên trẻ, tại đây, chúng tôi chào đón rất nhiều sinh viên ngành nghệ thuật và cả diễn viên “nhí”. Kết hợp với đội ngũ toàn người trẻ và cả người chưa có kinh nghiệm sân khấu, áp lực không hề nhỏ nhưng tôi chấp nhận đầu tư thời gian, công sức gấp nhiều lần để tạo thêm cơ hội, thêm đất diễn cho các bạn. Ban đầu, mọi thứ khá khó khăn nhưng đến thời điểm hiện tại, các bạn đã dần quen việc, nhiều cá nhân tiến bộ rõ rệt sau từng suất diễn.

PV: Đó là cái khó về đội ngũ, còn cái khó về nội dung, cách thức hoạt động nằm ở những điểm nào?

Đạo diễn BC: Mỗi vở kịch được chúng tôi xây dựng theo hình thức tạp kỹ với đủ loại hình biểu diễn nhằm tạo sự bất ngờ cho người xem. Do đó, ngoài việc tận dụng thế mạnh của nhạc kịch, bày trí sân khấu thật đẹp, phục trang thật ấn tượng, chúng tôi đòi hỏi mỗi diễn viên trang bị nhiều kỹ năng biểu diễn để tạo nên mầu sắc tươi mới, tránh sự lặp lại khiến người xem nhàm chán, mất tập trung. Diễn viên ngoài diễn tốt, thoại mượt mà còn phải biết ca hát, nhảy múa, tạo sự kết nối với thiếu nhi nhằm gửi gắm các thông điệp quan trọng.

PV: Sân khấu Ban Mai bắt đầu đi vào hoạt động ổn định, anh có những kế hoạch gì cho thời gian tới?

Đạo diễn BC: Bên cạnh việc duy trì sân chơi tương tác kéo dài 60 phút trước mỗi suất diễn, từ đầu tháng 3, Sân khấu Ban Mai còn phối hợp với một số trường mầm non, tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai “Theatre Tour” bao gồm các hoạt động trải nghiệm sân khấu, xem kịch và giao lưu với diễn viên được thiết kế riêng cho khán giả “nhí”. Từ nay đến cuối tháng 5, nhiều trường học đã liên hệ đăng ký lịch “Theatre Tour” cho học sinh. Bên cạnh lịch diễn cố định và các hoạt động trải nghiệm, tôi cùng cộng sự đang gấp rút chuẩn bị vở kịch thứ hai mang tên “Colora - Xứ sở rực rỡ”, dự kiến ra mắt vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay.

Hiện tôi và cộng sự đang lên kế hoạch cho những suất diễn đặc biệt phi lợi nhuận, phục vụ nhóm khán giả là con em công nhân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng nghĩ đến việc diễn vở “Rago - Hành trình đầu tiên” theo hình thức sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nhằm mang đến cơ hội trải nghiệm kịch cho các khán giả câm điếc. Việc học ngôn ngữ ký hiệu cần có thời gian nên chúng tôi sẽ triển khai trong giai đoạn tới.

PV: Cảm ơn đạo diễn Bảo Chu với cuộc trò chuyện này!