Mùa khô khốc liệt ở vùng ngọt Cà Mau

Các địa phương vùng ngọt ở Cà Mau đang gồng mình hứng chịu những tác động bất lợi từ hạn hán. Đây cũng là mùa khô khốc liệt thứ 3 xảy ra tại địa phương này, từ lần đầu vào năm 2016 và kế tiếp vào năm 2020. Nắng hạn rồi sẽ qua đi nhưng hậu quả để lại cần có thời gian dài để khắc phục.
0:00 / 0:00
0:00
Cà Mau huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ưu tiên vận chuyển nước sinh hoạt để “cứu khát” cho người dân vùng ngọt.
Cà Mau huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ưu tiên vận chuyển nước sinh hoạt để “cứu khát” cho người dân vùng ngọt.

Ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán tại Cà Mau là vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời. Qua hơn 3 tháng chịu ảnh hưởng bởi hạn hán khốc liệt, đường sá của địa phương này trở nên ngổn ngang vì sụt lún, sạt lở…

Tan hoang vùng ngọt Cà Mau

Mờ sáng, khi gà chưa kịp gáy canh tư thì lão nông Phạm Văn The (ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) thình lình thức giấc bởi tiếng động lớn. Mở cửa nhà ra xem có chuyện gì thì ông The thấy con lộ bê-tông rộng 2 m trước nhà mình bị sụt lún xuống gần 1,5 m. “Phải mất cả tuần gia cố, khắc phục, người dân trên tuyến mới có thể di chuyển trở lại bằng xe gắn máy nhưng chưa được lâu thì sụt lún lại xuất hiện ở nhiều vị trí khác”, ông The chua chát.

Vùng nông thôn huyện Trần Văn Thời vốn yên bình nhưng gần đây trở nên bất thường bởi những tiếng động lạ về đêm. Tiếng đất rạn nứt, tiếng rễ cây bị đứt gốc… cũng có thể khiến người dân quê tỉnh giấc. Đó cũng là âm thanh khiến con lộ giao thông trước nhà ông Võ Việt Tùng (ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải) bị hư hỏng một đoạn dài hơn 40 m.

Chỉ tay về con lộ rộng 3 m bị hư hỏng trước nhà, ông Tùng buông giọng buồn so: “Con lộ mới hoàn thành ngay trước Tết Nguyên đán, người dân vui mừng chưa lâu thì chỉ sau 1 đêm nó bị sụt lún nặng, bà con trên tuyến không thể đi lại được”.

Ðoạn sụt lún khu vực nhà ông Tùng là 1 trong tổng số hơn 200 vị trí sụt lún, sạt lở đất xảy ra trên địa bàn xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) kể từ đầu mùa khô 2024 đến nay. Chỉ tính riêng trong ngày 15/4, toàn huyện Trần Văn Thời phát sinh mới 18 vụ sụt lún, sạt lở đất thì địa bàn xã Khánh Hải có đến 16 vụ.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời Đỗ Văn Sử, cho biết: Các vị trí sụt lún, sạt lở thường nằm dọc các con kênh, con rạch bị đói nước hoặc không còn nước. Để giảm thiệt hại do sụt lún, sạt lở, thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời tập trung thực hiện nhiều giải pháp trước mắt, như: gia cố lại những tuyến đường bị sạt lở hoặc nơi có nguy cơ cao, bảo đảm đi lại của người dân. Tại các tuyến bờ kênh có tình trạng gia tải lớn còn tiến hành các biện pháp giảm tải, như: cắt bớt cây cối lớn ven bờ, phân luồng, điều tiết xe, thậm chí tạm dừng lưu thông xe với những tuyến đường quan trọng, có nguy cơ sụt lún, sạt lở cao…

Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và chung tay của người dân mà đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện gia cố, kè xịa cây tạm được 100 điểm sụt lún với tổng chiều dài 2.100 m; hoàn thành cắt, tỉa cây được hơn 168 tuyến đường; vận động di dời hơn 50 trường hợp có bãi chứa vật liệu xây dựng nặng ven sông, kênh, rạch; hơn 450 trường hợp hộ dân cất nhà ven kênh, rạch di dời đồ đạc, vật nặng ra khỏi khu vực có nguy cơ sụt lún; lắp hơn 270 biển cảnh báo, rào chắn, giăng dây, biển cảnh báo tại các điểm bị sụt lún…

Mùa khô khốc liệt ở vùng ngọt Cà Mau ảnh 1

Nhiều con kênh lớn ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, Cà Mau khô cạn nước ngọt vì nắng hạn khốc liệt.

Khát nước ngọt cho vùng ngọt

Không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến hạ tầng giao thông, giao thương hàng hóa mà hạn hán tại Cà Mau còn khiến sản xuất trì trệ do cây trồng thiếu nước tưới, gây thiếu nước sinh hoạt tại nhiều vùng nông thôn. Hiện, toàn tỉnh Cà Mau còn hơn 2.600 hộ gia đình bị thiếu nước hoặc không chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu, phải mua nước với giá đắt đỏ. Trong số này, địa bàn các huyện vùng ngọt như Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình có đến hơn 1.600 hộ.

Khô hạn còn gây áp lực lớn lên hệ sinh thái rừng ngập ngọt hơn 45 nghìn ha của tỉnh Cà Mau, khi đầu mùa khô đến nay đã xảy ra đến 3 vụ cháy. Trong đó, vụ cháy vào trưa 10/4 đã thiêu rụi gần như hoàn toàn khoảng 40 ha rừng sản xuất tại Nông trường 402, nằm trên địa bàn xã Khánh Bình Tây của huyện Trần Văn Thời. Đây cũng là vụ cháy rừng lớn nhất trong 10 năm gần đây trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

“Vụ cháy tuy đã được khắc phục kịp thời nhưng hiện tại, lâm phần rừng tràm Cà Mau đang bị khô hạn rất nặng vì thiếu nước, khi có đến hơn 2/3 diện tích đang ở mức cảnh báo cháy từ cấp 4 (cấp nguy hiểm) đến cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm)”, Chi cục trưởng Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải, lo lắng.

Trước những tác động bất lợi do hạn hán gây nên, trong ngày 15/4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phải công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh, qua đó nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân cùng chung tay ưu tiên cho việc ứng phó với hạn hán.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, dự báo khô hạn sẽ còn kéo dài nên tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân sẽ còn tiếp diễn; khả năng cao còn tiếp tục xuất hiện thêm nhiều điểm sụt lún, sạt lở đất bờ kênh, đường giao thông trong vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời và U Minh, làm hư hỏng kết cấu mặt đường, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa, đi lại của người dân…

“Theo chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp cùng các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương đang tập trung các giải pháp để giảm thiệt hại do hạn hán. Trong đó, đặc biệt ưu tiên chuyển nước cung cấp cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Đồng thời, ưu tiên sửa chữa, gia cố các tuyến đường giao thông bị sụt lún, sạt lở, để việc đi lại không bị ách tắc”, ông Vũ cho hay.

Nằm xa nhất về phía biển nên Cà Mau là địa phương duy nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa được tiếp nước ngọt từ sông Mê Công. Đặc biệt là khu vực Bắc Cà Mau (gồm một phần huyện Thới Bình, thành phố Cà Mau, toàn bộ huyện U Minh và phần lớn diện tích huyện Trần Văn Thời), có diện tích tự nhiên hơn 154 nghìn ha, được quy hoạch sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Vậy nhưng, từ trước đến nay, mọi hoạt động liên quan đến sản xuất, đời sống của người dân đều nhờ tích trữ nước mưa, hoặc khai thác tầng nước ngầm để giải cơn khát. Cũng vì lẽ đó, khu vực vùng ngọt trên rất cần có thêm nguồn nước ngọt bổ sung vào những tháng cao điểm mùa khô hạn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, nhu cầu nước ngọt ở vùng ngọt Cà Mau không chỉ phục vụ cho rửa mặn đồng ruộng để trồng lúa mà còn giúp xử lý để cung cấp cho sinh hoạt hằng ngày. Nước ngọt còn để kênh, rạch… vùng ngọt “no nước” trong mùa hạn, không còn sụt lún, giúp có nguồn nước tưới ruộng vườn, cây ăn trái… “Mục tiêu tìm ngọt cho vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau không phải là ngăn mặn, giữ ngọt triệt để, hoặc bao ví để nhất nhất giữ hay phát triển hệ sinh thái ngọt. Đó chính là sự “pha loãng” giữa mặn - ngọt, sử dụng nguồn nước hợp lý cho những mô hình thuận thiên bền vững, đã chứng minh hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế và thuận lòng dân”, ông Lê Văn Sử trăn trở.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, phía bộ đang nghiên cứu giải pháp để chuyển nước ngọt từ nơi khác về Cà Mau. Đầu tiên là làm cống âu thuyền Tắc Thủ, giúp ngăn nước mặn chảy từ biển vào vùng ngọt. Kế đó là tính toán việc chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé qua kênh Chắc Băng và chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về vùng ngọt Cà Mau.

“Sống và sản xuất trên vùng đất dễ chịu sự tổn thương bởi thiên tai và biến đổi khí hậu nên những lúc “mẹ thiên nhiên” không được bình thường, khát vọng tìm nước ngọt bổ sung cho vùng ngọt Cà Mau lại càng thêm mãnh liệt, cháy bỏng. Vậy nhưng, hơn chục năm qua, kỳ vọng và khát khao có thêm nguồn nước ngọt vẫn chưa thành hiện thực”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử.