Lan tỏa văn hóa đọc trong thế hệ trẻ

Nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong thanh, thiếu nhi, các cấp Đoàn Thanh niên TP Đà Nẵng tổ chức nhiều mô hình, hoạt động phong phú, hấp dẫn. Qua đó, hình thành tình yêu sách, đam mê, thói quen đọc sách trong thế hệ trẻ, xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc trong toàn xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hoạt động được tổ chức định kỳ nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong thanh, thiếu nhi.
Nhiều hoạt động được tổ chức định kỳ nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong thanh, thiếu nhi.

Hình thành thói quen đọc sách

Như thường lệ, buổi học sáng thứ tư giữa tháng 4 của thầy và trò Trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà) bắt đầu với hoạt động cùng nhau đọc sách trên sân trường. Sau 15 phút đọc sách cá nhân là đến hoạt động “đọc to nghe chung” với các bài đọc về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4). Sau hoạt động đọc sách, giáo viên và học sinh toàn trường tham quan các gian hàng trưng bày sách, tham gia trò chơi “truy tìm kho báu” và học sinh đổi, tặng sách cho nhau sau khi đọc xong. Sau hơn 2 giờ, chương trình khép lại với hoạt động quyên góp hơn 1.100 quyển sách, truyện tặng cho thư viện trường. Em Trương Ánh Tuyết (học sinh lớp 5) chia sẻ: “Hoạt động đọc sách trên sân trường rất thú vị. Đây không đơn giản là hoạt động sinh hoạt bổ ích mà còn là dịp để em và các bạn trao đổi, mượn sách lẫn nhau để mở rộng vốn sách đọc”. Đại diện Liên đội Trường tiểu học Lương Thế Vinh cho biết, đây là hoạt động do liên đội phối hợp với thư viện trường tổ chức nhân kỷ niệm ngày “Sách và văn hóa đọc Việt Nam” (21/4), nhằm đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, góp phần phát triển văn hóa đọc trong học sinh nói riêng, nhà trường nói chung.

Trong khi đó, Quận đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên - Hội đồng Đội quận Hải Châu khánh thành góc đọc sách và không gian số “Bác Hồ và thanh thiếu nhi”, đặt tại trụ sở cơ quan (số 329 Lê Thanh Nghị, quận Hải Châu). Tại đây, hơn 100 đầu sách thuộc nhiều thể loại được sắp xếp cẩn thận theo từng chủ đề và luôn mở cửa chào đón đoàn viên, thanh, thiếu nhi đến đọc. Bên cạnh sách giấy, Quận đoàn Hải Châu còn xây dựng không gian đọc sách ảo trên internet. Người đọc chỉ cần quét mã QR sẽ truy cập được “thư viện số” và dễ dàng tìm đọc các đầu sách trên thư viện. “Góc đọc sách là cầu nối giúp thanh, thiếu nhi, đoàn viên thanh niên hình thành thói quen đọc sách, đồng thời tuyên truyền, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ”, anh Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Quận đoàn Hải Châu chia sẻ.

Nhiều cách làm sáng tạo

Để xây dựng và thắt chặt tình yêu với sách, các cấp tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng sáng tạo nhiều mô hình, hoạt động thú vị, hấp dẫn thu hút thế hệ trẻ tham gia. Hưởng ứng “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam”, mới đây, Huyện đoàn - Hội đồng Đội huyện Hòa Vang tổ chức hội thi “Kể chuyện theo sách bằng tiếng Anh”, trưng bày sách nghệ thuật và vẽ tranh theo sách, thu hút hơn 700 học sinh tham gia. Chị Nguyễn Thị Giang Thủy, Bí thư Huyện đoàn Hòa Vang chia sẻ: “Các hoạt động hưởng ứng “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” nói riêng, lan tỏa văn hóa đọc nói chung đã trở thành hoạt động thường niên và là sân chơi bổ ích, thiết thực cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn huyện. Qua đó, các cấp bộ đoàn tuyên truyền, giáo dục về việc đọc sách, giữ gìn và bảo vệ sách cho thanh, thiếu nhi, góp phần đưa văn hóa đọc ngày càng phát triển”.

Trong khi đó, với tinh thần “Tuổi trẻ An Khê tiên phong trong chuyển đổi số”, Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê) xây dựng mô hình “Thư viện số - Đọc sách thông minh”. Theo đó, Đoàn phường An Khê lập nhóm gồm 6 đoàn viên thanh niên có chuyên môn về thiết kế website và công nghệ thông tin. Trên cơ sở kiến thức có được, đoàn viên lập một thư viện số và mã QR để quét. Người đọc chỉ cần mở điện thoại thông minh, quét mã là dễ dàng truy cập “thư viện số” và đọc các đầu sách dạng e-book (sách điện tử). Anh Phan Trần Hải Giang, Bí thư Đoàn phường An Khê cho biết, mã QR để truy cập thư viện hiện được dán tại 15/15 nhà sinh hoạt cộng đồng và một số quán cà-phê trên địa bàn phường. “Thư viện số hiện có hơn 300 đầu sách với đa dạng lĩnh vực như sách viết về Bác Hồ, lịch sử, chuyển đổi số và công nghệ thông tin, văn học Việt Nam, địa lý, văn hóa - nghệ thuật, cổ tích, thần thoại, y học, thể thao… đáp ứng nhu cầu của người đọc mọi lúc mọi nơi, nhất là trong giai đoạn phổ biến internet và điện thoại thông minh như hiện nay”, anh Hải Giang nói.