Đổi thay Mường Lống

Nằm ở độ cao 1.500 m so mực nước biển, xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) được ví như “cổng trời” xứ Nghệ. Trước đây, nhắc đến Mường Lống là người ta nói tới đói nghèo, tệ nạn và những con đường quanh co, khúc khuỷu. Thế nhưng giờ đây, Mường Lống đã khoác lên mình một tấm áo mới. Ngày càng nhiều mô hình kinh tế phát triển, mang lại cho người dân một cuộc sống đầy đủ, ổn định hơn. Điểm đặc biệt, Mường Lống hôm nay còn trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ thêu ren ở bản Mường Lống 1.
Tổ thêu ren ở bản Mường Lống 1.

Nghề này làm da đẹp hơn

Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những người phụ nữ H’Mông đang miệt mài may, thêu những bộ trang phục dân tộc đầy mầu sắc. Phụ nữ H’Mông làm thêu ren không phải là điều lạ, bởi đây vốn là nghề truyền thống của đồng bào H’Mông. Thế nhưng, điều mới lạ là những bộ trang phục này không để phục vụ cho người H’Mông mặc như trước kia, mà là sản phẩm được bày bán cho các du khách khi đến với khu vực này. Điều đó có nghĩa là, thay vì chỉ chăn bò, làm nương, làm rẫy, phụ nữ H’Mông nơi đây có thể kiếm được tiền từ chính công việc này. Việc thêu thùa, may vá của họ cũng không làm đơn lẻ ở từng gia đình, mà đã tập trung thành một tổ hội thêu ren. Dù mới chỉ thành lập vào năm 2023, nhưng đến nay, tổ hội thêu ren này đã có được 15 thành viên.

Gặp chị Vừ Y Ày (bản Mường Lống 1) đang cần mẫn thêu, thấy chị cười tươi tắn: “Mình tham gia hợp tác xã (HTX) mới năm nay. Nhưng mình thêu 12 năm rồi”. Ở bản này, chị Ày thuộc thành phần tay nghề cao, thu nhập cả năm cũng 60-70 triệu đồng. Nhưng trước khi có HTX chị chỉ biết làm một mình, lắm lúc chị cũng buồn. Đơn hàng đến không đều, có lúc có việc, có lúc lại cả nửa năm chẳng động đến thêu may. Từ khi gia nhập HTX, ngoài thu nhập tăng lên, chủ yếu chị thấy vui hơn nhiều, “mọi người đều thêu như mình. Mình cảm thấy mình vui hơn mỗi ngày, ngày nào cũng có công việc và có thu nhập”.

Tổ trưởng thêu ren Lò Thị Dính cũng bảo rằng, đây không chỉ là câu chuyện thoát nghèo, tạo nghề cho bà con. Bên cạnh cải thiện thu nhập, từ những sản phẩm của HTX, có thể thấy nghề truyền thống, văn hóa của người H’Mông ở đây vẫn được giữ gìn, phát triển. Những hoa văn người H’Mông trắng mà tổ thêu ra ngày càng được ưa chuộng. Đã có những đơn hàng từ nơi xa tìm đến. Chị Dính bảo rằng, trước kia dù vẫn cố gắng thêu, chị cũng không nghĩ có ngày những hoa văn người dân tộc mình lại được chào đón như vậy. “Ngày xưa thì không ai để ý, nhưng mà bây giờ là ta còn làm bán đi. Và bây giờ cái này là cái nghề mà phụ nữ ta kiếm tiền”, chị Dính vui vẻ. Phụ nữ Mường Lống, vì thế mà yên tâm giữ nghề hơn, không phải cắm mặt lên nương lên rẫy mà lòng vẫn đau đáu vì những chiếc váy hoa mai một nữa.

Những bộ trang phục người H’Mông, dưới bàn tay của chị em, cứ rực rỡ trong nắng. Tiếng cười vui vẻ, tiếng hỏi nhau rộn ràng. “Nghề này mang lại uy tín, kinh tế cho chị em ta. Ngày xưa ta chưa có cái làm theo nên là ta đi làm nương, làm rẫy, chăn bò, vất vả mà da xấu. Nhưng mà bây giờ thì ta cũng thay đổi rồi, ta cũng làm theo cái này, mà ta ở nhà, vừa là cho mình trẻ, cho mình da đẹp”, chị Dính cười e thẹn.

Mỗi tháng, trung bình thu nhập ở HTX của các chị em là 5 triệu đồng/ người. So làm nương rẫy, làm làn da phụ nữ xấu đi, mà chỉ được 3 triệu đồng, lại có ý nghĩa văn hóa, chị Dính bảo thế thì mình phải mừng chứ.

Góp tiền thêm điểm đến

Xã Mường Lống có địa hình chủ yếu là đồi núi cao xen kẽ khe suối, giao thông đi lại khó khăn. Thế nhưng, thay vào đó, Mường Lống có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn với du khách. Thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025, bản Mường Lống 1 đã tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Bí thư chi bộ bản Mường Lống 1 Quang Thị Hiền cho hay đề án đã chọn ra ba hộ gia đình làm dịch vụ homestay để thử nghiệm. Hai năm đầu tư, mô hình đã cho thấy những khởi sắc. “Hằng năm thu hút nhiều khách du lịch tham quan, phát triển kinh tế của bản được đẩy mạnh, giảm số hộ nghèo. Các nông sản, sản phẩm nông nghiệp của bản được tiêu thụ nhiều so với năm khác”, bà Hiền nói.

Nhà ông Vừ Tồng Pó là một trong những gia đình tiên phong trong mô hình này. Năm 2021, gia đình ông Pó bắt đầu đầu tư làm homestay, “một tuần được khoảng 10-15 lượt khách đến ngủ. Một năm được khoảng hơn 300 người vào đây ngủ trong nhà tôi. Tính ra nguồn thu cho gia đình cũng đủ”, ông Pó nhẩm tính. Để vừa phát triển kinh tế hộ gia đình, lại vừa có thể góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của địa phương, gia đình ông đầu tư hơn 700 triệu đồng vào làm nhà sàn, tổ chức các chương trình trải nghiệm ẩm thực truyền thống của người H’Mông. Cùng với đó, phối hợp các đoàn thể ở địa phương, duy trì đội văn nghệ dân tộc phục vụ cho du khách. “Tôi đầu tư một là nơi ăn chỗ nghỉ phải sạch sẽ, đầu tư nhà homestay phải bảo đảm cho du lịch, thứ ba là nấu ăn ẩm thực bảo đảm cho du lịch luôn đến đây, hướng về Mường Lống”, ông Pó lý giải cho số tiền không hề nhỏ bỏ ra để đầu tư cho mô hình mới mẻ này, “Bản sắc dân tộc chúng ta phải giữ vững để sau này có du khách nhiều hơn thì chúng ta phải mở nhiều hơn văn hóa truyền thống ông cha ta để lại”.

Ông Lỳ Bá Thái, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Kỳ Sơn, kể rằng thời gian đầu, việc triển khai du lịch cộng đồng ở Mường Lống gặp nhiều khó khăn. Có một số gia đình tiến hành làm, mở rộng khuôn viên để xây dựng phòng ở dịch vụ nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì thiếu nhiều thủ tục giấy tờ. Đó cũng là điều không lạ ở xã vùng cao, nơi mà người dân cũng chưa nắm hết vấn đề pháp lý. “Quan điểm của huyện là chỉ đạo xã để vừa giúp hộ gia đình đó để họ hoàn thiện thủ tục, đồng thời động viên họ để cố gắng vươn lên, tạo động lực để hộ gia đình khác phấn đấu coi việc phát triển du lịch cộng đồng là phong trào địa phương”, ông Thái nói.

Để thêm điểm đến du lịch, cán bộ xã Mường Lống còn huy động nhau tự góp tiền mua xi-măng làm bậc thang đi xuống thác nước, tạo thêm một điểm đến cho du khách thuận tiện tham quan. Thời điểm hiện tại, hầu hết các ngày lễ Mường Lống đều đông khách, thậm chí có những đợt Mường Lống “cháy phòng”, du khách phải vào nhà dân ở tạm.

Từng bước đi xóa đói, giảm nghèo

Trong khi ấy, tại bản Long Kèo, xã Mường Lống, để xóa đói, giảm nghèo là việc vô cùng khó khăn bởi tập quán sinh hoạt của người dân còn nhiều hủ tục. Bà con đa phần làm nương rẫy, nhưng địa bàn lại xa xôi, hiểm trở. Muốn lên nương, lên rẫy phải mất vài tiếng đi đường và phải qua đêm mới lại quay trở về nhà được. Thế nhưng cái khó ló cái khôn, vẫn có cách để thoát nghèo, chỉ cần được chỉ lối.

Nhận hỗ trợ gà từ xã, có lẽ chưa bao giờ chị Lầu Y Sình lại nghĩ mình có thể có được một đàn gà như bây giờ. Dù muốn mở rộng chăn nuôi từ lâu, nhưng gia đình chị không có điều kiện làm chuồng trại, mua con giống. Phải đến khi có các chương trình tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống cây - con từ các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo của Trung ương và địa phương, chị mới được hỗ trợ 150 con gà và 9 bao cám để biến ước mơ trở thành hiện thực. Trước kia, cả gia đình chỉ trông vào tiền công đi làm thuê của chồng chị Sình. Nhưng bây giờ, những chú gà đã mang lại sinh kế đáng kể cho cả nhà. Chị Sình cũng chưa nói gì xa xôi, nhưng trước mắt, chị có đủ tự tin để yên tâm với mô hình chăn nuôi đang có, và bắt đầu lên kế hoạch dài hơi để mở rộng đàn gà.

Ông Và Bá Rống, Bí thư chi bộ bản Long Kèo, bỏ nhỏ rằng: “Bản chủ yếu là ở đồi cao, đá nhiều, phụ thuộc chủ yếu vào nương rẫy, mà nương rẫy toàn ở xa thôi. Về phát triển kinh tế, về chăn nuôi cũng có nhiều khó khăn. Nên chăn nuôi thì chi bộ cũng luôn tuyên truyền để bà con chăn nuôi gà, trâu bò bỏ chuồng vỗ béo. Chi bộ cũng luôn đồng hành, giúp đỡ những gia đình khó khăn để đưa về phát triển kinh tế. Chăn nuôi có khó khăn thì chi bộ cũng luôn quyết tâm giám sát, chỉ đạo cho nhân dân hiểu và làm được. Nhìn chung người dân trong bản thay đổi kinh tế khá nhiều, chi bộ cũng rất mừng, vui, phấn khởi”. Năm 2023, có hai hộ dân ở Long Kèo được hỗ trợ để xây dựng mô hình nuôi gà đen. Ông Rống nói, những thành công bước đầu ở những hộ như nhà chị Sình cho thấy có thể nhân rộng mô hình này hơn nữa. Ông Rống bày tỏ kỳ vọng, rằng nếu tạo công ăn việc làm, có đầu ra sản phẩm cho bà con, thì bà con sẽ ở lại quê hương làm lụng, thay vì phải ly hương, “Trước kia thì thanh niên đi công ty, người già thì ở nhà chăn nuôi lợn, gà. Bây giờ bản đã thay đổi nhiều rồi”.

Trước năm 2015, Mường Lống vẫn là xã “ba chưa”: điện lưới chưa có, đường nhựa chưa có, đường giao thông vào bản xa chưa có. Năm 2015, xã bắt đầu có điện lưới, hệ thống giao thông được cải thiện. Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống Lỳ Bá Xống cho hay: “Từ 2015 trở về trước, Mường Lống là 1 trong những xã nghèo nhất huyện Kỳ Sơn. Do các chương trình, mục tiêu như Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới tập trung đầu tư vào xã, dưới sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và người dân thì kinh tế, đời sống đã thay đổi, cơ sở hạ tầng đã thay đổi”.

Những đổi thay ở Mường Lống vẫn còn cần thời gian để đánh giá cao hơn. Vẫn còn nhiều việc phải làm ở xã vùng cao này. “Chúng tôi xác định là để xóa đói, giảm nghèo thì phải phát triển được kinh tế hộ gia đình trước thì mới xóa đói, giảm nghèo được, bây giờ hộ gia đình mà không ổn định được thì chắc chắn chưa thể ổn được”, ông Lý Bá Thái nói. Ở Mường Lống bây giờ, chúng ta đã có thể tin vào một sự ổn định.