Hạnh phúc được yêu thương trong ngôi nhà chung

Nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ là động lực để ông Huỳnh Tấn Hùng, 63 tuổi, sống tại thị trấn Phú Thịnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) duy trì Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn suốt 14 năm qua. Mong các con thành người có ích cho xã hội là tâm nguyện lớn nhất của người cựu chiến binh này.
0:00 / 0:00
0:00
Ba Hùng của các em.
Ba Hùng của các em.

Mỗi đứa trẻ là phước trời cho

Với không gian sinh hoạt chung khoảng 1.000 m2, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em của ông Hùng hiện có 22 em nhỏ đang được chăm sóc. Các cô bé, cậu bé thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, có những em bé mới sinh ra chỉ được vài tháng tuổi, người thân xin gửi các em cho ông Hùng nuôi dưỡng. Đó là những trường hợp vô cùng khó khăn mà theo ông Hùng, không thể nhắm mắt ngó lơ.

“Tôi duy trì trung tâm này lâu nay chỉ hướng đến mục đích vì cuộc sống các con. Tất cả các cháu có hoàn cảnh khó khăn, dù ở tỉnh, thành phố nào đến tôi đều nhận. Các con còn nhỏ thì chúng tôi chăm sóc khi chúng đau ốm, lo cái ăn cái mặc. Lớn lên tôi giúp các con học đến đại học, đứa nào có được việc làm là tôi vui nhất”, ông Hùng khẳng định.

Dưới mái nhà trung tâm này, đã có nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, thu nhập đi lên. Cả gia đình đến xin ở, trẻ con được ông Hùng và các tình nguyện viên của trung tâm chăm sóc; hằng ngày cha mẹ đi làm, tối về họ được ở ngay tại trung tâm với con, mọi chi phí sinh hoạt đều được miễn phí. Sau một thời gian, đời sống kinh tế của các gia đình dần ổn định, họ xin rời đi, ông Hùng rất mừng và xem đó là một thành công, mãn nguyện.

Những năm qua, đồng hành cùng ông Hùng trong việc chăm sóc các em nhỏ là những người bạn thân thiết, ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần cho mái ấm. Dòng chữ “Cho là không nhớ, nhận là không quên” được ông Hùng treo trang trọng giữa phòng làm việc, là phương châm để nhắc nhở bản thân từ ngày mở ra trung tâm đến nay. Ông bày tỏ: “Với tôi, mỗi đứa trẻ đến với mình như một cái duyên phước của trời ban cho”.

Ba Hùng của tụi em

Chị Nguyễn Thị Lợi đang làm công nhân trong khu công nghiệp ở xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ), tranh thủ buổi trưa ghé lại thăm các em. Thấy bóng người chị quen thuộc, đám trẻ trong phòng chạy ùa ra mừng rỡ. Chị Lợi từng có thời gian dài sống ở trung tâm, từ ngày tìm được công việc ổn định, chị xin ra ngoài. Bồng ẵm, cười đùa với các em, niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt chị. Sau một hồi lúi húi phụ các cô tình nguyện viên chuẩn bị cho các em ăn trưa, chị vào chào ông Hùng: “Thưa ba, con xin phép về đi làm cho kịp ca chiều”. Vẫn cử chỉ nhỏ nhẹ, lễ phép của cô bé Lợi khi mới bước vào mái ấm nhiều năm trước.

Mỗi năm, ông Hùng liên hệ các trường để xin xếp lớp cho những em nhỏ đến độ tuổi đi học. Hằng ngày, một số em được gửi đi học bán trú ở trường, đến chiều tối có thể do chị Lợi hoặc những tình nguyện viên khác đón về. Chăm lo từng giấc ngủ, bữa ăn cho các em, trong đó có những em bị hạn chế về mặt tâm lý nên mỗi tình nguyện viên luôn đồng cảm. “Bình thường thì các bé sinh hoạt, vui chơi với nhau. Đôi khi tâm lý thay đổi, có nhiều bé đột ngột biểu hiện những hành động bất ngờ, mình phải biết và kiềm chế chúng lại. Nhiều đợt thời tiết thay đổi, đứa này ốm xong chuyển qua đứa khác, tụi tôi tìm đủ mọi cách bày trò, chọc vui để cho các bé uống thuốc”, một tình nguyện viên cho biết.

Cuối ngày, khi dòng xe của các cha mẹ khác đón con đi học về, từ trong sân nhìn vọng ra là đôi mắt những em vẫn đang chờ một người mà đã lâu rồi chưa gặp lại. “Mẹ con đi đâu mà lâu chưa tới dẫn con về, mẹ nói mai tới mà?” - “Con phải ngoan thì mai mẹ mới tới chở con về nhé!”.

Dưới mái nhà Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này đã có hơn 200 lượt trẻ em cùng những người khó khăn đến và đi. Ông Hùng hay đùa vui rằng ông có rất nhiều đứa con nuôi ở khắp mọi nơi. Tiếng gọi “Ba Hùng” là điểm tựa tinh thần quý quá nhất đối với các cô, cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn, nó sẽ mãi đi theo các em trong suốt cuộc đời sau này.

Một dàn máy lọc khử khuẩn được lắp đặt kỹ lưỡng và bảo hành sáu tháng/lần. Mỗi ngày, từ sáng sớm, vợ và người em gái của ông Hùng đi chợ mua thực phẩm và chế biến các phần ăn đầy đặn cho 22 bé. Mỗi em một khẩu vị, sở thích ăn uống, tuy nhiên, tất cả phần ăn đều đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với cả trẻ nhỏ vài ba tuổi. Mỗi tuần, có những nhà hảo tâm ở TP Tam Kỳ gửi hàng chục kg rau xanh, củ quả tươi đến trung tâm. Nguyên liệu sử dụng lâu được bộ phận bếp bảo quản lạnh, tránh lãng phí.