Thêm cuộc thi, thêm tác phẩm tốt

Những năm qua, liên tục có các cuộc thi sáng tác văn chương được các bộ, ban, ngành và cơ quan chuyên môn tổ chức. Đây là những nỗ lực tạo ra nhiều sân chơi, khích lệ giới cầm bút sáng tác. Có nhiều mong muốn tiếp tục kiến tạo các cuộc thi này một cách bài bản, kêu gọi nhiều tác giả tham dự với chất lượng chấm chọn thật tốt.
0:00 / 0:00
0:00
Trao giải Cuộc thi viết và trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân.
Trao giải Cuộc thi viết và trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân.

Từ sự tham gia phong phú

Liên quan đến ngành công an, đã có những cuộc thi sáng tác diễn ra như cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức; giải Cây bút vàng do Chi hội Nhà văn công an tổ chức… Nhiều tác phẩm đạt giải cao được bạn đọc đón nhận, được tái bản nhiều lần. Có những tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyền hình.

Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) đã trao giải Cuộc thi viết và trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người viết chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư trong cả nước, đặc biệt có nhiều cây viết là cán bộ, chiến sĩ công an công tác tại các đơn vị cơ sở. Có những tác phẩm được đầu tư khá công phu, mang hơi thở cuộc sống, bám sát các hoạt động của lực lượng cảnh sát nhân dân trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, tăng cường cho hoạt động công an cơ sở, thể hiện phương châm “Khi dân cần, khi dân khó có công an”. Cuộc thi đã nhận được số lượng tác phẩm lớn, bài dự thi khá đa dạng gồm truyện ngắn, ký, tiểu thuyết, trong đó truyện ngắn chiếm số lượng lớn, nhiều tác phẩm có chất lượng tốt.

Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Cục trưởng Công tác Đảng và công tác chính trị, Phó Trưởng Ban thường trực tổ chức cuộc thi, cho biết, các tác phẩm tham gia dự thi đa dạng về nội dung chủ đề, phong phú về nội dung. Hình tượng về người chiến sĩ cảnh sát nhân dân được khắc họa rõ nét trong các tác phẩm với những phẩm chất tốt đẹp, sự hy sinh và luôn dấn thân để bảo vệ sự bình yên của nhân dân và chủ quyền của đất nước… Cũng có những câu chuyện viết về cuộc sống và công việc thường ngày của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát được các nhà văn, tác giả chú ý, khai thác trong đó có sự hóm hỉnh, gần gũi, thân thiện với người dân.

Mong thêm nhiều hồi chuông giục giã

Từ thành công của cuộc thi này, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy kiến nghị, thời gian tới tiếp tục đưa hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài công an nhân dân đi vào thường xuyên, đa dạng hình thức tổ chức.

Nhìn rộng ra, là giám khảo của nhiều cuộc thi, nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhận xét, mỗi cuộc thi văn chương là một lần cọ sát với đồng nghiệp và với chính bản thân người sáng tác. Thay vì in báo, tạp chí, in sách để bạn đọc thẩm định thì tham dự cuộc thi văn chương lại được những giám khảo là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học đọc, họ không chỉ là người cầm cân nẩy mực mà còn là những bạn đọc tinh hoa định giá tác phẩm của mình.

“Các cuộc thi là sân chơi sang trọng, có tính khích lệ cao. Với tôi, nếu tham gia dự thi mà được bảy nhà văn trong ban sơ khảo đọc, rồi nếu qua lại được bảy người trong ban chung khảo đọc, tổng cộng 14 nhà văn đọc tác phẩm của mình, dù không được giải cũng là điều thú vị. Có nhiều cuộc thi văn chương thì nên mừng, nó cũng là động lực để người sáng tác cầm bút viết. Viết vì những thôi thúc nội tại, viết vì hy vọng mình được giải, viết vì xem đồng nghiệp đọc và định giá tác phẩm của mình thế nào”, nhà văn Sương Nguyệt Minh nhấn mạnh.

Là người có duyên với các giải thưởng văn chương, nhà văn Tống Ngọc Hân (Lào Cai) chia sẻ góc nhìn riêng của mình: Nhà văn, được phân định ở ba nhóm cơ bản. Nhóm thường xuyên sáng tác, nhóm thi thoảng sáng tác và nhóm lười sáng tác. Những cuộc thi văn chương giống như tiếng chuông báo thức có âm điệu rộn ràng vui vẻ. Hiển nhiên, tiếng chuông này tác động đến cả ba nhóm đối tượng viết lách với những mức độ và cách thức khác nhau. Nhóm thường xuyên sáng tác thường là những người nghe thấy những tiếng chuông đầu tiên, thậm chí chưa kéo chuông, họ đã bàn tán về nó. Đây cũng là lực lượng làm nên sự nhộn nhịp của cuộc thi. Nhóm thứ hai đang ở thái trạng lơ mơ thì hồi chuông đánh thức họ khiến họ tỉnh táo và bắt đầu nghĩ đến việc dành thời gian cho chữ và cảm xúc nhiều hơn. Đây là lực lượng làm ra những tác phẩm có chiều sâu, cuốn hút, văn phong kỹ lưỡng, dễ dàng “hạ gục” ban giám khảo. Nhóm lười viết có khi chỉ nghe tiếng chuông ấy bằng một bên tai thôi.

Đạt giải B Cuộc thi viết và trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, nhà văn Trần Quỳnh Nga (Hà Tĩnh) nói: “Mỗi cuộc thi đều mang một ý nghĩa nhất định, nhất là với người viết, khi tham dự mỗi một cuộc thi với họ là một sự cọ xát, một sự trải nghiệm. Có rất nhiều cái tên nhà văn đã trở nên thương hiệu... mà chỉ mới nghe đến đề tài thôi người ta đã điểm mặt được rồi, thì tại sao lại không tổ chức nhiều cuộc thi về nhiều đề tài để người viết có thể chạm vào mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tất nhiên, để cuộc thi có chất lượng phải có một đội ngũ ban giám khảo có chuyên môn”.