Ký ức tác nghiệp ngày 30/4 lịch sử

Cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” của nhà báo Trần Mai Hạnh (1943-2024) (NXB Chính trị quốc gia Sự thật) vừa ra mắt, gieo niềm bồi hồi cho không chỉ gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp. Nhiều người xúc động với những trang viết chân thật về sự dữ dội của chiến tranh, những phút sống đặc biệt của con người trong chiến đấu. Đặc biệt, nhà báo lão thành kể về hành trình tác nghiệp cấp tập, quyết liệt và vẻ vang của mình và đồng nghiệp trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Trần Mai Anh - con gái nhà báo Trần Mai Hạnh nói lời cảm ơn tại lễ ra mắt sách.
Nhà báo Trần Mai Anh - con gái nhà báo Trần Mai Hạnh nói lời cảm ơn tại lễ ra mắt sách.

1/Được tham gia đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã (sau đổi tên là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN), nhà báo trẻ 32 tuổi được đi cùng Giám đốc Tổng Biên tập Đào Tùng khi đó. Khởi hành ngày 2/4/1975 tại Hà Nội, đoàn công tác nhập vào dòng lũ cuốn của đà chiến thắng liên tiếp như vũ bão trên các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vào đến đầu não của địch tại Sài Gòn. Tác giả kể lại các diễn biến một cách liên tiếp và sôi nổi, không khí quyết chiến quyết thắng của đại quân ta như “lây” sang các nhà báo để mọi người thúc giục nhau, thúc giục mình phải nhanh hơn cho kịp, kẻo lỡ mất những giờ khắc lịch sử có thể nay mai là diễn ra. Thế mới có kỷ niệm ngày 8/4, khi đoàn bị tắc lại bên sông khi cầu gỗ Cát Thanh (Bình Định) đã bị địch phá sập, còn cầu phao công binh ta bắc đã tháo để theo đoàn quân tiến về phía nam. Trưởng đoàn Đào Tùng đã quyết rất nhanh, anh em vào làng mượn dân 2 chiếc thuyền gỗ, ván, dây chão để làm phà cho 2 chiếc xe U-oát của đoàn “bò” lên rồi vừa kéo vừa bơi đẩy “phà” đưa xe qua sông, tiếp tục ngay cuộc hành trình.

Lại có hồi ức thật ấm cúng khi không đủ ô-tô, hai nhà báo Trần Mai Hạnh và Văn Bảo được tổ chức mua thật gấp chiếc Honda 90 từ Campuchia để kịp 3 giờ sáng 29/4/1975 theo đoàn phóng viên Thông tấn xã Giải phóng từ rừng Tây Ninh tiến về Sài Gòn với nhiệm vụ bằng mọi cách đến Dinh Độc Lập, viết bài và chụp ảnh sớm nhất để gửi về.

2/Sau những tình huống bất ngờ, lốp xe thủng, lạc đoàn trong rừng tối, may gặp đơn vị bộ đội vận tải vá giúp, đường mưa lầy lội, rồi đêm trước giải phóng trằn trọc, và buổi sớm ngày lao xe theo xe tăng, theo những dòng người nườm nượp trên phố Sài Gòn, khoảng 11 giờ 45 phút trưa 30/4/1975, 2 nhà báo đến được Dinh Độc Lập khi thời khắc chiến thắng vừa được ấn định. Lập tức tác nghiệp ngay với việc hỏi các đồng nghiệp thông tin về thời điểm cắm cờ chiến thắng, tên chiến sĩ cắm cờ, việc tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, nhà báo Trần Mai Hạnh lao lên tác nghiệp trên tầng 2 nơi nội các chính quyền Sài Gòn còn ở đó sau khi đầu hàng. “Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng không thể không nhớ tới Bác Hồ, không thể không tìm đến nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Tôi và Văn Bảo mời một thanh niên đang có mặt ở cửa Dinh Độc Lập lên xe máy (kẹp ba người) nhờ chỉ đường phóng ra ngay cảng Sài Gòn…”, nhà báo Trần Mai Hạnh ghi lại: “Chúng tôi có mặt ở bến cảng cùng lúc với những đoàn xe quân sự chở bộ đội đang tiến vào giải phóng và tiếp quản khu vực cảng Sài Gòn. Dưới sông, tàu hải quân của quân đội Sài Gòn trúng đạn pháo của Quân giải phóng, nổ tung, khói cuộn mù mịt. Trên bến, bà con cầm cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra đón đoàn quân giải phóng tiến vào…”.

Bài tường thuật 2.000 chữ được hoàn thành lúc 2 giờ chiều; hơn 4 giờ chiều được điện về căn cứ Thông tấn xã Giải phóng rồi từ đó điện tiếp về Hà Nội. Để trưa hôm sau, với chiếc đài bán dẫn trên ô-tô giữa nườm nượp phố phường, tác giả rơi nước mắt nghe buổi thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay sau tin chiến thắng là bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” của Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX vừa điện về từ Sài Gòn. Nhà báo lão thành hồi tưởng lại qua trang sách, khi đó ông đã nhớ đến và biết ơn rất nhiều những người từ lãnh đạo cơ quan đến đồng nghiệp và anh em điện báo viên đã cho ông cơ duyên được tác nghiệp trong những ngày vĩ đại của lịch sử dân tộc, đã kịp thời chuyển bài ra căn cứ.

3/Đọc liền mạch những trang hồi ức đó, cùng cả tập bản thảo hơn 600 trang trong một ngày một đêm, bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật cảm phục về cả một thời tuổi trẻ của nhà báo lão thành, từng tác nghiệp và chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà, ở Sài Gòn ngày lịch sử, từng có nhiều đóng góp trong quá trình làm báo và tiến trình đổi mới báo chí sau này. Cũng chính ông, bằng sự kiên trì và niềm tin phi thường, đã vượt qua biến cố, hoàn thành ước nguyện phục dựng lại những giờ phút sụp đổ của chính quyền Sài Gòn qua cuốn tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975”, giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2014, được dịch ra tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Lào, phát hành rộng rãi ở nhiều nước.

Bà Thinh cảm nhận: Cuốn sách không chỉ khái quát cuộc đời của ông mà đã nói thật nhiều điều. Tôi hiểu vì sao cha ông ta đã gắn bó với chiến trường và đoàn kết, yêu thương nhau đến vậy. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, cuốn sách không chỉ nói về ông mà về một ý chí, một khát vọng. Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã đi qua bóng tối của chiến tranh, bóng tối cả trong hòa bình để đến được bình minh của ông.