Thay đổi góc nhìn về y tế cơ sở

Trước thực trạng trạm y tế thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ đa khoa, chỉ có 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân (rất thấp so tỷ lệ chung của thế giới là ba bác sĩ/10.000 dân), TP Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành kế hoạch luân phiên đưa bác sĩ ở bệnh viện công về làm việc có thời hạn. Đây là giải pháp nhằm tăng cường nhân lực cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, về lâu dài, cần có phương thức tháo gỡ bất cập cho tuyến y tế cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: MAI ANH
Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: MAI ANH

Nơi "gác cổng" vẫn nhiều nghịch lý

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng vừa ký Hướng dẫn số 2244 để triển khai kế hoạch 5060 ngày 28/12/2022 của UBND thành phố, triển khai luân phiên có thời hạn với nhân viên y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn giai đoạn 2022-2030. Theo đó, nhân viên y tế cử đi luân phiên với thời gian tối thiểu là hai tháng, tối đa 12 tháng (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn).

Tại Hà Nội, để thu hút bác sĩ về tuyến y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã có Đề án thu hút nguồn nhân lực dành cho tuyến y tế cơ sở bằng việc đào tạo theo địa chỉ. Đồng thời, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã phân tuyến các cấp chuyên môn kỹ thuật làm ba cấp sẽ tạo thuận lợi để có trật tự trong quy định khám, chữa bệnh và thu hút được bác sĩ về làm việc tại trạm y tế.

Theo các chuyên gia y tế, có thể thấy tình trạng thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn phù hợp công tác chăm sóc sức khỏe người dân ở tuyến cơ sở, nhất là việc thu hút các bác sĩ đa khoa gặp nhiều khó khăn có nguyên do từ thu nhập và cơ hội được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn thấp hơn so các bệnh viện tuyến trên. Trong khi đó, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế tại các trạm y tế lại tăng lên gấp nhiều lần từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, bên cạnh việc thường xuyên phải đảm trách nhiệm vụ thuộc 19 chương trình mục tiêu quốc gia. Trước đây, nhân viên chỉ làm việc 40 giờ/tuần, được nghỉ ngày lễ thì nay họ phải làm mỗi ngày từ 16-18 giờ, không có ngày nghỉ, ngày lễ. Số lượng nhân viên y tế ít, buộc phải chia thành nhiều ca trực làm việc liên tục, một người cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí nhưng điều nghịch lý là thu nhập vẫn "giậm chân tại chỗ". Thêm nữa, theo quy định hiện hành, trung cấp y sĩ không liên thông lên bác sĩ đa khoa như trước đây, nên trạm y tế vốn neo người lại càng thiếu hụt người có trình độ chuyên môn. Ngoài ra, còn những bất cập về cơ chế chính sách, cung ứng trang thiết bị, thuốc men…

Một bác sĩ đang công tác tại trạm y tế tại Hà Nội, chia sẻ: "Trạm y tế là nơi "gác cổng", cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu. Mặc dù chúng tôi không phải chăm sóc bệnh nhân nặng, nhưng cũng đủ thứ việc. Lắm lúc cũng thấy chán nản vì công việc thì nhiều, không có nhiều thời gian cho gia đình mà mức lương lại thấp. Người dân đôi khi nghĩ rằng chúng tôi không có chuyên môn. Nhưng biết làm sao được, mình chọn nghề rồi thì cố gắng gắn bó". Bác sĩ trẻ này đã gắn bó với trạm y tế bốn năm, với mức lương theo hệ số và phụ cấp, thu nhập hằng tháng chỉ vỏn vẹn chưa đến năm triệu đồng. Để có thêm chi phí sinh hoạt, sau khi làm tại trạm, chị nhận làm thêm tắm bé và massage bà bầu.

Thay đổi về cơ cấu và công nghệ

Cả nước hiện nay có hơn 11.400 trạm y tế phường, xã, thôn bản… Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng giữ vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã vùng kinh tế khó khăn, chưa thích ứng sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội. Tại các thành phố lớn việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp, khi quy mô dân số tại một số phường ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh lên đến gần 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí một trạm y tế với số lượng nhân lực tối đa 10 nhân viên.

Trước những hạn chế và bất cập của hệ thống y tế cơ sở, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: Liên tục-toàn diện-lồng ghép-phối hợp-dự phòng-gia đình-cộng đồng nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó hút người bệnh về với trạm y tế xã, phường.

Theo đề xuất của ông Tăng Chí Thượng, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành cần có cơ chế, chính sách để chuyển đổi bác sĩ đa khoa về công tác tại y tế cơ sở. Trong tương lai, nước ta cần có chính sách bắt buộc tất cả các bác sĩ phải có nghĩa vụ công tác tại y tế cơ sở một thời gian nhất định trong hành trình gắn bó với nghề, như một số quốc gia đã làm. Cùng đó là xây dựng chính sách mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Tại TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án này và đang thử nghiệm, với mỗi khu phố có ba cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế cũng cần sớm mở rộng danh mục thuốc tại trạm y tế, tương đồng với danh mục thuốc ngoại trú của bệnh viện tuyến huyện.

Ở góc nhìn khác, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Dương kiến nghị, cần phải thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức và ứng dụng công nghệ. Về tổ chức, rất cần biến trạm y tế xã thành một phòng khám của trung tâm y tế huyện, quản lý cả con người và kinh phí. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ có lịch định kỳ xuống trạm để khám bệnh. Người dân sẽ biết lịch khám chuyên khoa để đến trạm khám những bệnh lý thông thường, mạn tính (tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn)… Muốn vậy, bác sĩ của trạm cần theo học một chuyên ngành, khuyến khích nội tổng hợp và chứng chỉ sơ cứu ngoại khoa. Về ứng dụng công nghệ, cần triển khai đường truyền hội chẩn online cho tất cả các trạm y tế-phòng khám, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn. "Telehealth nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng chỉ một màn hình, camera và một đường truyền internet là đủ để chữa được bao nhiêu trường hợp mà trước đây không bao giờ tìm đến trạm y tế xã, phường", ông Hiếu chia sẻ.

Nhiều ý kiến đề nghị, cần bảo đảm 100% ngân sách nhà nước cho y tế cơ sở, bởi thực tế cho thấy y tế cơ sở rất khó thực hiện tự chủ tài chính. Bên cạnh chính sách thu hút cán bộ và giữ chân cán bộ y tế tuyến cơ sở làm việc lâu dài như đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, cũng cần có chính sách mang tính bền vững như chế độ tiền lương, tăng phụ cấp ưu đãi nghề ở mức 100% cho nhân viên y tế tuyến cơ sở.