Tháng văn hóa đọc, cùng ẩm thực

Trong những ngành văn hóa chia cành nhánh, thu hút lượng người tham gia khác nhau, thì có lẽ ẩm thực được nâng lên thành văn hóa là ngành duy nhất xuyên qua nhu cầu và niềm yêu thích của tất cả mọi người.
0:00 / 0:00
0:00
Tháng văn hóa đọc, cùng ẩm thực

Sự kiện văn hóa ẩm thực lớn vừa diễn ra tại Thủ đô những ngày cuối tuần qua là Lễ hội ẩm thực Pháp “Balade En France 2024” ở Công viên Thống Nhất, do Đại sứ quán Pháp phối hợp UBND thành phố Hà Nội tổ chức (là lễ hội thường niên, bắt đầu từ 2018). 80 gian hàng đã đến từ các nhà hàng danh tiếng, lâu đời của Pháp. Bên cạnh đó, còn có ngay hoạt động nếm thử và trình diễn của các đầu bếp, với các sản phẩm như sữa, sô-cô-la, bánh mì, pho-mát, thịt nguội, trái cây và rượu vang...

Không rõ có phải đây là việc “thi đua” với ẩm thực Pháp không, mà cuối tuần này (12/4), tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung) sẽ giới thiệu triển lãm lưu động mới “Tôi Yêu Sushi” tại Hà Nội. Năm 2013, Ẩm thực Nhật Bản - Washoku được UNESCO công nhận trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể, với món Sushi là món điển hình số một trong “nền ẩm thực Nhật”. Điều ít người biết nữa là tuy món Sushi đã trở thành món quen thuộc trên thực đơn toàn thế giới. Nhưng nó lại có nguồn gốc từ Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc. Và Sushi đã đến Nhật Bản mới chỉ hơn… một nghìn năm trước.

Bên cạnh văn hóa ẩm thực, thì ai cũng biết, văn hóa đọc là một ngành nhánh sẽ thu hút mọi nền văn minh đều phải hướng tới. Nửa đầu tháng 4 có hai sự kiện rất quan trọng và đáng chú ý liên quan đến văn hóa đọc ở nước ta. Đầu tiên là Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định (Sở Nội vụ) vừa tổ chức khai mạc triển lãm “Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định”. Có bốn chủ đề được chứng minh bằng các dữ kiện trưng bày là: 1. Vai trò chữ Quốc ngữ tại Việt Nam; 2. Bình Định trong dòng phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ; 3. Quá trình truyền bá; 4.Phát huy giá trị di sản văn hóa. Triển lãm đặc biệt này sẽ mở cửa đến tận 30/6.

Cùng liên quan đến văn hóa đọc trên toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT & TT) đã lên kế hoạch tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ ba (2024). Đây là chuỗi hoạt động trên toàn quốc, sẽ diễn ra từ 15/4 đến 1/5 với 4 thông điệp chính: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”.