Thailand mở rộng hợp tác với châu Âu

Mục tiêu chính trong chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Thailand Sretha Thavisin là mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác hàng đầu ở châu lục, cũng như thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Thailand và Liên minh châu Âu (EU). Chuyến công du cũng gửi thông điệp về tăng cường vị thế “cường quốc thương mại khu vực” của Thailand.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Thailand S.Thavisin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Đức Olaf Scholz. Ảnh: BANGKOK POST
Thủ tướng Thailand S.Thavisin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Đức Olaf Scholz. Ảnh: BANGKOK POST

Kéo dài một tuần, chuyến công du châu Âu đưa Thủ tướng Sretha dừng chân tại Đức và Pháp, hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu và có tiếng nói quan trọng trong EU. Lịch trình dày đặc với các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Điều này cho thấy ưu tiên trong chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Thailand là mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế thời “hậu đại dịch”.

Người phát ngôn Chính phủ Thailand, Chai Wacharonke nêu rõ: Chuyến thăm gửi thông điệp của Bangkok là nền kinh tế Thailand không chỉ phục hồi sau thách thức toàn cầu vừa qua, mà nỗ lực phát triển, nâng cao cạnh tranh và chào đón các doanh nghiệp châu Âu và thế giới.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 9/2023, Thủ tướng Sretha đã thực hiện hơn 10 chuyến công du nước ngoài, mang theo thông điệp Thailand đang đổi mới nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư toàn cầu. Chuyến thăm Đức và Pháp là chuyến công du châu Âu đầu tiên và được Thủ tướng Sretha thực hiện, với mong muốn đẩy nhanh tiến trình ký kết FTA giữa Thailand và EU, mở rộng hợp tác về thương mại và đầu tư với các đối tác châu Âu.

EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thailand, với giá trị trao đổi thương mại song phương năm 2023 đạt hơn 41 tỷ USD. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu phát triển tương lai Thailand, khi có hiệu lực, FTA Thailand-EU có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hằng năm của Thailand thêm 1,2%, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng thêm 2,8%.

Với Pháp, Thailand là đối tác lớn thứ hai trong ASEAN, với kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt hơn 5 tỷ euro năm 2023. Cơ hội mở rộng thương mại với Pháp còn lớn và FTA với EU khi được ký kết có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế Thailand, mở rộng cánh cửa để doanh nghiệp Thailand tiếp cận sâu hơn vào Pháp, cũng như thị trường rộng lớn của EU.

Tại các chặng dừng chân, Thủ tướng Sretha có các cuộc làm việc đạt hiệu quả và nhận được cam kết của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức về tích cực thực hiện các thỏa thuận hợp tác, thúc đẩy ký kết FTA Thailand-EU và ủng hộ Thailand gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Chia sẻ nhận định của Thủ tướng Sretha về tầm nhìn chung là phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, cùng việc tăng cường hợp tác quốc phòng, năng lượng, hàng không..., Pháp sẽ hỗ trợ mục tiêu của Thailand đưa nước này thành một trung tâm công nghiệp của thế giới. Đánh giá cao chuyến thăm cấp cao chính thức giữa hai nước sau thời gian dài, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định cam kết mở rộng hợp tác kinh tế Đức-Thailand. Lãnh đạo Đức cũng hy vọng, EU và Thailand sớm hoàn tất đàm phán FTA.

Thailand và EU khởi động đàm phán FTA từ năm 2013, song tiến trình bị đình trệ do thay đổi chính phủ tại Thailand. Đến năm 2023, đàm phán được khởi động lại và Thủ tướng Sretha đặt mục tiêu tăng tốc đàm phán và ký kết vào giữa năm 2025. Mục tiêu này là một phần chính sách kinh tế then chốt của Chính phủ Thủ tướng Sretha là mở rộng hợp tác về thương mại và đầu tư thông qua các FTA, qua đó tăng vị thế “cường quốc khu vực về thương mại” của Thailand.

Chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Thailand Sretha Thavisin được đánh giá thành công. Những cam kết và thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm góp phần tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế và thúc đẩy ký kết FTA Thailand-EU, trước thềm vòng đàm phán thứ ba, dự kiến vào tháng 6 tới.