Liên minh châu Âu cải cách quy định ngân sách

Ngày 23/4, các nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua các quy định mới về ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy đầu tư, song song với duy trì kiểm soát chi tiêu công.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp của EP tại thành phố Strasbourg. Ảnh: AFP
Phiên họp của EP tại thành phố Strasbourg. Ảnh: AFP

Các nhóm chính trị lớn ủng hộ

Tại phiên họp của EP diễn ra tại thành phố Strasbourg (Pháp) bàn về ngân sách của EU, phần lớn nghị sĩ nhất trí với quy định mới về cải cách ngân sách. Dự luật nhận được sự ủng hộ của các nhóm chính trị lớn nhất tại nghị viện bao gồm các nghị sĩ theo đường lối bảo thủ và chủ nghĩa xã hội.

Tại cuộc tranh luận ở nghị viện, Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni nhấn mạnh các quy định mới linh hoạt, có định hướng tăng trưởng và khả thi hơn khi thực hiện. Trong khi đó, các nghị sĩ theo khuynh hướng cánh tả phản đối dự luật, cho rằng nội dung cải cách sẽ khiến nhiều nước châu Âu tiếp tục chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Tháng 2 vừa qua, EP và các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận về cải cách các quy định ngân sách. Thỏa thuận bao gồm các nội dung đổi mới những quy định hiện hành trong Hiệp định ổn định và phát triển vốn được ban hành từ cuối những năm 1990, trong đó giới hạn nợ công các nước ở mức 60% GDP và thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP.

Đây là kết quả sau hai năm tích cực thúc đẩy nỗ lực xây dựng các biện pháp cải cách để linh hoạt các quy định ngân sách của EU, vốn cần có sự ủng hộ của một số nước Đức, Pháp và Italy. Khi được 27 nước thành viên EU thông qua, quy định mới dự kiến được áp dụng cho ngân sách 2025.

Dự kiến trong tháng này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ kích hoạt quy trình xử lý vi phạm thâm hụt đối với tất cả các quốc gia có thâm hụt ngân sách vượt mức trần 3% của EU. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tổng cộng 11 quốc gia có thâm hụt ngân sách vượt mức trần 3%, trong đó có Italy, Hungary (6,7%), Romania (6,6%), Pháp (5,5%) và Ba Lan (5,1%).

Italy có mức thâm hụt ngân sách lớn nhất

Theo số liệu mới nhất được Eurostat công bố ngày 22/4, Italy là quốc gia có thâm hụt ngân sách tính trên GDP cao nhất EU trong năm 2023 với mức thâm hụt 7,4%. Thâm hụt ngân sách của Italy đã nới rộng hơn so con số ước tính 7,2% công bố vào tháng trước. Mức thâm hụt này cao gấp hơn hai lần so mức trung bình 3,5% của 27 quốc gia thành viên EU. Thực tế này cho thấy những khó khăn của Bộ Tài chính Italy trong việc kiểm soát tài chính công.

Ngân hàng trung ương Italy kêu gọi chính phủ tránh lặp lại những sai lầm đã phạm phải trong những giải pháp gần đây khi đưa ra các chính sách ưu đãi mới. Ngân hàng cũng cảnh báo việc Rome gia hạn đến năm 2025 các khoản giảm thuế tạm thời cho người thu nhập thấp và trung bình sẽ làm gia tăng sự không chắc chắn về xu hướng tài chính công. Theo dự báo mới nhất của Bộ Tài chính, nợ công của Italy, hiện lớn thứ hai trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tính theo tỷ lệ GDP, sẽ tiếp tục đi theo xu hướng tăng lên tới 140% GDP cho đến năm 2026.

Trong khi đó, Pháp cũng đối mặt nguy cơ khủng hoảng ngân sách. Bộ Tài chính Pháp sẽ nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2024 lên từ 5-5,1% GDP, tăng so mức mục tiêu ban đầu là 4,4% GDP, do chi tiêu quá mức. Pháp đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2025 là 4,1% GDP, tăng từ mức mục tiêu trước đó là 3,7% GDP. Mặc dù vậy, Pháp vẫn giữ nguyên mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về mức dưới 3% GDP vào năm 2027, ngay cả khi hầu hết chuyên gia kinh tế cho rằng điều này khó có thể đạt được.

Hiện, Tổng thống Pháp E.Macron và Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cũng đang bất đồng về vấn đề này, trong đó ông Le Maire ủng hộ việc cắt giảm ngân sách mạnh hơn nữa để đưa tài chính nhà nước trở lại đúng hướng. Chính phủ Pháp đã lên kế hoạch cắt giảm thêm 10 tỷ euro (10,9 tỷ USD) chi tiêu ngân sách trong năm nay và cho biết, có thể vào giữa năm, nước này sẽ cần thông qua một dự luật nhằm tăng thêm các khoản tiết kiệm khác.