Trên nền tảng điểm sáng kinh tế 2022
Năm 2022, kinh tế Việt Nam với các chỉ số kinh tế vĩ mô đã được công bố đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD. GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 732,5 tỷ USD cùng mức xuất siêu 11,2 tỷ USD là rất ấn tượng.
“Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định.
Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế. Những kết quả này có được là nhờ những chủ trương lãnh đạo đúng đắn và xuyên suốt của Đảng về ưu tiên củng cố các nền tảng vĩ mô trong quá trình phát triển, chủ động tích cực hội nhập đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa hợp tác, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Bước sang năm 2023, được đánh giá là một năm tiếp tục có nhiều thách thức với Việt Nam, câu hỏi đặt ra cần làm gì để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu kinh tế lớn?
Thuận lợi và khó khăn đan xen
Với mức tăng trưởng GDP đạt hơn 8% năm 2022, kinh tế Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ghi một dấu son trên trường quốc tế về khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19. Từ nền tảng tăng trưởng cao của năm 2022, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, dù nền kinh tế luôn phải vận hành trong sự đan xen giữa thuận lợi và khó khăn.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Ảnh | Tạp chí Tài chính |
Về thuận lợi, có 3 động lực chính hỗ trợ đà tăng trưởng. Thứ nhất là lượng vốn lớn sẽ được giải ngân đầu tư công. Hiện nay, Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Để đạt được kế hoạch tham vọng này, Chính phủ đã nới lỏng mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 tăng lên 4,5% (mục tiêu năm 2022 là 4,0%) và dự báo mức thâm hụt ngân sách cao hơn trong năm 2023 là 4,5%, từ 4% của năm 2022.
Động lực thứ hai, các chuyên gia VNDIRECT cho rằng, chuyển dịch năng lượng hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam sẽ tiếp bước Indonesia và Nam Phi nhận gói tài trợ biến đổi khí hậu trị giá ít nhất 11 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào than đá và thúc đẩy triển khai các nguồn năng lượng tái tạo. Được dẫn dắt bởi Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, thỏa thuận tài trợ này nhằm mục đích công bố “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” tại Hội nghị thượng đỉnh EUASEAN vào ngày 14 tháng 12 tới. Khoảng 5-7 tỷ USD sẽ đến từ các khoản vay và trợ cấp của khu vực công và phần còn lại từ các nguồn tư nhân. Gói tài trợ của Việt Nam là gói thứ ba trong một loạt các thỏa thuận lớn nhằm giúp các quốc gia có thu nhập trung bình phụ thuộc nhiều vào than đá đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Động lực thứ ba là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ, du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch đến Việt Nam từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023, với khả năng Việt Nam có thể đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm này, tăng khoảng 195% so với mức dự kiến năm 2022. Sự phục hồi của khách du lịch quốc tế sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành dịch vụ trong năm 2023. Các hoạt động được hưởng lợi nhiều nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, hoạt động vận tải và hoạt động vui chơi giải trí.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, kinh tế Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn, những ẩn số trong năm 2023. Đầu tiên là xuất khẩu tăng trưởng chậm lại do cầu thế giới suy yếu. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Fitch, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng được dự báo đạt 2,5% trong năm 2022 trước khi giảm xuống còn 0,9% vào năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023. Thứ hai, áp lực lãi suất và tỷ giá còn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể giảm tốc trong nửa đầu năm 2023, do những khó khăn chung về việc làm trong nền kinh tế. Tăng trưởng GDP năm nay được các chuyên gia VNDIRECT dự báo sẽ ở quanh mức 6,7%.
Cũng đánh giá về triển vọng nền kinh tế Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, năm 2022, Việt Nam dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 8%, là mức cao so với toàn cầu, nên năm 2023, tăng trưởng chung của Việt Nam sẽ chậm lại. Điểm tích cực là, những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt là dòng tiền, thanh khoản và giá cả nguyên vật liệu tăng, đang có dấu hiệu giảm dần. Hiện tại, tỷ giá đồng USD/VND đã giảm nhiệt và ổn định hơn. Việc Ngân hàng Nhà nước cung cấp thêm tín dụng ra nền kinh tế thể hiện sự linh hoạt trong chính sách, hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp và ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Điểm đáng kỳ vọng khác là hiệu ứng từ giải ngân vốn đầu tư công với quy mô khoảng 7% GDP đang được Chính phủ đẩy mạnh thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. Ông Dominic Scriven tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ vững bước tăng trưởng và các dòng vốn quốc tế sẽ tiếp tục chọn Việt Nam.