Thách thức của mục tiêu truyền cảm hứng

Triển khai cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển carbon thấp. Muốn vậy, cần cơ chế về huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, từ đó đóng góp vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Sương mù kỷ lục ở Thủ đô Hà Nội xuất hiện sáng ngày 2/2/2024, khi mức độ ô nhiễm không khí đạt mốc 247 - đứng đầu thế giới trên bảng xếp hạng của AQI. Ảnh: Linh Tố
Sương mù kỷ lục ở Thủ đô Hà Nội xuất hiện sáng ngày 2/2/2024, khi mức độ ô nhiễm không khí đạt mốc 247 - đứng đầu thế giới trên bảng xếp hạng của AQI. Ảnh: Linh Tố

Sự chuyển động từ các bộ, ngành

Sau Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, 27 và 28, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã tham mưu trình Thủ tướng ban hành nhiều đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động. Trong đó, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lĩnh vực quản lý. Các bộ này cũng thực hiện đánh giá, kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện giảm phát thải; xây dựng hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến.

Thí dụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, các dự án điện gió ngoài khơi. Bộ cũng đã trình Thủ tướng xem xét ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở phân loại dự án ưu tiên cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; ban hành Thông tư quy định chi tiết kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực chất thải.

Năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành. PGS, TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường khẳng định: Tổng phát thải khí nhà kính năm 2022 đối với sản xuất vật liệu xây dựng là 101,89 triệu tấn CO2 tương đương (tăng gần gấp hai lần so năm 2014). Trong đó, phát thải lớn nhất là sản xuất xi-măng, với 91,93 triệu tấn CO2 tương đương năm 2022. Vì vậy, 50 cơ sở sản xuất xi-măng là những đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính.

Cùng đó, Bộ Công thương cũng đã xây dựng Chương trình giảm sử dụng năng lượng hóa thạch trong ngành Năng lượng, lồng ghép vào Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; xây dựng dự thảo cơ chế xác định giá bán điện gió và điện mặt trời thực hiện theo cơ chế thị trường; hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng điện lớn...

Thách thức về khuôn khổ pháp lý

Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, nỗ lực là vậy, quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường một số nơi suy giảm mạnh. Hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng tại một số vùng đã tác động đến đời sống sinh kế của người dân, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề này đã và đang cản trở việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Ông Thành cũng lưu ý, Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung vẫn đang đối mặt những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên. Thực tế trên đang gia tăng các thách thức đối với không chỉ Việt Nam mà là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước.

Nhìn nhận thách thức từ góc độ thu hút đầu tư, ông Hà Đăng Sơn, Phó Giám đốc kỹ thuật Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) lưu ý, hiện nhà đầu tư lo lắng nhất là câu chuyện liên quan đến pháp lý. Nếu không hoàn thiện khung pháp lý, tránh rủi ro cho doanh nghiệp, rất khó xử lý những mục tiêu dài hạn hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thách thức nằm ở việc làm thế nào để biến cam kết của Chính phủ thành định hướng và khuôn khổ rõ ràng hơn? Làm sao để đưa tất cả mọi người liên quan cùng vào cuộc và chung tay cho câu chuyện giảm phát thải khí nhà kính? Muốn vậy, trước hết cần phải có sự hoàn thiện về khung thể chế chính sách. Tiếp đến, cần có cách tiếp cận toàn dân, nhiều góc nhìn, từ các học giả, chuyên gia, cho tới các tổ chức xã hội. Bởi, đây là chuyển đổi lớn nên cần bảo đảm một cách công bằng nhất có thể.

Cùng quan điểm về vai trò của Nhà nước trong việc kiến tạo chính sách, bà Eline van der Veen, Phó Tổng lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng trách nhiệm của Chính phủ là bảo đảm có được khung pháp lý để khuyến khích khu vực tư nhân nhận thấy đây là điểm sáng, phù hợp cho việc triển khai dự án. Nhu cầu của các chuỗi cung ứng luôn tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ cao, môi trường, hoặc đòi hỏi sử dụng năng lượng xanh trong quá trình sản xuất. Vì vậy, để thu hút các nhà đầu tư, Chính phủ cần có chính sách giúp các doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu này.

Cần hành động đúng trọng tâm, trọng điểm và thiết thực

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0. Vấn đề cần thúc đẩy là phải triển khai các kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm gắn với thế mạnh địa phương, biến đây trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Bàn về những giải pháp được đề xuất trong nghiên cứu hỗ trợ các địa phương lên kế hoạch, định hướng thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ông Vũ Quốc Anh, Quản lý Dự án - Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, cho biết: Đối với các kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính, nhiều tỉnh mới chỉ đưa ra những phương án chung cho tất cả lĩnh vực. Cách tiếp cận hiệu quả là phải nỗ lực giảm hoạt động phát thải khí nhà kính theo từng lĩnh vực riêng lẻ. Đồng thời, phải lồng ghép trong các mục tiêu tổng quát về Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cùng các chiến lược cụ thể.

Thí dụ trong lĩnh vực năng lượng: cần đầu tư phát triển năng lượng mặt trời, phát triển điện gió (gần bờ và trên bờ); phát triển thủy điện nhỏ; đề ra mục tiêu cụ thể sử dụng các thiết bị điện công nghiệp, thương mại hiệu suất cao, chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sinh học.

Chuyên gia Biến đổi khí hậu và Môi trường Đào Xuân Lai của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khuyến nghị, để đẩy nhanh việc thực hiện cam kết giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nước ta cần đẩy nhanh hơn nữa cải cách thể chế, chính sách nhất là trong ngành năng lượng, chính sách đầu tư và tài chính. Đồng thời, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu và triển khai, thúc đẩy hợp tác để chuyển giao công nghệ.

Cụ thể như chuyển đổi năng lượng công bằng cần có được công nghệ xanh, công nghệ mới tiên tiến liên quan các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, pin mặt trời, pin, thu giữ carbon, sử dụng và lưu trữ carbon và hydro xanh. Việt Nam cũng cần đào tạo, nâng cao kỹ năng và chất lượng nguồn nhân lực đang làm việc trong các ngành năng lượng hóa thạch (mỏ than, nhà máy điện than) nhằm đáp ứng các kỹ năng mới về việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và chuỗi cung ứng.

"Bằng cách tăng cường năng lực, cải cách thể chế, bảo đảm sự phối hợp liên ngành để tiếp tục khai thác các cơ hội của nền kinh tế, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của đất nước", ông Đào Xuân Lai kỳ vọng.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, Việt Nam nên ưu tiên thúc đẩy thực hiện Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Bên cạnh đó, cần tập trung vào các biện pháp bảo đảm quá trình chuyển đổi không ảnh hưởng đến những nhóm dân cư và người lao động dễ bị tổn thương đang làm việc trong ngành nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng với các cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực tái tạo và áp dụng các biện pháp bảo trợ xã hội.

Net Zero là mục tiêu lớn, cần sự nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, các tổ chức, cá nhân, đồng thời phải huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ. Song, thách thức ấy cũng là cơ hội cho sự kết nối, huy động tâm huyết, trí tuệ, sức mạnh của những người cùng chung tay giải bài toán lớn của đất nước. Nhìn từ góc độ này, Net Zero cũng trở thành mục tiêu truyền cảm hứng lớn.

Không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới đều phải đối mặt thách thức trong hiện thực hóa cam kết về Net Zero. Thể chế và khung pháp lý đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư để đạt được mục tiêu về phát triển bền vững.