Tạo sinh kế từ... rác thải ở Hội An

Việc xử lý rác thải sinh hoạt ở thành phố Hội An (Quảng Nam) có nhiều mô hình, cách làm hay. Trong đó, chị em phụ nữ yếu thế trở thành mắt xích trong chuỗi hoạt động bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Mở ra vòng đời mới cho rác thải.
Mở ra vòng đời mới cho rác thải.

Từ “Ngôi nhà xanh”…

Hơn một năm qua, từ ngày có các “Ngôi nhà xanh”, bà con khu dân cư thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh (Hội An) đã hạn chế sử dụng túi nylon, tích cực phân loại rác thải trong gia đình. Mỗi tháng, lượng rác được tập trung về “Ngôi nhà xanh” ở chi hội thôn Võng Nhi khoảng 50kg. Hội An hiện có 54 “Ngôi nhà xanh” đang hoạt động hiệu quả. Thời gian qua, các đám tiệc trong khu vực đều đồng tình thu gom các vỏ lon bia, bao bì, giấy… đã qua sử dụng để tập trung vào “Ngôi nhà xanh”.

Cứ ba ngày một lần, lượng rác đã qua sử dụng từ “Ngôi nhà xanh” được mang đến tập kết ở Trạm Phục hồi tài nguyên MRF. Khi trạm đầy, rác được mang đến tái chế ở công ty Reform. Hội An hiện đang thí điểm 5 trạm MRF ở các điểm: đường Nguyễn Trãi, Trường mẫu giáo Cẩm Hà, chợ Cẩm Thanh, hai khu dân cư Cẩm Nam và Tân Thành.

Rác giá trị cao được bán trực tiếp để lập quỹ vận hành. Rác giá trị thấp được Câu lạc bộ Vì môi trường Hội An (S.E.A Club) đại diện hợp tác với công ty Reform, số tiền thu về sẽ giao lại cho các chi hội trên địa bàn. Bà Trần Thị Liễu, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Võng Nhi chia sẻ: “Mỗi ngày, những bao bì, vật dụng chị em mua về, tôi hướng dẫn cách phân loại, tái chế. Đi chợ thì luôn hạn chế dùng bao nhựa để đựng. Vận động mọi người để tất cả hiểu, trước mắt làm như vậy sẽ giúp chính chúng ta không bị mùi hôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thứ hai là môi trường được sạch đẹp. Trong thôn, các tổ dân cư thường xuyên đi kiểm tra chéo về cách các gia đình phân loại rác thải tại nhà.

… đến “Cửa tiệm hạnh phúc”

Ra mắt ngày 31/8/2022, đến nay “Cửa tiệm hạnh phúc” do Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật phường Cẩm Nam sáng lập, hiện tại có tổng 9 chị em cùng làm việc. Lịch làm việc được bố trí phù hợp thời gian cho từng hội viên, chị em có thể mang vật liệu về làm tại nhà.

Những ngày đầu tiên tham gia, các cô, các chị trong câu lạc bộ, ai có kinh nghiệm may vá sẽ hỗ trợ các thành viên khác cùng làm. Ngoài ra, những mẹo vặt từ các video hướng dẫn may mặc trên mạng xã hội được mọi người vận dụng vào thực tế. Từ đó, việc dạy nghề đã rút ngắn thời gian làm việc. Khâu cải tiến sản phẩm từ thêu họa tiết, đường may ngày càng chắc chắn, sắc sảo, hoàn thiện hơn. Anh Nguyễn Trọng Tuyên (19 tuổi, Chủ nhiệm S.E.A Club), quản lý “Cửa tiệm hạnh phúc” cho biết: “Mục đích của mô hình này là tái chế để tạo sinh kế. Bởi các cô ở đây không có công việc ổn định nên những việc làm hiện tại của câu lạc bộ sẽ mang lại thu nhập từ việc bán sản phẩm. Ngoài ra nó còn mang ý nghĩa tích cực cho bảo vệ môi trường”.

Qua gần một tháng hoạt động, đã có hơn 300 sản phẩm hoàn chỉnh được tạo ra, tương đương tái tạo hơn 200kg vải thừa và 50kg banner sự kiện. Nguồn nguyên liệu được lấy từ vải bỏ đi ở các nhà may, những tấm nhựa của các sự kiện… Công đoạn thu gom vật liệu được các bạn học sinh, sinh viên, nhóm Vì môi trường Hội An (S.E.A Club) cùng đồng hành. Vải thừa lấy về cắt theo mẫu để may các sản phẩm như khẩu trang, tập đựng tài liệu, sổ tay, túi xách, tấm thảm lau chân…, không bỏ một phần chi tiết nào.

Ngồi tỉ mỉ đo đạc, cắt thớ vải đã bị cắt dở thành hình chiếc khẩu trang, chị Thái Thị Kim Cúc (43 tuổi, trú thôn 3 phường Cẩm Nam) xúc động kể về cuộc sống gia đình mình. Hai vợ chồng chị đều có những khiếm khuyết trên cơ thể nên thấu hiểu, san sẻ nhau mọi việc trong cuộc sống hằng ngày. Vốn ốm yếu, làm việc nặng không được, nhưng vì thương đứa con mắc hội chứng Down, thời gian trước khi có dịch bệnh, chị Cúc cố gắng xin một chân dọn dẹp môi trường ở phố cổ.

“Hiện tại công việc đó không kêu người nữa nên mình bị mất việc. Con còn nhỏ, đau ốm, phải chăm nom cả ngày đêm nên mình ở nhà cơm nước, phụ chồng lo cho con. Từ ngày có câu lạc bộ này, mình qua đây làm cùng mọi người, từ học nghề may vá trang trải cuộc sống. Muốn tạo sinh kế cho gia đình thì phải cố gắng thôi”, chị Cúc xúc động nói.

Chị Đỗ Thị Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cẩm Nam cho biết: “Cuộc sống của các cô, các chị ở đây đều rất khó khăn, thường tự ti về hoàn cảnh cá nhân. Từ ngày tham gia làm việc ở đây, mọi người rất vui vẻ, chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống hằng ngày, gia đình, con cái. Hội phụ nữ phường sẽ tiếp tục cùng các cơ quan tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mô hình, cách làm này đến cộng đồng”.