Tầm nhìn chiến lược về hạ tầng giao thông

Những dự án lớn về hạ tầng giao thông được triển khai quyết liệt, đồng bộ trong thời gian qua đã giúp thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương trong cả nước, từ miền núi vùng cao xa xôi phía bắc cho tới miền đồng bằng sông Cửu Long vốn trước đây người dân phần lớn chỉ quen dùng đường thủy.
0:00 / 0:00
0:00

Việc phát triển các tuyến đường cao tốc đang dần đưa các tỉnh “xích” lại gần nhau hơn. Từ Thủ đô Hà Nội đến với các tỉnh biên giới phía bắc như Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai, Lạng Sơn hay Cao Bằng… giờ đây đi chỉ mất vài giờ đồng hồ, từ đó tạo điều kiện hơn để phát triển kinh tế-xã hội. Cách đây hơn chừng hai thập kỷ, người lạc quan đến mấy cũng khó có thể tưởng tượng được rằng từ Thủ đô Hà Nội để có thể lên tới huyện Mường Nhé (huyện xa nhất của tỉnh Điện Biên) người ta chỉ còn mất có không đầy 24 giờ đi xe ô-tô. Việc vốn cực kỳ khó khăn trong quãng thời gian trước, thậm chí thời gian di chuyển vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết (có những khi mưa lũ, khách bộ hành phải nằm lại dọc đường mất cả tuần).

Đường sá phát triển tạo ra cơ hội trao đổi hàng hóa, đã giúp cho những mặt hàng tưởng như không thể tiêu thụ ngoài địa bàn một tỉnh, thậm chí là một xã có mặt ở nhiều nơi, cải thiện đáng kể thu nhập cho những người dân địa phương.

Cũng vậy, để có thể đi tới Kiên Giang, Cà Mau hay An Giang trong thời điểm này, người ta đã có thể bớt đi ít nhất phân nửa thời gian, cho dù những tuyến đường về tới các tỉnh này vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện. Hay những con đường cao tốc nối Cần Thơ (trung tâm miền Tây Nam Bộ) qua Đồng Tháp, An Giang sẽ rút bớt được ít nhất 1/3 thời gian di chuyển của các loại phương tiện trên đường bộ. Như vậy, hiệu quả kinh tế đương nhiên sẽ cao hơn nhiều, tạo cơ hội và điều kiện cải thiện rõ rệt hạ tầng của miền tây sông nước.

Chỉ nhìn vào thực tế như vậy, đã thấy được rằng, việc Đảng và Nhà nước quyết liệt đốc thúc các cơ quan chức năng tập trung vào xây dựng hàng loạt tuyến đường cao tốc từ bắc chí nam trong thời gian qua thật sự là điểm nhấn ấn tượng. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu cả nước đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng đường bộ cao tốc, việc quyết liệt nghiên cứu, phát triển hạ tầng đường sắt tốc độ cao cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới. Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao; vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế bắc-nam, các hành lang vận tải chính đông-tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn”.

Giai đoạn 2021-2025, nước ta đã tập trung tối đa nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020. Để đạt được mục tiêu đó, ngày 1/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 01/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, ban quản lý dự án, chủ đầu tư… tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Nhìn từ góc độ nào, thì việc phát triển hạ tầng giao thông đều mang tới lợi ích lớn. Có lợi cho xã hội, người dân, cho địa phương từ đó góp phần tạo điều kiện cho đất nước phát triển. Vậy nên mỗi thông tin về một công trình giao thông nào đó vượt tiến độ hoặc được nhanh chóng triển khai trong thời điểm này, đều là tin vui nhằm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế nước ta tại thời điểm cả thế giới vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều tác động. Đó cũng là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng đất nước văn minh, hiện đại.