Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Mai:

“Sự thật sẽ giúp cho nhiều người không lạc lối”

Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Mai sinh năm 1946, hiện đang định cư tại Mỹ. Năm 2022, bà ra mắt cuốn tự truyện “Ấm áp tình quê” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật). Tác phẩm đã vinh dự nhận giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai ký tặng sách độc giả.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai ký tặng sách độc giả.

Phóng viên (PV): Chúc mừng bà với giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII. Bà có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Mai (NTNM): Trong cuộc sống đời thường, tất cả chúng ta đều có nhiều ước mơ, tôi thì cũng không ngoại lệ. Tôi đã từng mơ ước rất nhiều cho bản thân, gia đình và quê hương đất mẹ. Có những ước mơ đã thành sự thật, cũng như có những ước mơ chỉ là mơ ước. Việc quyển sách của tôi được giải 3 Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại là một điều không tưởng, không bao giờ tôi dám ước mơ điều đó, ngay cả khi ban giám khảo báo tin cho tôi qua email, tôi phải nhờ người bạn ở Việt Nam kiểm chứng và xác nhận vì tôi sợ mình hiểu sai. Với tuổi đời gần 80, đây là một vinh dự lớn trong đời.

PV: Điều gì đã thúc giục bà viết nên cuốn tự truyện này?

NTNM: Tôi sang Mỹ từ 1978, tôi đã có dịp tiếp xúc, lắng nghe và hiểu rõ ý đồ của nhiều nhóm chống cộng cực đoan ở tại đây. Ngày đó đất nước mình còn quá nhiều khó khăn, nhất là trong thông tin, trong khi đó sự tuyên truyền của những nhóm này rất mạnh. Nhưng theo thời gian, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, đất nước ta ngày hôm nay đã thay đổi và phát triển rất nhiều, vai trò và vị thế được thế giới công nhận. Ảnh hưởng của các nhóm cực đoan này ngày càng yếu dần. Vì họ không muốn để mất đi nguồn lợi của cá nhân, nên họ cố níu kéo bằng những mánh khóe tuyên truyền. Họ nhắm vào những nhóm người trẻ, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Nhận ra nguy cơ có thể làm xáo trộn đời sống an bình của đồng bào, đồng thời đẩy đưa những người dân nhẹ dạ trong nước vì nghe lời xúi bẩy mà phải lâm vào con đường tù tội, tôi quyết định viết lại sự thật những gì tôi đã chứng kiến, nhận thức với hy vọng giúp cho một số người còn đang hoang mang tìm ra chân lý.

PV: Bà đã dành bao lâu để hoàn thành cuốn sách? Khó khăn lớn nhất mà bà gặp phải khi bắt tay viết cuốn tự truyện này?

NTNM: Tôi đã viết cuốn tự truyện này trong vòng 5 tháng, phần lớn là vào ban đêm. Khó khăn lớn nhất là tái hiện những kỷ niệm đau thương mà tôi đã cố quên đi chợt sống lại trong tôi, nó đã làm tim tôi nhói đau. Tôi đã khóc thật nhiều. Có lúc tôi đã muốn bỏ đi ý định khơi lại niềm đau, nhưng lý trí bảo tôi phải can đảm ghi lại, vì sự thật sẽ giúp cho nhiều người không lạc lối và lý trí của tôi đã thắng.

PV: Kỷ niệm nào ấn tượng nhất đối với bà trong quá trình bà thực hiện cuốn sách?

NTNM: Đó là khi hay tin Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhận in qua lời giới thiệu của một người anh, một nhà báo nổi tiếng nhưng vì sống xa Tổ quốc nên tôi không biết đến danh tánh của ông. Vậy mà ông đã đem danh dự của mình để bảo đảm giá trị của câu chuyện. Quá vui mừng, tôi chỉ muốn siết thật chặt tay ông để nói lời cảm ơn, nhưng thật ra tôi đâu có biết ông là ai và ông đang ở đâu để tôi có thể làm điều đó.

PV: Cuốn sách gần 200 trang đã bao quát gần như toàn bộ cuộc đời của bà, từ lúc bốn tuổi cho đến nay, với rất nhiều khó khăn, thử thách mà bà đã phải vượt qua. Nhưng tôi tin vẫn còn nhiều điều bà muốn chia sẻ?

NTNM: Cuộc đời của riêng cá nhân tôi thì còn rất nhiều đau thương, nhưng nếu tôi viết nữa thì nó chỉ là tiểu thuyết, không giúp được gì cho ai cả. Quyển “Ấm áp tình quê” mặc dù chỉ gần 200 trang, nhưng theo tôi nó đã đủ nói lên một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước ta, điều đó quan trọng hơn là viết về cuộc đời tôi.

PV: Tôi biết những năm tháng cuối đời bà đã chọn về Việt Nam sinh sống. Tại sao bà không tiếp tục ở Mỹ, nơi bà đã quen thuộc gắn bó gần hết cuộc đời mình?

NTNM: Trở về Việt Nam để sống những năm tháng cuối đời là ước mơ của rất nhiều người Việt sống xa xứ, trong đó có tôi. Sống ở xứ người thật ra chỉ là để mưu sinh, nhưng đến lúc tuổi xế chiều thì phần tinh thần có ý nghĩa và cần thiết hơn là cơm ăn áo mặc. Tôi đã trở về từ 1996, tâm hồn tôi luôn gắn liền với Việt Nam, nhưng chọn lựa một chỗ ở cho thích hợp với những căn bệnh nền của tôi thì cần phải có thời gian để sắp đặt, hơn nữa chuyến đi về Việt Nam hồi tháng 7 vừa rồi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của chồng tôi rất nhiều vì không quen. Do đó mọi dự tính đều phải chậm lại. Điều đáng nói ở đây là việc tôi sống ở Mỹ hay Việt Nam không quan trọng, vì dù ở đâu, tôi vẫn luôn cống hiến phần còn lại của cuộc đời tôi cho quê hương và đồng bào của mình với tất cả khả năng có thể.

PV: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả!

Với cách viết giản dị, chân thành, không hư cấu, tác giả đã kể về những buồn vui, cảm xúc đan xen, từ ấu thơ đến tuổi xế chiều. Đó là hình ảnh một đứa trẻ mới 4 tuổi nhưng đã sớm cảm nhận được lý tưởng của người cha đang bí mật hoạt động nội thành cho cách mạng, ám ảnh hơn cả là hình ảnh người cha mình đầy thương tích trở về nhà. Sau đó cái chết của ông đã hằn sâu trong ký ức trẻ thơ của con gái để rồi từ đó, tình yêu Tổ quốc trong bà luôn hiện hữu.