Sống đời với "Những người truyền cảm hứng"

Có những con người sinh ra không phải dưới một chòm sao may mắn, nhưng họ luôn biết vượt lên số phận để thực hiện được khát vọng của mình. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là tự tin mãnh liệt vào bản thân, vượt qua mọi rào cản, để hoàn thành giấc mơ thậm chí là "không tưởng" trong suy nghĩ của nhiều người trước đó. Họ - những người truyền cảm hứng cho cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyện của Châu.
Chuyện của Châu.

Chuyện của Châu (★)

Lê Minh Châu, sinh năm 1991 là một nạn nhân chất độc da cam, tay chân teo tóp, cử động khó khăn, phải đi lại bằng xe lăn nhưng thường cậu đi bằng đầu gối vì không muốn mang trong đầu cảm giác bị lệ thuộc. Bố mẹ Châu không đủ tiền nuôi Châu nên gửi cậu vào làng Hòa Bình (Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật) ở TP Hồ Chí Minh từ nhỏ.

Ngay khi ở làng, Châu đã đọc rất nhiều sách phát triển bản thân "Self Help" và một nhân duyên đã đẩy cậu đến ước mơ trở thành họa sĩ. Khi Châu nói ra điều đó, mọi người không tin, thậm chí có người còn dè bỉu. Nhưng Châu không hề nao núng, 16 tuổi cậu quyết định rời làng Hòa Bình ra đi, vay tiền bạn bè để thuê một căn phòng nhỏ và bắt đầu vẽ tranh. Châu phải tập "cầm" cọ bằng răng và điều khiển nó theo suy nghĩ của mình - một sự khổ luyện, kiên trì và bền bỉ ngày qua ngày. Số tiền bán tranh giúp Châu trả tiền thuê nhà và mua những vật dụng cần thiết. Châu còn dạy vẽ cho các em nhỏ, ba buổi một tuần và hơn thế tham gia nhiều hoạt động từ thiện.

Châu có tranh triển lãm tại một số nước và sau đó giành được học bổng đi học nghệ thuật tại Mỹ… Châu từng là nhân vật cảm hứng cho nữ đạo diễn người Mỹ Courtney Marsh làm phim tài liệu "Chau, beyond the lines" lọt top 5 đề cử "Oscar phim ngắn hay nhất" năm 2016…

Chụp ảnh Châu vừa dễ, vừa khó. Dễ vì Châu am hiểu công việc và dễ cộng tác với người chụp nhưng khó vì là một người khuyết tật và hơn thế là một nghệ sĩ nên rất nhạy cảm, và khó đoán trước.

Điểm nhìn của nghệ sĩ trong một dự án là rất quan trọng. Tôi không chụp Châu khiến người khác nhìn thấy ghê sợ hay thương cảm, mà hướng mọi người suy nghĩ về một nhân vật có hoàn cảnh khó khăn nhưng vươn lên bằng nỗ lực phi thường để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tôi đã nói điều đó với Châu và cậu rất vui.

Đến nhà Châu nhiều lần, đi cùng một chuyến đi thiện nguyện ở miền trung, chúng tôi trở nên thân thiết. Ăn ngủ cùng nhân vật, tôi đã có một số tác phẩm ưng ý như đặc tả từ phía tấm lưng gồ ghề, đầy những dấu vết của Châu hay tấm ảnh trong buồng tắm, tấm Châu thăng hoa trong sáng tạo. Có những hình ảnh thể hiện một Châu đầy lạc quan với nụ cười rộng mở nhưng cũng có những phút giây, Châu cảm thấy cô đơn trong cuộc sống và hành trình sáng tạo.

Mỗi buổi chụp xong, chúng tôi thường cùng ngồi ăn tối và ở đó, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển… Không hiểu sao, dự án "Câu chuyện của Châu" mà sau này đổi thành "Con đường của Châu" làm tôi nhớ đến lời của Fyodor Dostoyevsky, nhà văn Nga nổi tiếng: "Love life more than the meaning of it?" (tạm dịch: Yêu cuộc sống nhiều hơn ý nghĩa của nó?).

Cô gái khiếm thị Việt Nam duy nhất làm việc cho UNDP (★★)

Tôi tìm đến Đào Thu Hương, sinh năm 1985 là cô gái khiếm thị Việt Nam duy nhất làm việc cho Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, gương sáng thi đua yêu nước dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (tháng 12/2020).

Câu chuyện về Đào Thu Hương là tấm gương về nghị lực sống đáng khâm phục, để hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội của một cô gái bị khiếm thị từ năm 10 tuổi sống cùng gia đình trong một ngõ nhỏ ở phố Khâm Thiên (Hà Nội).

Ông trời không lấy hết của ai cái gì, mắt không sáng nhưng bù lại tư duy của Đào Thu Hương rất xuất sắc cộng với sự ham học từ nhỏ, đã giúp cô học rất giỏi, được tuyển thẳng vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp với bằng thủ khoa Khoa Tiếng Anh, được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2010. Hương tiếp tục học lên, nhận bằng Thạc sĩ Phát triển cộng đồng quốc tế tại Đại học Victoria, Melbourne (Australia) và hoàn thành khóa tập huấn kỹ năng lãnh đạo cho người khuyết tật khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Nhật Bản…

Hương đã tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế và lên đọc tham luận, dẫn chương trình chung kết cuộc thi Thử thách Mục tiêu phát triển bền vững (SDG Challenge), thực hiện nhiều dự án xã hội mang tính nhân văn cao, như tham gia hỗ trợ học sinh tại hai trường phổ thông chuyên dạy học sinh, sinh viên khiếm thị và đặc biệt cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, đã quản lý dự án hỗ trợ người khuyết tật phục hồi sau dịch Covid-19 trong lĩnh vực y tế và việc làm.

Sống đời với "Những người truyền cảm hứng" ảnh 1
Đào Thu Hương (bên trái) đang trò chuyện với đại biểu trong giờ giải lao một hội thảo quốc tế tại UNDP về bình đẳng giới.

Hương là người cởi mở, thân thiện nhưng không thích bị chụp ảnh. Ngay cả khi nhận lời, lúc đầu Hương cũng rất dè dặt vì không muốn xuất hiện nhiều trên truyền thông. Ngoài ra, Hương làm việc cho UNDP nên muốn chụp phải thông qua chị Việt Lan ở UNDP, may mắn là chị Lan sẵn lòng giúp đỡ. Và cô Nguyễn Thị Hạnh, mẹ của Hương cũng rất nhiệt tình nên cuối cùng bộ ảnh đã hoàn thành. Cảnh Hương ngồi xe ôm công nghệ đến UNDP, Hương dò nút bấm trên thang máy, cảnh chống gậy đi tìm phòng làm việc, cảnh nhóm họp trước một dự án hay hình ảnh Hương kiêu hãnh đứng trước biểu tượng của Liên hợp quốc… Về nhà là cảnh Hương giúp mẹ rửa bát, dọn đồ ăn và đặc biệt cảnh cô Hạnh chăm sóc con gái thật chu đáo, tận tình chan chứa yêu thương. Nhiều khi chỉ một hành động đơn giản như giúp con mặc áo khoác hay bóc quả quýt cho con ăn, thật ấm áp và càng khiến ta trân trọng giá trị của cuộc sống, tình mẫu tử.

Trong quá trình chụp, tôi càng thêm hiểu và quý trọng Hương hơn và Hương cũng đồng cảm với công việc của một nhà nhiếp ảnh. Vào một ngày đẹp trời tháng ba năm nay, đám cưới của Hương diễn ra trong niềm hân hoan của bạn bè và người thân. Chú rể có cái tên rất đẹp Nguyễn Tuấn Tú, cũng là người khiếm thị. Cả hai quen nhau trong những lần làm việc chung rồi cảm mến nhau, yêu nhau và quyết định cùng gắn bó, sẻ chia suốt cuộc đời. Giây phút đôi bạn trao nhẫn cho nhau, cắt bánh, rót rượu mừng… có lẽ là những khoảnh khắc đẹp nhất sẽ đi suốt cuộc đời họ.

Lê Minh Châu, Đào Thu Hương là những minh chứng sống động cho những điều kỳ diệu trong cuộc sống luôn hiện diện ở đâu đó, mà chúng ta đừng vì dòng đời vội vã mà không bước chậm lại để phát hiện và cảm nhận, để thấy "cuộc sống ơi, ta mến yêu người" như tên một bài hát.

Với một nghệ sĩ, các giải thưởng chỉ như những cú huých tạo thêm động lực hay mở ra các cơ hội cho sự nghiệp, còn các dự án ảnh cá nhân mới là nơi thể hiện dấu vân tay rõ nhất. Sau dự án "Đạo và Đời" - cuộc sống về các nhà tu hành là "Tướng trận thời bình" thể hiện hình ảnh trong thời bình của 12 vị tướng ở các binh chủng, rồi "Ký ức tình yêu" - là những phân mảnh tưởng như rời rạc nhưng ẩn chứa đầy yêu thương… Tiếp đó, là "Mẹ tôi" với những lưu giữ mãi mãi không chỉ trong ký ức và trái tim mà là những hình ảnh cụ thể về Mẹ. Dự án "Những người truyền cảm hứng" đang được nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn thực hiện.

(★) "Chuyện của Châu" đã đoạt Huy chương vàng TIFA (Nhật Bản), dự án tốt nhất (Best project) cho sách ảnh nghệ thuật Mythography Vo.2 (Italia), bằng danh dự IPA (Mỹ), A,Photoreporter (Tây Ban Nha), chung kết nhiều cuộc thi Mỹ, Anh, Pháp và xuất bản trong tạp chí Getinspired (Hà Lan).

(★★) "Cô gái khiếm thị Việt Nam duy nhất làm việc cho UNDP"- giải C Báo chí Quốc gia 2021.