Sống cùng di sản đờn ca tài tử

Lần đầu tiên, những người mộ điệu đờn ca tài tử được sống trong không gian di sản, được thỏa sức đem lời ca tiếng hát biểu diễn, giao lưu, phục vụ công chúng tự do như vậy.

Tài tử “cháy” hết mình trên sân khấu.
Tài tử “cháy” hết mình trên sân khấu.

Không gian đờn ca tài tử Nam Bộ nằm trong khuôn khổ của Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022 với chủ đề “Hồn Việt Phương Nam” diễn ra từ ngày 7 đến 14/4 tại quảng trường quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Không chỉ có những nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử mà hàng triệu người dân đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cũng được sống trong không gian văn hóa di sản đờn ca tài tử, bất tận. 

Mến nhau qua câu hát, điệu hò

Đã trải qua ngày thứ năm, ngày cuối cùng của Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022 và không gian đờn ca tài tử vẫn luôn là điểm đến của chuỗi hoạt động văn hóa này. Khách tham quan từ khắp nơi vẫn tấp nập đổ về đây để thưởng thức từng câu hát, điệu hò, tiếng đờn du dương, réo rắt. Những ca nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn ngày ngày cháy hết mình trên sân khấu để phục vụ người nghe. “Hạnh phúc của người nghệ sĩ, ca nhân là được phục vụ khán giả. Chỉ cần còn có người xem là anh chị em còn biểu diễn”, nữ tài tử Yến Linh, đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ. 

Vừa dứt tiết mục của mình trên sân khấu, nữ tài tử Yến Linh bước xuống hàng ghế khán giả ngồi chăm chú thưởng thức tiết mục tiếp theo. Đó là giọng hát của anh Huỳnh Dũng, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Anh không phải ca nhân, hay nghệ sĩ của đoàn nào, mà chỉ là người mộ điệu đờn ca tài tử nên hằng đêm đều đến không gian đờn ca tài tử Nam Bộ này để được giao lưu ca hát, học hỏi từ những anh chị em nghệ sĩ khắp nơi về đây tụ hội. Thế nhưng, giọng ca của Huỳnh Dũng rất nhiều cảm xúc, khách tham quan dừng hẳn lại chăm chú xem anh biểu diễn. 

Nghệ sĩ Ngọc Long, đến từ tỉnh Long An nói, những ngày hoạt động trong không gian đờn ca tài tử Nam Bộ tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, ông cũng có thêm nhiều bạn mới. Trong số đó, có anh Huỳnh Dũng ở Phong Điền, TP Cần Thơ và nhiều người bạn “nhí” có tuổi đời bằng tuổi cháu, chắt của ông. Như hai cô bé Ngọc Ân và Ngọc Chi đến từ tỉnh Bình Phước. Hai cô bé song sinh mới 14 tuổi đầu có cùng đam mê đờn ca tài tử, cải lương. Trong những ngày tham gia hoạt động trong không gian đờn ca tài tử này, hai bé đã giao lưu ca hát với nhiều đơn vị tỉnh bạn. ““Nhí” nhất là cậu bé Gia Bảo đến từ tỉnh Bạc Liêu, chỉ 7-8 tuổi đầu nhưng đã có kỹ năng ca hát rất chuyên nghiệp và bản lĩnh. Đêm nào bé Gia Bảo cũng đi giao lưu, ca với các ban đờn lạ để học hỏi và thử sức mình. Gia Bảo có thần thái và gương mặt rất sáng sân khấu nên được các đơn vị đờn ca tài tử khác quý và khách tham quan yêu mến. Còn tôi thì coi bé Gia Bảo như người bạn “nhí” vì có cùng đam mê”, nghệ sĩ Ngọc Long bộc bạch. 

Sau khi xem bé Gia Bảo biểu diễn, nhiều nghệ nhân chia sẻ, em được sinh ra và sống giữa cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, nổi tiếng với cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ cổ hoài lang của tỉnh Bạc Liêu. Chính vì em sống giữa không gian văn hóa di sản đó, những lời ca tiếng hát từng ngày, từng ngày thổi vào tâm hồn, nuôi lớn đam mê. “Đam mê thì không phân biệt tuổi tác. Những người cùng đam mê ca hát, mộ điệu đờn ca tài tử đều dễ dàng kết bạn tâm giao. Mặc dù bé Gia Bảo chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu của những nghệ nhân, nghệ sĩ ở đây, nhưng nhiều người yêu quý cháu nên đã kết làm “huynh đệ””, tài tử Tú Nhi, đến từ tỉnh Tây Ninh nói vậy.

Không nặng thi thố, thắng thua

Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Đúng, đơn vị Đờn ca tài tử tỉnh Long An cho biết, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia là sân chơi lớn của giới tài tử cả nước, nhất là 21 tỉnh, thành phố phía nam (từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở vào) có hoạt động đờn ca tài tử. Các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đều mong chờ có những sân chơi lớn để được đứng chân biểu diễn. Thế nhưng, cái chính là họ muốn được cống hiến, đem lời ca tiếng hát phục vụ, góp phần làm cho phong trào đờn ca tài tử ngày một vươn xa, bay cao, chứ không nặng tính thi thố, thắng thua. 

Nữ tài tử Cẩm Giang, đơn vị TP Cần Thơ cho rằng, hạnh phúc lớn nhất của mình là khi vẫn còn được đem lời ca tiếng hát phục vụ người thưởng ngoạn. Mỗi năm, Cẩm Giang đều dõi theo và tham gia các sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp như Trần Hữu Trang, liên hoan đờn ca tài tử khu vực, Chuông vàng vọng cổ… “Nhưng cái chính là để học hỏi kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân để niềm đam mê ca hát trọn vẹn hơn chứ có bao nhiêu giải thưởng cũng không được hài lòng hay tự mãn rồi khoe mẽ, tự cao với bạn bè, đồng nghiệp”.

Soạn giả Kim Phượng, TP Cần Thơ bày tỏ vui mừng khi Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022 được tổ chức tại Cần Thơ. Đặc biệt là tổ chức không gian đờn ca tài tử Nam Bộ đã giúp cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử khắp nơi có dịp ngồi lại với nhau thổ lộ tiếng tơ lòng qua câu hò, điệu lý. 

Theo soạn giả Kim Phượng, chương trình thi diễn tại Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần này, mỗi đơn vị chỉ có 35 phút trình diễn. Với những nghệ sĩ, tài tử thì khoảng thời gian “khiêm tốn” trên sân khấu thi diễn đó, họ luôn cố gắng để phần thi hoàn thành tốt nhất, nhưng thật sự chưa đủ. Chính vì hiểu được những công sức tập luyện rất công phu, dài ngày để đem các tiết mục đến cuộc thi nhưng chỉ được gói gọn trong thời gian ít ỏi, Ban Tổ chức đã tạo nên Không gian đờn ca tài tử Nam Bộ để các tài tử có thêm “đất dụng võ”. 

“Khi đã bước chân lên sân khấu thì trong tâm trí người tài tử chỉ là nghĩ đến việc như thế nào để lời ca tiếng hát, làn điệu ấy được chuyển tải đến người xem, thưởng ngoạn tốt nhất, hay nhất. Đã là tài tử thì đam mê và mục tiêu lớn nhất là được ca diễn phục vụ người xem, chứ thắng thua, thi thố đâu quan trọng”, soạn giả Kim Phượng nói.

Di sản bình dân, mộc mạc

Trong cuộc trò chuyện tại Không gian đờn ca tài tử Nam Bộ, các nghệ nhân, tài tử nhắc về cố Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ ngân nga trong bài vọng cổ “Hoa tím bằng lăng” của tác giả Linh Châu: “… Con rạch cái Thia chảy “dìa” Tắc Cậu, con sáo sang sông con sáo đậu… hiên nhà”. Đó mới là đờn ca tài tử. Cái chất mộc mạc của người miền Tây sông nước được tác giả lột tả đến chân phương ở cái chữ “dìa”, thay vì “về”. Đây là một trong ba bài vọng cổ đình đám sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. 

Dư luận càng chú ý đến “Hoa tím bằng lăng” hơn bởi lời lẽ trong bài hát quá đỗi trữ tình, lãng mạn mà hết sức mộc tình quê. Theo tâm sự của “cha đẻ” bài hát này, là nhà văn Mặc Tuyền (ở tỉnh Long An-ký bút danh Linh Châu, đã được điều tra, xác định) thì thời điểm sáng tác bài hát này, ông đang ở tỉnh Kiên Giang. Nên con sông Tắc Cậu, nối đôi bờ miệt Thứ với Rạch Giá được anh khắc họa nên thơ. “Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu… ”. Lại thêm sự tranh cãi của giới văn nghệ về “con rạch Cái Thia”. Ngày nay, khi đi từ thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đến bến phà Tắc Cậu (cũ), du khách vẫn thấy một con rạch nhỏ dọc bên đường. Nhiều người quả quyết, đó chính là con rạch Cái Thia đã khắc họa tâm hồn của bài vọng cổ “Hoa tím bằng lăng”. Trong khi, giới văn nghệ tỉnh Đồng Tháp lại cho rằng, địa danh “Cái Thia” lại thuộc tỉnh này: “Chẳng lẽ, con rạch Cái Thia lại dài hàng trăm cây số?”. Còn tác giả giãi bày: “Hồi đó, cao hứng nên viết theo ký ức về những nơi mà ông và đồng nghiệp đã đi qua, thường nhắc tới. Nhưng ông không ngờ lại “phượt” đến một địa danh xa xôi ở tỉnh bạn, “kéo” lại gần đến Kiên Giang…!”. 

Nếu ai đã từng một lần được thưởng thức “Tình anh bán chiếu” của cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu, qua giọng ca Út Trà Ôn, hẳn sẽ ngất ngây trước giọng hát ngọt ngào pha chút ưu tư cùng những thanh âm mộc của cây đờn kìm như ru hồn lãng đãng trên màn sương của dòng sông Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Đơn giản vậy mà suốt bao nhiêu năm qua, “Tình anh bán chiếu” đã làm say lòng bao thế hệ. Và cũng nhờ “Tình anh bán chiếu” mà chợ nổi Ngã Bảy trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Trong hầu hết những bài vọng cổ thuộc thể loại đờn ca tài tử Nam Bộ, dựa trên nền của sáu câu vọng cổ, những bản Nam, Oán và các chỗ lên “xang”, xuống “xề”, người ta có thể viết ra rất nhiều bài hát. Những bản đờn ca tài tử thường chuộng tâm trạng buồn, bi thương, ai oán, chuyện tình yêu dang dở; mà cũng có thể là niềm hân hoan, sự thành công hay điều hoan hỉ. Nhưng dù hư cấu hay chuyện thật, thì hình ảnh mộc mạc của làng quê Nam Bộ, tình đất tình người vẫn dạt dào trong từng điệu đờn, câu hát.

Theo giới nghiên cứu thì đờn ca tài tử xuất hiện từ rất sớm, nhưng đến khi Cao Văn Lầu viết bài “Dạ cổ hoài lang” tại tỉnh Bạc Liêu năm 1919 thì nhiều học giả cho rằng, từ lúc này, đờn ca tài tử Nam Bộ mới có bài bản. Vì vậy, nhiều người lý giải đờn ca tài tử có nguồn gốc từ tỉnh Bạc Liêu. Đờn ca tài tử thường chơi đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn độc huyền (hay đờn bầu) và song lang (nhạc cụ bằng gỗ dùng chân gõ nhịp) hoặc cả đờn guitar phím lõm. Ngày 5/12/2013, tại phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan, Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.