Cuộc sống an nhiên
Năm 2003 bà Nguyễn Thị Thanh Hải, người dân tộc Tày ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên) mua 30 căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày đang có nguy cơ bị thay thế. Bà đưa một số gia đình dân tộc Tày ở địa phương về xóm Mỹ Hào, nay là xóm Cường, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên khai phá, dựng những ngôi nhà sàn truyền thống, thành lập Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - còn gọi là làng Thái Hải.
Làng Thái Hải có 30 nhà sàn truyền thống với những hàng cột thẳng tắp, giằng dọc, giằng ngang vững chãi, sàn gỗ, mái lợp lá cọ thấp thoáng trên sườn đồi thấp, dưới tán rừng rợp bóng mát cây cối tự nhiên. Chung quanh là nhiều loài dược liệu được thu lượm từ các nơi mang về trồng. Hơn 20 gia đình người dân tộc Tày sinh sống dưới mái nhà sàn truyền thống. Mỗi gia đình ba, bốn thế hệ, giữ phong tục tập quán, nền nếp ăn ở của dân tộc mình. Thạc sĩ Văn hóa dân gian Lý Thị Chiên, người dân tộc Tày, tâm huyết với văn hóa dân tộc, cùng gia đình về sinh sống tại làng. Chị Chiên chia sẻ: “Thái Hải là gia đình lớn với gần 200 thành viên, mọi hoạt động của làng được tổ chức quy củ nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc”.
Vào mùa hè, ngày nào cũng vậy, từ 5 giờ sáng, Nguyễn Văn Tuấn là người phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho làng lại cùng với những người hiểu biết về đông y đi chăm sóc, thu hoạch các loại dược liệu về chế biến làm thuốc để dành chữa bệnh cho người làng và bán cho du khách có nhu cầu. Sải bước trên các ngả đường trong làng Thái Hải được đổ bê-tông ở giữa, hai bên lát gạch dưới bóng cây xanh mát, không một tiếng xe máy, nhiều người đến đây cảm thấy như được thảnh thơi, thời gian dường như chậm lại…
Đón khách vừa đủ
Được bà Nguyễn Thị Thanh Hải và một số cộng sự là thành viên trong làng tổ chức đời sống, hoạt động, các thành viên trong làng yên tâm sinh sống, lao động theo khả năng của mình để bảo tồn văn hóa dân tộc. Bên cạnh việc bảo tồn nếp nhà sàn truyền thống hàng trăm năm tuổi, các thành viên trong làng giữ gìn quy củ vai trò, vị trí, ngôi thứ trong ngôi, trong gia đình. Khi đã bước qua cổng về làng, các thành viên tự giác mặc áo chàm, nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày.
Nét văn hóa đặc trưng được bảo tồn, môi trường sinh thái được giữ gìn, làng Thái Hải trở thành địa chỉ du lịch văn hóa, sinh thái được nhiều người biết và tìm đến trải nghiệm, nhất là vào dịp lễ, Tết và những ngày cuối tuần. Nhưng như Thạc sĩ Lý Thị Chiên cho biết, thì: “Làng Thái Hải không tuyên truyền thu hút khách, thậm chí không đón các đoàn khách đông, không đón các đoàn khách không báo trước. Điều này là nhằm góp phần giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa, sinh thái của làng. Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày, có những món ăn phải tẩm ướp từ ba đến bốn tiếng. Đặc biệt có những món ăn bà con chế biến theo hướng chăm sóc sức khỏe bằng cách đưa bài thuốc dân gian phục vụ du khách, như món ăn canh thang, canh thuốc phải ninh hầm từ 9 - 11 tiếng, cho nên không thể phục vụ nếu khách và chủ không có sự thống nhất từ trước”.
Đồng bào ở đây mong du khách đến với Thái Hải được hưởng không gian yên tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên nên nhiều bà con cho rằng, du khách đến đông sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến không gian văn hóa, môi trường sinh thái đã được gây dựng nhiều năm qua. Thông thường, mỗi địa chỉ du lịch đều muốn có đông du khách để tăng nguồn thu, nhưng theo bà Nguyễn Thị Thanh Hải, cần hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Chỉ có bảo tồn không gian văn hóa tốt thì mới phát triển du lịch được và ngược lại phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, như thế mới là phát triển bền vững.