Sôi động kết nối việc làm

Đầu năm 2024, thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc. Song để phát triển thị trường việc làm một cách bền vững, vẫn cần nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai chính sách hỗ trợ từ các thành viên tham gia thị trường lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều thanh niên, người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp.
Nhiều thanh niên, người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp.

Hiệu ứng từ các phiên giao dịch việc làm

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đơn vị trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, luôn nỗ lực tổ chức phiên giao dịch việc làm tại trụ sở, số 215 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) và 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện. Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 214 phiên giao dịch, với sự tham gia của hơn 6.120 doanh nghiệp; 43.476 lao động được phỏng vấn và 15.315 lao động được tuyển dụng.

Điều đáng nói, không chỉ ở quy mô thành phố, mỗi quận, huyện cũng thường xuyên triển khai hoạt động tư vấn việc làm, hướng nghiệp học nghề, chia sẻ thông tin cho người lao động. Việc chú trọng các nhóm đối tượng như các gia đình chính sách, sinh viên làm bán thời gian, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ nói riêng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến việc làm. Cũng qua các phiên giao dịch việc làm lưu động, nhiều người sau khi chấp hành xong hình phạt giam giữ, cải tạo và sau cai nghiện ma túy có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội và gia đình.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 12/2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ. Tại đây, 52 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với hơn 2.300 chỉ tiêu cho nhiều vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn. Anh Trần Viết Long, bộ đội xuất ngũ ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), đã được nhận làm việc tại Công ty cổ phần Nhân lực hàng không Tasseco. Anh chia sẻ: "Có sức khỏe, có kỹ năng, sau khi công ty tập huấn thêm về nghiệp vụ an ninh cho em là em đã có thể làm việc".

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, để các phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ đạt kết quả cao, trung tâm đã tìm hiểu nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động từ trước, rồi mời doanh nghiệp có nhu cầu tuyển các vị trí công việc sát với nguyện vọng của họ. "Được sự cho phép của cấp trên, bộ đội chuẩn bị xuất ngũ có cơ hội được tiếp xúc với doanh nghiệp, để trao đổi, tìm kiếm cơ hội. Sau khi về địa phương, với thông tin sẵn có, họ có thể liên lạc ngay", ông Thành nhấn mạnh.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang đến gần, thị trường lao động ở Hà Nội càng trở nên sôi động và đa dạng về phân khúc tuyển dụng. Ước tính, trong tháng 1/2024, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lên tới 35.000-40.000 chỉ tiêu và trong cả quý I/2024, là hơn 100 nghìn người lao động.

Còn theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý I/2024, các doanh nghiệp cần khoảng 77.500-86.000 lao động. Trong đó, nhóm ngành cơ khí cần 4.415-4.902 lao động, công nghệ thông tin cần 4.107-4.558 lao động, nhóm ngành dịch vụ thương mại cần 18.143-20.134 lao động.

Ðể "lọt mắt xanh" nhà tuyển dụng

Lý giải về sự sôi động của thị trường ngay từ những ngày đầu năm mới, ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Trần Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Zodinet, Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận, đó là kết quả của việc nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng, qua đó có đơn hàng sớm nên tái khởi động việc tuyển dụng lao động để củng cố năng lực và nâng cao năng suất.

Chia sẻ về động thái tích cực từ phía nhà tuyển dụng, nhiều chuyên gia vẫn khuyến nghị, người lao động sẽ vẫn khó tìm kiếm việc làm nếu không chủ động nâng cao trình độ, năng động trong sự kết nối. Đặc biệt, với những ngành nghề đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao, nhà tuyển dụng sẽ lọc kỹ hồ sơ, thực hiện nhiều bài kiểm tra… để sàng lọc, chọn người phù hợp.

Bà Trần Phương Hạnh, Giám đốc nhân sự DAT Group cho biết, tư duy phân tích, sự sáng tạo, kỹ năng và ngoại ngữ là những yêu cầu không thể thiếu đối với người lao động ở phân khúc việc làm đòi hỏi chuyên môn cao. "Chỉ khi họ có đủ chuyên môn, cộng với những yếu tố cần thiết mới có thể lọt vào vòng cuối của nhà tuyển dụng. Hiểu sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường, nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi cao ở người lao động, bởi đó là mấu chốt bứt phá" - bà Phương Hạnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo đại diện Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group, đã đến lúc người lao động cần liên tục cập nhật, phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, thậm chí cần biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động. Như vậy, họ mới có thể theo kịp xu hướng tuyển dụng.

Ở góc độ quản lý, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2024, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tạo việc làm bền vững, chú trọng tạo việc làm mới. Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm trong nước; nâng cao hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động nữ; thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức, chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; chú trọng dẫn hướng để người lao động di cư không tập trung về các đô thị mà đến các khu công nghiệp, qua đó hài hòa được bài toán việc làm và dân sinh... giữa các khu vực.

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp): Về lâu dài không chỉ là tạo thêm nhiều việc làm mới mà cần thúc đẩy việc làm chất lượng cao và bền vững, đặc biệt ưu tiên cải thiện chất lượng việc làm trong nhóm việc làm dễ bị tổn thương. Ngoài ra, cần tập trung phát triển nguồn cung lao động chất lượng cao thông qua những thay đổi trong các chính sách về giáo dục nghề nghiệp.