Những người lính xung trận không xác định ngày về
Keo tai tượng đã phủ xanh những quả đồi của khe Bướm Bạc - xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, dấu tích của chiến trường xưa hầu như bị thời gian khỏa lấp. Nhưng đại tá Đặng Văn Thơ và các đồng đội vẫn nhận ra miệng hầm - nơi một buổi sáng của năm 1969 quả tên lửa từ trực thăng Mỹ đã bắn xuống khiến chiến sĩ đặc công Vương Khánh Khưu, tiểu đoàn đặc công K1 hy sinh... Những đồng đội của liệt sĩ Vương Khánh Khưu ngày ấy trở lại khe Bướm Bạc, đôi mắt họ cứ rưng rưng khi mà hài cốt của người chiến sĩ đặc công này mãi vẫn chưa tìm được...
Đó là một trong những cảnh của bộ phim tài liệu mang cái tên rất gọn: K10. Khi xem cảnh này, tôi có cảm giác có gì đó run rẩy của người trong cuộc - đạo diễn Vương Khánh Luông. Bởi đạo diễn Vương Khánh Luông chính là em trai của liệt sĩ Vương Khánh Khưu...
Đạo diễn, NSƯT Vương Khánh Luông - hãng phim tài liệu khoa học Trung ương - tâm sự với tôi về nguyên cớ làm bộ phim K10: “K10 là một tiểu đoàn đặc công anh hùng, lập rất nhiều chiến công nhưng họ chiến đấu và hy sinh lặng lẽ ít người biết đến. Tôi làm phim K10 vì nếu không làm ít ai biết người lính đặc công đã chiến đấu và hy sinh như thế nào”.
Những ngày tháng đi tìm hiểu về K10 đã giúp đạo diễn Vương Khánh Luông hiểu biết sâu sắc về tiểu đoàn đặc công đặc biệt nhưng ít được nói đến này: “Năm 1965 chiến trường Quảng Trị cực kỳ ác liệt vì quân Mỹ đã trực tiếp tham chiến và muốn biến Quảng Trị thành vùng trắng. Phía ta nhận định, nếu chỉ đánh bằng bộ binh thì rất khó thắng Mỹ, muốn thắng phải đánh bằng đặc công. Một tiểu đoàn đặc công được thành lập, ban đầu chỉ có 10 người, nên được đặt tên là K10. Năm 1966 tiểu đoàn được bổ sung nhiều chiến sĩ được huấn luyện từ miền bắc vào. Họ trở thành tiểu đoàn đặc công nổi tiếng thuộc tỉnh đội Quảng Trị. K10 đã tiêu diệt hơn 10.000 địch, trong đó một nửa là lính Mỹ. Trong khi đó quân số của họ từ khi thành lập đến lúc giải tán chỉ 1.000 người, nhưng hy sinh hơn một nửa”.
Đạo diễn Vương Khánh Luông không thể diễn tả những chiến công đó bằng hình ảnh vì một lẽ những người lính K10 toàn xuất quân khi màn đêm buông xuống, trên người thường chỉ độc một cái quần đùi và được bôi đen toàn thân bằng bột của pin. Không một thước phim, tấm ảnh nào ghi lại được hình ảnh những người lính đặc công đã hòa mình vào bóng đêm để làm nhiệm vụ ấy. K10 - một bộ phim tài liệu hầu như không có tư liệu. Tất cả chỉ được tái hiện bằng ký ức của những chiến sĩ đặc công ngày ấy.
Đại tá Đặng Văn Thơ - Trưởng ban liên lạc của tiểu đoàn K10 - đang sống ở thành phố Hải Phòng - hồi tưởng: “Trận đánh vào trận địa La Vang năm 1967, K10 chỉ có 120 người nhưng đánh lui một sư đoàn của địch. Ba người mới có một khẩu súng, còn lại đa số được trang bị lựu đạn, mìn tự chế. Giữa đêm, doanh trại của địch chìm trong lựu đạn, mìn của quân ta, địch hoảng loạn chạy xuống hầm trú ẩn, quân ta nhanh chóng tiến vào tiêu diệt gọn. Trận đánh vào thành cổ Quảng Trị, K10 thần tốc tấn công chiếm thành, sau đó nhường chỗ cho bộ binh trấn giữ. Trận đánh lừng danh vào chi khu quân sự Mai Lĩnh phá vỡ một mắt xích quan trọng của địch ở Quảng Trị...”.
Chiến sĩ K10 một khi đã xung trận đều không xác định sẽ trở về. Nhiều người trong họ hy sinh mất xác. Họ chẳng để lại một dòng địa chỉ, ngay cả gương mặt khó nhận diện vì đã bôi đen bằng pin.
Cũng vì thế mà bao nhiêu năm qua, nhiều cựu chiến binh của K10 đi tìm hài cốt của đồng đội mình nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả việc tìm lại cựu binh K10 đang sống cũng chẳng dễ dàng gì. Cho đến một ngày cuốn sổ “sinh-tử” của K10 bất ngờ phát lộ...
Sổ “sinh-tử” và những cuộc hội ngộ
Tiểu đoàn K10 có hai cuốn sổ, một cuốn ghi đầy đủ danh tính quê hương bản quán, tên bố mẹ của tất cả lính đặc công trong đơn vị, cuốn còn lại ghi thời gian địa điểm, nguyên nhân đồng đội hy sinh. Vì thế hai cuốn này còn được gọi là sổ “sinh-tử”. Trong một lần chuyển đơn vị, sổ “sinh-tử” được các chiến sĩ K10 bỏ vào hòm đạn đại liên chôn dưới gốc tre trong vườn một người dân ở khu vực Trà Lộc, nay thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng. Cuối năm 2001, trước khi mất, ông già chủ vườn dặn con trai ra đào dưới gốc tre lên vì vẫn còn nhớ: “Các chú bộ đội có chôn gì ở dưới”. Anh con trai đào được hòm đạn đại liên trong đó có hai cuốn sổ. Dù trải qua nhiều bão lụt, nhưng nhờ hòm đạn đại liên rất tốt nên hai cuốn sổ vẫn còn nguyên vẹn. Hai cuốn sổ sau đó đến tay những cựu chiến binh của tiểu đoàn K10, họ vui mừng như bắt được báu vật. Hai cuốn sổ được sao chép làm nhiều bản trước khi được lưu giữ trong Bảo tàng Quân đội. Và kể từ lúc ấy, thông tin về “sinh-tử” K10 được lần giở chắp nối lại. Nhờ vậy, mới có những cuộc hội ngộ đầy nước mắt của những người lính năm xưa. Và từ đó, họ lại lên đường trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội của mình.
![]() |
Những cựu chiến binh K10 bên bia ghi danh đồng đội đã hy sinh.
Chiến sĩ K10 một khi đã xung trận đều không xác định sẽ trở về. Nhiều người trong họ hy sinh mất xác. Họ chẳng để lại một dòng địa chỉ, ngay cả gương mặt khó nhận diện vì đã bôi đen bằng pin. |
Đại tá Đặng Văn Thơ giọng bùi ngùi: “Tôi đã nhiều lần tự bỏ chi phí vào Quảng Trị, lại cơm nắm, mắc võng ngủ rừng, vắt cắn muỗi đốt chẳng khác gì ngày còn chiến tranh. Tôi thuê thuyền dọc sông Mỹ Chánh lên sông Thác Mã, hầu hết địa hình đều thay đổi. Tôi tìm được nơi hy sinh của đồng đội Phạm Quốc Lập quê ở xã Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Anh Lập hy sinh ở dốc Dầu. Nhờ thông tin của người dân và đối chiếu sổ “sinh-tử”, tôi tìm được mộ anh Lập, ngôi số 1031 ở Nghĩa trang liệt sĩ Hải Lăng”.
10 năm nay, ông Nguyễn Thanh Tiêm ở thị xã Đông Hà - Quảng Trị - một chiến sĩ của K10 năm xưa luôn mang theo cuốn sổ “sinh-tử”. Ông ghi rõ những ngày vào rừng tìm hài cốt, lúc có thời gian lại giở sổ “sinh-tử” biên thư về cho gia đình các đồng đội đã hy sinh để báo địa điểm nơi các anh nằm lại. Những láthư đi, những thân nhân đồng đội tìm về, có những tháng ngày nào cũng đón khách. “Tui đã tìm được năm hài cốt đồng đội kể từ khi có cuốn sổ “sinh-tử”, ông Tiêm chia sẻ.
Những cuộc tìm kiếm dưới sự chỉ dẫn của cuốn sổ “sinh-tử” đã giúp những cựu chiến binh K10 tìm được gần 100 hài cốt đồng đội. Nhưng họ vẫn đau đáu một câu hỏi: “Hơn 400 hài cốt của đồng đội bây giờ nằm ở đâu?”.
Giữa cánh rừng của huyện Hải Lăng hoang hoải những tán cây dại, đại tá Nguyễn Chí Phi - AHLLVTND, đại tá Đặng Văn Thơ và các đồng đội của K10 đang vạch bản đồ để tìm hài cốt: “Mộ thằng Giảo đi lấy gạo bị địch phục kích, mộ thằng Sinh hy sinh vì trúng bom tọa độ có còn nữa không?”, đại tá Nguyễn Chí Phi hỏi mànhư đang tự sự.
Những mái đầu bạc lại chụm đầu vào cuốn sổ “sinh-tử”. Toàn bộ cuốn sổ được ghi bằng những nét chữ rất đẹp. Đó là nét chữ của người lính Vương Khánh Khưu. Nhưng người lính ấy không thể ghi thời gian địa điểm, nguyên nhân hy sinh của chính mình.
Bao nhiêu năm nay đạo diễn Vương Khánh Luông đi tìm hài cốt anh trai nhưng vô vọng. Sau khi hy sinh ở nóc hầm, quân Mỹ đã buộc thi thể chiến sĩ đặc công Vương Khánh Khưu vào càng máy bay trực thăng, bay mấy vòng trên bầu trời xã Hải Sơn rồi biến mất... Nhưng câu chuyện hy sinh thầm lặng của anh trai và các chiến sĩ đặc công khác vẫn hiển hiện trong tâm trí của đạo diễn Vương Khánh Luông, thúc giục ông làm K10 - một bộ phim tài liệu không hề có lời bình (bởi các nhân vật và cảnh huống trong phim có thể khiến những lời bình trở nên thừa thãi).
Hằng năm vào tháng 4, Ban liên lạc K10 lại tổ chức gặp mặt các đồng đội. Họ đã xây được bia lưu danh tiểu đoàn đặc công K10 ở Hải Lăng - Quảng Trị. Đùm bọc nhau trong cuộc sống còn nhiều lo toan, người lính đặc công ấy vẫn lặng lẽ kiệm lời như ngày nào, ngay cả trước một thực tế: K10 được phong tặng đơn vị anh hùng, có bốn cán bộ, chiến sĩ AHLLVT, vậy mà nhiều người lính K10 trở về với đời thường sau năm 1976 hầu như không có chế độ gì.