“Bội thực” những cuộc kiếm tìm nhan sắc
“Loạn thi hoa hậu”, “35 ngày 5 cuộc thi sắc đẹp”... Đọc những tiêu đề bài viết “gây sốc” đó, chắc ông có cảm giác không vui?
Thật ra trong năm 2017, chúng tôi chỉ cấp phép cho bốn cuộc thi, ở tầm quốc gia (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Đại dương) và quốc tế (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Hoa hậu Hữu nghị ASEAN). Nếu căn cứ theo điều 18, Nghị định 79/2012/NĐ-CP (Đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc mỗi năm tổ chức không quá hai lần. Đối với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định) thì số lượng đó là trong giới hạn cho phép. Dư luận có cảm giác quá nhiều, có thể bởi trong danh sách năm cuộc thi được liệt kê kể trên có cả Nữ hoàng Doanh nhân đất Việt và Nữ hoàng Golf 2017, vốn xếp vào nhóm “cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể trung ương”, được quy định cụ thể “mỗi năm tổ chức không quá ba lần”.
Cái cảm giác “bội thực” không chỉ bởi số lượng mà còn nằm ở chất lượng các đấu trường nhan sắc. Những lùm xùm về nhan sắc, tiền sử phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) của Hoa hậu Đại dương. Những phản ứng gay gắt của thành viên BGK về ứng xử của thí sinh Việt Nam trong cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Những phát ngôn thiếu cẩn trọng của thành viên BGK Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam về đêm bán kết diễn ra giữa tâm bão lũ... Là đại diện của Bộ VH,TT&DL - với “trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi người đẹp”, chắc ông cũng phải đối diện với khá nhiều áp lực?
Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh cùng các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh).
Hoạt động tổ chức thi người đẹp hiện nay đúng là tiềm ẩn nhiều phức tạp. Thật ra, nhu cầu được tổ chức sự kiện, với mong muốn quảng bá nét đẹp con người, hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp để từ đó thu hút và phát triển du lịch của các địa phương là có thật. Cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Quốc tế vừa rồi đã đạt hiệu ứng truyền thông rất tốt, khi quảng bá nét quyến rũ của Quảng Bình đến với đông đảo bè bạn quốc tế. Với kinh phí đa phần nhờ vận động tài trợ - xã hội hoá, không sử dụng nguồn ngân sách, nếu được tổ chức một cách chuyên nghiệp, bám sát tiêu chí thì hoạt động này rất có lợi, chúng ta nên ủng hộ. Chỉ có điều, tính chuyên nghiệp của các đơn vị tổ chức hiện nay không cao. Số có thâm niên “cầm trịch” lâu năm như Báo Tiền phong (với cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong từ năm 1988 và Hoa hậu Việt Nam từ năm 2002) là rất hiếm. Số còn lại chỉ có dăm bảy năm kinh nghiệm, lại không chuyên sâu vào riêng một lĩnh vực. Những lộn xộn “hậu trường” đều xuất phát từ thực tế thiếu chuyên nghiệp kể trên, dẫn đến chất lượng của tất cả các khâu, từ thí sinh - ban giám khảo (BGK) đến ban tổ chức (BTC) đều nảy sinh rất nhiều vấn đề. Dường như xã hội đã mặc định, rắc rối luôn song hành cùng các cuộc thi người đẹp.
Trong và sau mỗi sự kiện diễn ra, chúng tôi luôn nhận được nhiều luồng phản ứng từ phía công luận. Ngay với con số cuộc thi đã được quy định cụ thể, các địa phương vẫn tha thiết yêu cầu Bộ phải tạo điều kiện cấp giấy phép nhiều hơn trong khi một bộ phận công chúng lại yêu cầu rút bớt. Rồi đề xuất phải tước vương miện Hoa hậu Đại dương vừa đăng quang, cho dù trách nhiệm “thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho cá nhân đoạt giải” thuộc về “tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức cuộc thi” (theo điều 7, khoản 2, Nghị định 15/2016/NĐ-CP). Trường hợp Nguyễn Thị Thành (Á khôi 1 cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam bị thu hồi danh hiệu và vì thế, mất cơ hội tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế sau đó vì từng chỉnh sửa răng) thì cũng phải do chính BTC cuộc thi đưa ra quyết định. Bộ VH,TT&DL chỉ có chức năng xử lý những vi phạm của BTC, phạt tiền hoặc rút giấy phép (có thời hạn hoặc vĩnh viễn) tuỳ mức độ.
Trả lại giá trị nhân văn đúng nghĩa
Cùng liên quan tới PTTM, người bị rút danh hiệu Á khôi, người hiện tại vẫn giữ được vương miện Hoa hậu. Giá cơ quan quản lý bổ sung những quy định cụ thể hơn về PTTM thì sẽ công bằng cho các thí sinh và đỡ gây lúng túng trong cách xử lý của đơn vị tổ chức?
Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi 15/2016/NĐ-CP, sau một thời gian thực thi đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với dòng chảy cuộc sống đương đại. Vì thế, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ VH,TT&DL lấy ý kiến rộng rãi để từ đó xây dựng một Nghị định mới, cập nhật và chi tiết hơn nhằm thay thế hai nghị định trên. Số lượng sự kiện tổ chức từng năm là bao nhiêu, theo thông lệ mấy năm diễn ra một lần. Những sân chơi nào được ủng hộ, cuộc thi nào cần hạn chế. Vẻ đẹp tự nhiên vẫn cần được tôn vinh, nhưng PTTM ở mức độ nào (thay đổi diện mạo đến đâu, chăm sóc sức khoẻ trong trường hợp nào) thì được phép. Chế tài xử phạt những cá nhân và tổ chức vi phạm phải nghiêm khắc, có tính răn đe cao để buộc họ phải thực hiện đúng tôn chỉ và mục đích, không lợi dụng cuộc thi nhằm kiếm lợi, mua danh gây những hệ lụy và bức xúc không đáng có trong đời sống xã hội... Đó là những nội dung mà chúng tôi dự kiến sẽ đưa vào nghị định mới.
Đặc biệt, quy định cấp phép cho thí sinh tham dự các đấu trường sắc đẹp quốc tế sẽ được đơn giản hóa rất nhiều. Thay vì yêu cầu phải từng “đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp trong nước” (điều 22, NĐ 79), mọi cô gái, nếu có giấy mời từ đơn vị tổ chức, có hồ sơ tốt, đáp ứng được yêu cầu riêng của từng sân chơi đều có cơ hội tự tin đọ sắc tranh tài bên ngoài biên giới. Nỗ lực này, hy vọng sẽ triệt tiêu những biểu hiện tiêu cực, đoạt giải bằng mọi giá nhằm có danh hiệu để thi thố xứ người. Áp lực, với những thí sinh tiềm năng, nhờ thế sẽ được giảm thiểu. Nhiều nhan sắc không còn phải chọn cách “thi chui” khi chưa được cấp phép, không còn phải đối mặt với nguy cơ phạt tiền cũng như không được công nhận danh hiệu khi về nước.
Về lý thuyết, cuộc thi là nơi kiếm tìm gương mặt đại diện cho quốc gia để tham dự các sự kiện sắc đẹp quốc tế. Thế nhưng, đã có khá nhiều Hoa hậu tài sắc vẹn toàn từ chối tham gia, dù được chỉ định. Nhiều người, sau cuộc thi đã để rắc rối làm lu mờ ánh lấp lánh của chiếc vương miện, tạo cho xã hội những hình ảnh và ấn tượng không đẹp. Liệu những quy định về trách nhiệm công dân của những người đẹp đăng quang có cần bổ sung vào nội dung nghị định mới, thưa ông?
Tôi nghĩ khó bắt buộc các người đẹp đạt danh hiệu trong nước phải tiếp tục đi thi quốc tế, bởi có người không thích hợp tiêu chí, người bị áp lực “nhỡ ra về tay trắng” đè nặng nên không đủ dũng cảm tham gia. Nhìn chung, phần lớn các nhan sắc được vinh danh đều làm lợi cho hình ảnh đất nước, dù ít dù nhiều. Những scandal “hậu” cuộc thi, phần lớn xuất phát từ những đòi hỏi quá khắt khe của công luận. Làm sao có thể yêu cầu những cô gái quá trẻ, với hành trang kinh nghiệm đối mặt với khủng hoảng truyền thông hầu như là số không tròn trĩnh phải ứng xử, nói năng, hành động chỉn chu, hoàn hảo như một chính trị gia hay nhà ngoại giao có thâm niên được. Nói một cách hình ảnh, sân chơi sắc đẹp có nhiệm vụ phát hiện và tôn vinh vẻ đẹp của viên ngọc thô, còn mài giũa để mang lại ánh lấp lánh quý giá phải cần thời gian, cần quá trình học hỏi và hoàn thiện dần bản thân của từng cô gái.
Nội dung nghị định mới sẽ còn phải mất nhiều thời gian, công sức để có thể hoàn thiện. Nhưng chúng tôi thật sự hy vọng, nó sẽ giúp trả lại những giá trị nhân văn nguyên bản đẹp đẽ mà các đấu trường nhan sắc hướng tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Dường như xã hội đã mặc định, rắc rối luôn song hành cùng các cuộc thi người đẹp. |