Liên hoan lần này sẽ diễn ra đến ngày 3-10, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cùng Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức, là hoạt động thiết thực kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và hướng về ngày Giỗ Tổ ngành Sân khấu. Tiếp tục thực hiện quy định phòng, chống dịch, mới đây thông tin về liên hoan, Ban tổ chức cũng nhấn mạnh: chấp hành đúng các nội quy, quy định của công tác phòng, chống dịch như đặt các bình nước rửa tay y tế và khẩu trang... tại cửa các Nhà hát - nơi diễn ra các buổi biểu diễn của liên hoan.
Tham gia liên hoan năm nay có 14 vở diễn. Đáng chú ý khi ngoài các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô hoặc đứng chân trên địa bàn Hà Nội như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ..., còn có một số đơn vị “từ xa về” như Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, Nhà hát Chèo Bắc Giang với nhiều hứa hẹn về những sắc màu khác lạ đóng góp cho liên hoan.
Như nhận định của NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan - một số vở mới được dàn dựng đã tạo được hiệu ứng tốt, có những vở từng công diễn được các đơn vị dựng lại với góc nhìn mới và mang hơi thở của thời đại, thì liên hoan có thể được coi là một cách “hâm nóng” tình cảm với sân khấu của khán giả sau một quãng thời gian sàn diễn có phần “nguội” do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đặc biệt, đây cũng có thể coi là một trong những hoạt động nghệ thuật đáng chú ý nhằm tôn vinh Thủ đô 1010 tuổi, trong bối cảnh ngày lịch sử 10-10 đã gần đến nơi. Đương nhiên, dù thế nào thì an toàn sức khỏe của tất cả mọi người vẫn phải đặt lên hàng đầu. Vì thế, trong không khí náo nức, sôi nổi của khán giả và nghệ sĩ đến với các đêm diễn liên hoan, thì sự theo dõi và liên tục nhắc nhở, yêu cầu thực hiện việc phòng, chống dịch là rất cần thiết.