PGS, TS, NSƯT, họa sĩ Đoàn Thị Tình:

Quan tâm xứng đáng trang phục truyền thống

Vừa được trao Giải thưởng Đào Tấn cho các công trình nghiên cứu: “Trang phục người Việt xưa và nay”, “Hóa trang mặt nạ sân khấu tuồng”, “Mỹ thuật sân khấu Việt Nam”, PGS, TS, NSƯT, họa sĩ Đoàn Thị Tình chia sẻ với Thời Nay về những thiết tha với việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống trong nghệ thuật sân khấu nước nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Quan tâm xứng đáng trang phục truyền thống

Phóng viên (PV): Là gương mặt hiếm hoi dày công nghiên cứu trang phục truyền thống, mỹ thuật sân khấu, bà có thể chia sẻ đôi điều về những băn khoăn trong lĩnh vực mỹ thuật sân khấu hiện tại?

PGS, TS Đoàn Thị Tình: Kể từ khi được giao nhiệm vụ đầu tiên: nghiên cứu mỹ thuật sân khấu Việt Nam, tôi luôn tâm niệm rằng, công việc mà Nhà nước giao cho thì phải cố làm cho bằng được, làm sao cho tử tế. Để có thể đào sâu nghiên cứu thì niềm đam mê với cái đẹp cổ truyền của dân tộc là động lực to lớn nhất để tôi tiếp tục duy trì công việc của mình đến nay tuy tuổi đã cao. Hiện tại, tôi vẫn làm việc để cho ra mắt sách nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Từ những năm được cử ra nước ngoài học ngành mỹ thuật sân khấu, tôi nhận thấy trong khi các nước bạn rất chú tâm vào khâu kiến tạo trang phục thì nước ta vẫn còn đang xem nhẹ, có thể nói là sơ sài trong trang phục. Theo tôi, các thể loại sân khấu cổ truyền như tuồng, chèo, cải lương đòi hỏi sự cầu kỳ rất lớn trong vẽ mặt và trang phục để truyền tải được sự sang trọng vốn có trong tính chất nghệ thuật của nó, vậy mà ngày nay ta đang gặp khó khăn trong đầu tư. Vì thế, chưa có được sự xuất chúng trong chất liệu hay chưa làm tỉ mỉ đến từng chi tiết, ít ra chúng ta chỉ có thể làm đúng, mặc đúng trong điều kiện tốt nhất có thể. Tôi đã cố gắng tới mức tối đa vì bản chất trang phục sân khấu là vô cùng tốn kém, vậy nên trong thiết kế chỉ mong sao giữ được trọn bản sắc dân tộc, phải co kéo thế nào để khán giả còn thấy đúng dáng dấp của cái áo tứ thân, áo dài… với một nguồn kinh phí ít, chúng tôi cũng chỉ biết cầm lòng vậy.

PV: Xin bà nói rõ hơn về những khó khăn tồn tại khi làm công tác nghiên cứu trong ngành này?

PGS, TS Đoàn Thị Tình: Có thể nói vấn đề khó khăn lớn nhất tôi gặp phải đến thời điểm này hầu hết liên quan đến cơ chế chính sách cho những người làm nghiên cứu. Tôi đã có những ngày tháng phải điền dã tìm kiếm tư liệu để viết về trang phục cổ tại các đền, chùa, vùng dân tộc thiểu số và nhiều địa phương, tuy cũng là những trải nghiệm mà tôi đam mê nhưng phải công nhận là không dễ gì có được các văn bản tổng kết tư liệu cho những người làm nghiên cứu, mà phải tự đánh giá trong nhiều năm.

Đối với lĩnh vực trang phục cổ truyền, nhiều thông tin từ thế kỷ 20 đã không còn, gây ra sự đứt mạch trong việc phân tích và tổng hợp. Vậy nên một công trình tổng kết tôi làm mất có khi cả 10 năm, đặc biệt với tính chất phát triển có bề dày lịch sử của trang phục dân tộc nước ta. Vì thế, từ thế kỷ 21 trở đi, tôi không làm nữa vì đó là thời điểm chuyển giao áp dụng kỹ thuật số trong mọi thứ và kể cả trang phục, nên mình để lại cho thế hệ sau.

Tôi cho rằng, về vấn đề liên quan đến truyền thống thì có thể có những bạn trẻ cảm thấy nhàm chán, nhưng con người ta, dù có cuốn theo những cái xốc nổi hào nhoáng đến đâu thì vẫn quay lại với trường tĩnh. Còn nhớ những năm 1980, tôi làm lĩnh vực này thì bị nghi kỵ nhiều thứ lắm, sai một chút là sẽ bị chỉ trích rất nhiều, nhưng giờ thì cởi mở hơn rồi. Tham gia giảng dạy, tôi thấy sự duy mỹ thuật trong sân khấu cổ đang dần được các bạn sinh viên hết sức hưởng ứng. Bên cạnh đó, có thể nói tổng quan về sân khấu Việt Nam, không thua kém gì nước ngoài. Người ta mong có được những chất liệu vừa cổ kính, vừa tao nhã, nhưng lại sang trọng ở tuồng, chèo, cải lương nước ta để áp dụng vào kịch nói và cốt truyện của ta cũng được đánh giá rất cao.

PV: Bà cảm nhận thế nào về tương lai của công tác nghiên cứu, lý luận phê bình liên quan đến mỹ thuật sân khấu?

PGS, TS Đoàn Thị Tình: Tôi dành nhiều thời gian cố vấn cho các show diễn thời trang về dân tộc với các bạn sinh viên có niềm đam mê giống mình ở Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Trường đại học

Mỹ thuật Công nghiệp. Vừa quý nhưng cũng vừa thương các em, quý vì bây giờ các em đã biết tuyên truyền, biết mặc áo dài chụp ảnh ở các danh lam thắng cảnh, biết mặc triều phục để chụp ảnh cưới, cũng biết thiết kế, tô vẽ cho trang phục các dân tộc thiểu số để trình diễn mà vẫn giữ được những cái căn nguyên nhất. Vậy nhưng cũng thương vì với tư cách là một người làm nghiên cứu về lĩnh vực này, tôi hiểu các em nếu đam mê thì phải đi đôi với sự thiệt thòi và cần đánh đổi nhiều thứ, phải đi trên con đường đầy rẫy khó khăn. Vì việc tìm tòi tư liệu có thể mất hàng chục năm mới xong một công trình tổng kết mà lợi ích vật chất không thể thấy trước mắt, vậy mà vẫn phải âm thầm chịu đựng.

PV: Bà có đề xuất gì cho việc cải thiện tình hình này?

PGS, TS Đoàn Thị Tình: Những chính sách giúp thuận lợi hóa công việc lý luận phê bình trong nghệ thuật nói chung và bảo tồn những di sản về Việt phục nói riêng luôn là điều mà tôi phải trăn trở nhiều. Với sự phát triển không ngừng trong phương thức xây dựng sân khấu cũng như kịch bản, hy vọng mỹ thuật sân khấu như trang phục, nghệ thuật vẽ mặt, đạo cụ đặc trưng sẽ có được nhiều sự quan tâm hơn từ giáo dục và truyền thông để những vở kịch nói, tuồng, chèo được phổ biến tới công chúng hơn.

Thời trang hiện nay và sau này có thể trông bắt mắt và thuận tiện, nhưng chắc chắn dân ta sẽ không bao giờ quên được sự xinh đẹp của trang phục truyền thống. Vì vậy, một sự đầu tư và quan tâm xứng đáng cho lĩnh vực này là cần thiết để bảo tồn, phát huy giá trị, khỏa lấp những khoảng trống trong lý luận phê bình và tiếp lửa cho thế hệ sau đi theo con đường này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!