Quản lý chặt chẽ môn học kỹ năng sống

Từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cho phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Bộ cũng có những hướng dẫn triển khai giáo dục kỹ năng sống cụ thể. Nhưng phần lớn việc quản lý môn học này vẫn chưa được sát sao.
0:00 / 0:00
0:00
Địa chỉ đăng ký hoạt động lần hai của Trung tâm TVK ở Hà Nội.
Địa chỉ đăng ký hoạt động lần hai của Trung tâm TVK ở Hà Nội.

1/Kỹ năng sống đang là môn học tự nguyện, được giảng dạy ngoài giờ. Việc triển khai do các trung tâm đào tạo được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép và giám sát. Mức học phí sẽ do nhà trường và trung tâm thỏa thuận để phù hợp từng địa phương, ngành học và đối tượng. Nội dung giảng dạy cũng theo đó mà có sự khác nhau. Vậy nên nếu không có sự quản lý sát sao từ cơ quan chuyên môn, các trung tâm giáo dục kỹ năng sống có thể sẽ giảng dạy không đúng thực chất, không đúng nguyện vọng của phụ huynh khi đăng ký cho trẻ theo học.

Sau khi đăng ký rồi đón con trở về từ khóa học kỹ năng, chị P.Q.M (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cho rằng những kiến thức dạy cho con chị là “dư thừa” và “phí tiền”. Theo chị những kiến thức đó phù hợp trẻ mầm non hơn là cho trẻ từ 6-10 tuổi.

Được biết, đó là hoạt động giảng dạy của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng TVK (gọi tắt là Trung tâm TVK). Theo tìm hiểu của phóng viên, Trung tâm TVK đã chủ động tìm đến đề nghị liên kết, hợp tác, cung cấp chương trình giảng dạy kỹ năng sống cho các trường học. Một số trường sau khi tìm hiểu, nhận thấy phù hợp đã đồng ý triển khai. Trường nào cẩn thận hơn thì sẽ yêu cầu Trung tâm TVK xin phép Phòng GD&ĐT địa phương đồng ý mới hợp tác liên kết.

Về quy trình, việc quản lý hoạt động của các trung tâm này tại các trường cần được cấp Sở phê duyệt. Chị Đặng Thị Yến, chuyên gia pháp lý, Công ty TNHH Dịch vụ Gia Đăng Luật (Hà Nội) cho biết: “Sau khi hai bên đã ký hợp đồng liên kết đào tạo, phải gửi hợp đồng đó tới cơ quan quản lý trực tiếp để báo cáo. Cơ quan trực tiếp ở đây là Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT. Cấp Phòng sẽ cho ý kiến có duyệt việc liên kết đào tạo hay không, sau đó sẽ gửi đề án lên Sở. Sau khoảng 20 ngày làm việc, Sở sẽ cử bộ phận chuyên môn thẩm định, sau đó ra quyết định cho phép hai đơn vị ký hợp đồng liên kết đào tạo. Tiếp nữa, theo hợp đồng hợp tác, trung tâm sẽ chuyển giao giáo trình cho các nhà trường, tập huấn cho các giáo viên của trường trực tiếp giảng dạy (trung tâm không cung cấp giảng viên)”.

Theo tìm hiểu, năm học 2022-2023 có bốn trường tiểu học tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hợp tác giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh với Trung tâm TVK. Quá trình tổ chức thực hiện tại đây có nhiều vấn đề bất cập. Ngoài ra, TVK cũng đã từng liên kết với các trường ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Thạch Thất…

2/Tìm hiểu về giáo trình giảng dạy của TVK, phóng viên đã gặp được hai nhân viên cũ của trung tâm là N.T.P và T.Đ.Q. Họ cho biết, TVK thuê sinh viên viết giáo trình dưới sự kiểm soát của cô Thanh (quản lý của TVK). Việc tuyển dụng được thực hiện bằng cách đăng tuyển trên Facebook. T.Đ.Q cho biết thêm, các tệp ứng dụng (file), đề mục trên giáo trình điện tử phần lớn là các tệp... rỗng. Về phía giáo viên phản ánh, trong các tệp trung tâm gửi đa phần không mở được, file bị lỗi nên giáo viên không thể thống kê cũng như nắm bắt đủ thông tin để chuẩn bị cho học sinh.

Có lẽ vì vậy nên đã có trường dừng liên kết với TVK sau vài tháng vì phần mềm giảng dạy trên máy tính hoạt động không ổn định, thường xuyên không sử dụng được. Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phượng Dực (Phú Xuyên, TP Hà Nội) nhận xét về giáo trình của trung tâm TVK trong thư mục có tên “Thiên nhiên” rằng: “Phần lớn kiến thức này các con đã được học qua các môn chính khóa, cái này chỉ là bổ sung thêm để các con hiểu biết sâu hơn”. Cô cũng cho biết thêm, khi Trung tâm TVK hoạt động tại trường, chỉ tập huấn có hai ngày cho các giáo viên rồi vội vàng cấp chứng chỉ.

Thực chất chứng chỉ trên chỉ là chứng nhận của riêng TVK, bởi chứng chỉ hoạt động thì phải do các Viện nghiên cứu giáo dục hoặc các trường đại học sư phạm cấp.

Có thể thấy việc quản lý hoạt động của các trung tâm đào tạo kỹ năng sống nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ gây lãng phí lớn cho phụ huynh, nhà trường và xã hội. Liên quan đến hoạt động của Trung tâm TVK, phóng viên đã liên hệ để làm việc với Sở GD&ĐT TP Hà Nội, song mới chỉ nhận được thông tin bằng văn bản rằng trung tâm này đã được cấp phép hoạt động lần hai vào ngày 7/4/2023, địa điểm tại số 19 ngõ 56 đường Phan Trọng Tuệ (huyện Thanh Trì).

Được biết, trước đây Trung tâm TVK đăng ký hoạt động địa chỉ trên địa bàn quận Hà Đông. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, quận đã từng kiểm tra địa chỉ đã đăng ký của TVK, nhưng từ năm 2021 đến nay trung tâm này không có bất kỳ hoạt động nào.

Không chỉ ở Hà Nội, TVK còn lập chi nhánh tại các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang... Riêng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, họ đang tiến hành liên kết với 10 trường học. Tuy nhiên, tại cả hai địa phương trên đều không ghi nhận sự tồn tại và hoạt động tại các địa chỉ theo đăng ký được cấp phép. Ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, Sở đang đề nghị phòng chuyên môn tham mưu để tiến hành xử lý.

Theo chuyên gia pháp lý Đặng Thị Yến, trường hợp một trung tâm không hoạt động liên tục trong 12 tháng, có hành vi gian lận để cấp phép hoạt động sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng và bị tước giấy phép hoạt động.