Qua ngõ mùa xuân

- Có ai ở nhà không?
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Hạnh nghe tiếng gọi, ngóng ra ngoài ngõ, tay cô vẫn cầm mảng mạ tám thơm vừa lột khỏi sân. Là ông Vận nhà ở ngoài đê, ông đứng còn không vững, chắc lại uống rượu ở đâu rồi. Cứ vào độ này, đi đâu cũng ngửi thấy mùi thơm rượu nấu. Từ đầu đến cuối làng, nếm rượu cũng đủ say hết tháng. Ông Vận huơ tay nói không rõ chuyện gì đó. Mẹ mải làm cỏ ngoài vườn, thấy Hạnh đứng lơ ngơ thì mắng:

- Quàng quàng cái tay mà ra đồng, sắp trưa chặt rồi. Có muốn đi chợ không mà giờ còn đứng tiếp chuyện người say.

Hạnh cười phá lên rồi đặt cuộn mạ vào cái xảo chất lên xe. Vừa chằng buộc xong thì thím Thu hớt hải dừng xe máy ngoài cổng nói như quát:

- Con Hạnh đâu, còn cấy với hái gì, lên ngay bệnh viện huyện xem bố mày ngã xe gãy chân rồi kìa!

Hạnh tá hỏa, thì ra ông Vận đến báo tin bố cô ngã xe mà tiếng được, tiếng mất mãi. Giời ạ! Mẹ chạy vội vào, chân tay quýnh quáng. Hạnh lột đôi xà cạp, hạ xảo mạ trên xe xuống, mẹ con thím cháu cứ thế mà đi. Cổng nẻo không kịp đóng.

Cứ theo đường sông máng mà lên huyện, bố nằm trên băng ca, chân trái nẹp tạm bằng hai cái đũa bếp nhà ai đem cho mượn. Chưa chi mẹ đã khóc rưng rức lên:

- Khổ chưa dưa với chả hấu. Đã bảo để người ta đến nhà cân hết đi cho thì không chịu, tham lấy vài giá làm gì.

Thím Thu an ủi: Thôi bác, ai muốn thế, năm xui tháng hạn, cuối năm hạn thế này là nhẹ, sau lại sống dai ăn hết của mới đi. Với cả đau chân chứ có đau miệng đâu.

Bố nghe thím nói thì bật cười, gớm chửa chuyện đàn bà con gái, cứ ầm ầm hết cả lên. Con Hạnh chạy ra ngoài kia mua cho mẹ với thím mày con vịt để mà họp chợ, dào ôi.

Chiều hôm ấy bó bột xong, bác sĩ dặn nằm lại bệnh viện vài ngày để theo dõi vì bố ngã đập đầu xuống đường. Lúc ấy tang tảng sáng, bố chở hai sọt dưa hấu đầy vun lên chợ Vở, đang đi thì trâu nhà ai lồng lên băng qua đường. May là có hai cái sọt dưa đỡ cho nên ngã còn nhẹ đấy. Bố kể rồi thở dài bảo định dẫn mẹ mày đi chùa Hương mà hỏng hết kế hoạch rồi. Tháng trước bố đã nhờ người mua giúp mảnh vải lụa Hà Đông cho mẹ may áo dài, định bụng hôm nay ra chợ sẽ mua cho bà đôi dép nhung với cái nón thêu mới. Ai ngờ…

Mẹ với thím đã về nhà để lấy áo quần, chăn gối cho hai bố con và đi cấy nốt mảnh ruộng ngoài gò Bái. Bệnh viện thưa vắng, phòng bệnh sáu giường nhưng chỉ có hai bệnh nhân. Giường bệnh bên kia là bà cụ Hân, nghe chị giúp việc kể bà gần chín mươi tuổi rồi, răng vẫn đều tăm tắp, đen nhánh, tóc dài bạc phơ xõa ra trên gối. Đây là nằm viện chứ nếu ở nhà sáng nào chị cũng chải tóc, thêm một cái lọn vải độn chỗ tóc heo rồi mới bọc khăn vấn lên đầu. Bà lẫn hay lắm, con cháu trong nhà lúc nhớ, lúc quên tên, cháu ruột thì tưởng người dưng mà người tận đẩu, tận đâu đến chơi lại cứ gọi cho tiền đi đường uống nước. Tiền cụ cuộn kỹ, cất vào túi áo rồi cài ghim băng lại đây này. Chị vừa nói vừa nắn nắn hai túi áo bà cụ.

Chị lại tiếp: Tôi đi chợ về là bà cầm thịt, cầm cá lên hỏi chỗ này mấy lạng, bó rau cải cúc hôm nay mấy đồng, một cân mỡ rán lên được có nửa âu thế này hóa mèo ăn vụng a. Tiền nong cấm có lẫn bao giờ, hay thế cô ạ.

Hạnh nghe chị kể cũng phì cười. Chị giúp việc bé người mà khỏe thật, cõng bà cụ đi lại phăm phăm, dỗ ăn uống như dỗ trẻ con mà lại hay chuyện nên phòng bệnh cũng đỡ ảm đạm.

Buổi tối, bác sĩ đến khám và tiêm thuốc cho bố Hạnh xong thì chị giúp việc vội ra đóng cửa, trời gió quá, ánh đèn điện nhờ nhờ ngoài hành lang bệnh viện làm màn đêm loãng ra. Chị đặt mình xuống chiếc giường trống là ngủ ngay, ngáy đều đều. Hạnh cũng đi nằm, lưng giãn ra rồi thiếp đi.

Nửa đêm, nghe tiếng lao xao Hạnh tỉnh giấc, tiếng bà cụ Hân ngật ngừ ho. Hạnh dụi mắt thấy chị giúp việc đang giữ chặt lấy hai chân bà, bà cụ gồng dậy, chị ta lại nằm đè cả người lên, tay bịt miệng, tay ghì bà cụ nằm hẳn xuống. Bà cụ cố gắng nhỏm dậy nhiều lần nhưng bất thành. Hạnh muốn lên tiếng nhưng cô không biết mở lời ra sao. Cô đành đứng dậy bật điện, chị giúp việc bình tĩnh bước xuống giường còn bà cụ lại nằm im như đang ngủ. Hay là Hạnh nằm mơ, rõ ràng Hạnh thấy rõ mồn một, đêm dẫu đen đặc nhưng ánh sáng ngoài hành lang hắt vào đủ rõ. Hạnh bần thần tắt điện, kéo chăn, giấc ngủ đến chập chờn, lòng đầy thắc mắc.

Sáng hôm sau, Hạnh dậy sớm định đi mua đồ ăn cho bố thì chị giúp việc nói giờ này chưa ai bán đâu, khu này tôi rành lắm, giờ này ra đường chỉ thấy người ta dẫn chó đi dạo buổi sáng thôi. Chị nói xong lại bật cười khanh khách, như là đêm qua chưa từng gây ra việc gì. Hạnh không cười nổi nữa, bao nhiêu ấn tượng tốt đẹp về sự xởi lởi ban đầu tan biến hết. Bố Hạnh nằm xoay lưng lại để chị giúp việc thay tã, lau người cho bà cụ. Vẫn những động tác thành thục ân cần. Một người ban ngày vui vẻ đến thế kia mà ban đêm nỡ lòng hành hạ bà cụ ốm đau gần đất xa trời.

Cả ngày hôm ấy, Hạnh đi ra, đi vào bồn chồn, chập tối thì con trai bà cụ đến thăm, mang theo trái cây, súp cua nóng hổi. Người đàn ông trạc tuổi bố Hạnh trông lịch sự, khá giả và tỏ ra thương mẹ vô cùng. Ngồi đến khuya thì ông ta chào mọi người ra về. Hạnh chạy theo xuống dưới sân bệnh viện. Cô không giấu được xúc động, kể lại việc mẹ ông đã bị chị giúp việc đối xử tệ suốt đêm qua. Người đàn ông điềm tĩnh nghe Hạnh kể hết câu chuyện rồi nở một nụ cười.

- Bác cháu mình ngồi đây - ông chỉ xuống ghế đá rồi bằng giọng trầm trầm ông kể, nhà ông neo người, nhà đã thay người giúp việc không biết đến lần thứ bao nhiêu thì mới được chị Tám chịu trụ lại cùng ông chăm sóc bà mấy năm nay trái tính. Tuổi già cháu ạ, cứ nửa đêm là bà mò mẫm leo cầu thang đi khắp mấy tầng nhà, khi thì gào khóc, khi rên rỉ, khi cứ lẩm bẩm đọc thơ về phận làm vợ lẽ của mình. Đêm nào ở nhà chị Tám cũng đi theo, nào gỡ kéo, gỡ dao khi bà vào bếp. Nào ăn rồi kêu bị bỏ đói mấy hôm chẳng được miếng gì. Có lúc bà hồn nhiên như trẻ con, lúc tỉnh ra lại tự trách mình “già hóa giặc”.

Ông vỗ vai cảm ơn Hạnh rồi ra về. Hạnh trở về phòng, lòng nhẹ nhõm mà bước chân nặng trĩu, chị Tám đã ngáy đều đều. Hạnh kéo chăn đắp cho bà cụ, đột nhiên bà nắm lấy tay Hạnh khiến cô giật mình. Bà dặn: Nhớ bế con về chơi với mẹ, mày đi lấy chồng xa quá, chẳng bao giờ mẹ được bát canh cần.

Hạnh gật đầu dạ vâng cho bà cụ yên tâm, đêm ấy Hạnh cũng ngủ say. Sáng hôm sau trong lúc chị Tám đi mua đồ ăn sáng, bà cụ ngồi dậy dựa hẳn vào tường, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài cửa phòng ngâm nga: “Một đêm là trống năm canh. Tôi kể ngọn ngành cho chúng bạn nghe”.

Rồi cứ thế bà kể về thời son trẻ bị anh trai đem gán nợ cho nhà giàu làm lẽ người ta. Bưởi rụng trong vườn, con cái bà không được nhặt, tép dưới ao sâu không được cất ăn, ngày Tết không có miếng bánh chưng, hai đứa con không có nổi manh áo mới. Chồng ghen, vợ cả ghét, nửa đêm bà đã khóa trái cửa rồi vẫn bị chồng dỡ ngói vào nhà đánh cả mẹ, cả con. Đêm nào đấy cũng tối đen và lạnh buốt như đêm nay, bà cho hai đứa con ngồi vào chiếc thúng, thúng bên kia đựng vài ống gạo, bọc quần áo với cái nồi nhôm. Đêm không ánh sáng, bà gánh hai đứa con dò dẫm bước đi, trèo bao nhiêu đèo nẻo, lội qua bao ruộng đồng…

- Gớm khổ chưa! Có chuyện đêm gánh, đêm gồng mà ngày nào cũng kể. Qua cái đêm như thế thì bây giờ cụ mới có con gái đi du học rồi lấy chồng tận trời Tây, con trai chủ tiệm vàng như bây giờ cụ nhỉ!

Chị Tám xách tòn teng cái cà mèn đựng phở vừa về đến đã nói ào ào, khiến bà cụ Hân bỗng như bừng tỉnh, ăn xong bát phở liền hỏi chị Tám hôm nay bác sĩ đã cho về nhà hay chưa. Chừng như chỉ chờ có thế chị Tám vội đáp, cụ khỏe lắm rồi, bác sĩ cho về tha hồ ăn Tết. Rồi chị quay sang nháy mắt với Hạnh nói nhỏ, cụ hay dỗi lắm, mỗi lần dỗi lại đòi vào bệnh viện nằm, bác sĩ ở đây đều quen mặt cả. Chiều hôm ấy con trai, con dâu đến đón bà cụ về, cứ ríu rít xôn xao như người thân đã lâu lắm rồi không gặp lại. Nhìn người đàn ông tóc đã lấm tấm bạc cõng mẹ trên lưng, Hạnh xúc động quá. Cô quay sang bố giọng sôi nổi:

- Bố con mình cũng về thôi.

Đây là lần đầu tiên trong đời Hạnh chở bố, bao nhiêu năm ngồi sau lưng bố, nhiều lần ngồi trong sọt dưa, sọt rau theo bố đi chợ phiên, bây giờ cô mới nhận ra bố đã già đến thế. Bố khó nhọc ngồi lên xe, tay giữ cái nạng gỗ. Hạnh chạy xe thật chậm, lòng ngân lên xúc động như đang chở bao nhiêu mùa bố đã cõng mình trên lưng, bao nhiêu chuyến xe dưa hấu đêm, rồi đem về những bánh, những kẹo cho mấy đứa con. Gió dọc đường sông máng lạnh buốt, mưa mỏng mảnh như hơi sương.

Nhà mình đây rồi - bố reo lên như chị em Hạnh vẫn reo vui những ngày còn bé. Có lẽ đây là năm đầu tiên Hạnh thấy bố không tất bật đi đằng đông chạy đằng tây. Bố sai Hạnh mua một hộp sơn về sơn lại cánh cổng gỗ cho tươi tắn. Cánh cổng nặng trịch bao nhiêu mùa mưa nắng bố đã bước qua mà quên đếm tuổi của mình. Hạnh chọn hộp sơn mầu xanh da trời. Hai bố con vừa làm, vừa trò chuyện với bà con chòm xóm đi qua ngõ. Mảnh sân nhà ăm ắp mùa xuân.