Người đầu sóng

Ông kể với tôi hơn 20 năm trước muốn đến hòn đảo xa đất liền nhất trên vùng biển Tây Nam này phải đi tàu chậm mất cả ngày trời.
0:00 / 0:00
0:00

Vậy mà tàu nhỏ sóng to, lênh đênh bềnh bồng trùng dương xa ngái cuối cùng ông cũng cập bến. Nơi ông đến là một hòn dài nằm chênh vênh giữa biển khơi. Trông xa như hình một con hải sâm trườn mình ra bao la sóng nước.

Ở đảo, nước ngọt khan hiếm, điện đóm chưa có, nghề để mưu sinh cũng ít. Ông xin vào làm hậu cần nghề cá, ngồi xẻ mực từ sáng sớm đến tối mịt mới về căn trọ ọp ẹp là chỗ trú thân của gia đình

5 người. Vất vả, khổ cực, nhưng ông bảo vẫn hơn cái hồi ông từ chiến trường trở về. Lúc đó vừa lập gia đình nhưng cha mẹ nghèo quá không có đất đai cho con. Ông và vợ đã sớm trải qua kiếp sống hải hồ, làm đủ mọi nghề, đằm nước lội mưa chốn rừng thiêng nước độc mà vẫn không làm sao kiếm đủ miếng ăn cho đàn vịt trời vào tuổi ăn tuổi lớn.

Ông chẳng ngờ rằng cuộc ly hương đó đến nay đã hơn hai thập kỷ đằng đẵng trôi. Sống ở nơi đầu sóng ngọn gió, mang trong mình chất lính, ông tự nhủ không có khó khăn nào là không vượt qua được. Lắc đầu, ông nói, ở đây người ta không sợ nghèo khổ, chỉ sợ ốm đau vì đường sá trắc trở, cách biển lụy tàu.

Tôi hình dung lại cuộc hành trình đã dẫn mình đến đây và bỗng rùng mình vì lời ông mang sức nặng của một mối lo âu mà hơn hai nghìn dân ở đảo buộc phải sống chung. Những người chất phác lo làm ăn, hằng ngày chỉ biết cầu nguyện cho biển lặng sóng yên, cho dân vạn chài qua năm qua tháng tắm táp cái nắng gió biển khơi luôn được bình an, mạnh giỏi.

Nói về giai đoạn khó khăn nhất ở đảo, ông trìu mến nhìn sang người vợ tào khang, hỏi bà: Em còn nhớ đận nào không? Tóc bạc da mồi, đôi vợ chồng già vẫn ngọt ngào như hồi son trẻ. Cái khắc nghiệt nơi trùng khơi không làm mất đi sự lãng mạn, dịu dàng. Bà ngẫm ngợi như để tìm một mảnh ký ức khó quên trong hàng tá gian khổ mà đời mình phải trải qua. Ông gật gù đồng tình: Ờ, đận đó con gái mình sinh khó mà thằng cháu ngoại cũng đau ngặt nghèo cùng một lúc.

Hai vợ chồng khăn gói đưa con mình, cháu mình vào đất liền mà mỗi lần kể lại cuộc hành trình gần như sinh tử, nước mắt ông bà cứ vậy trào ra. Chỉ biết an ủi mình trời sinh cây cỏ gió sương thì đành chấp nhận.

Vậy bao giờ cô chú sẽ rời Thổ Châu? Hai ông bà đưa mắt nhìn nhau như thể tôi đang hỏi một điều lạ lẫm. Phía trước biết chắc sẽ còn là những ngày vất vả nhưng thật tâm ông bà không có ý định sẽ rời đi. Hơn hai mươi năm, chừng ấy thời gian đã đủ hình thành một thế hệ. Giờ những ai quan trọng nhất của ông bà đều đang ở đây. Từ hết thảy lạ xa giờ người ở đảo đều đã trở thành xóm giềng, bằng hữu. Những người hết lòng tương trợ và sống với nhau bằng cái nghĩa cái tình.

Tôi rời đảo khi vẫn chưa nghe cho thật dứt khoát về một câu trả lời. Nhưng có hề gì đâu, khi chỉ cần nhìn vào ánh mắt đôi vợ chồng già tôi cũng hiểu được tình yêu và sự gắn bó của ông bà dành cho rẻo đất nhỏ nơi đầu sóng. Với họ, từ lâu biển đã là nhà.