Ở cái mảnh đất cỗi cằn chỉ trồng được cây lúa nước và cây ngô, nhưng ngay cả cây lúa cũng không mùa nào cho bông nặng cong cánh nỏ, cây ngô còi cọc chưa vụ nào thấy bắp treo đèn. Nên người phải bám vào nghề gốm. Những chum, vại, bình được gánh đi khắp bản gần, bản xa để đem về ngô lúa.
Nhưng rồi con đường từ dưới xuôi nối với Tây Bắc được làm đẹp lên, rộng ra. Những chuyến xe hàng chở vại, chum từ dưới xuôi được tráng men sậm vàng như mật ong ruồi được đem lên khắp bản gần, bản xa. Chum, vại quê tôi thô mộc chỉ một mầu đen nâu giản đơn được tôi luyện và ủ từ khói lá dẻ tươi bây giờ lép vế và dần bị lãng quên, dần thành xa lạ.
Bình, vại làm ra xếp ngổn ngang đầy gầm sàn, chật cả chân cầu thang. Những lò gốm dần tắt lửa. Người làm gốm dần thưa.
Ông tôi vẫn nhóm lên lửa gốm. Nhưng ngọn lửa cứ nhạt dần đi cái háo hức phực phừ. Mỏng dần cái hầm hập, ngột ngạt mà râm ran. Lưỡi lửa ăn vào củi bớt rào rào, háo hức. Ánh lửa sáng rực một góc đêm cũng cứ nhỏ và yếu dần đi. Không biết do củi đốt lò cạn vơi hay do lửa trong mắt ông đã bớt đi sức nóng.
Có hôm tôi đi học về, thấy ông cứ đi đi lại lại trước dãy chum, vại, mặt sạm một nỗi ưu tư như mầu của gốm. Rồi cả buổi chiều ông lang thang ngoài vườn. Khu vườn rộng mênh mông trồng đủ các loại cây ăn quả. Gốc cây nào cũng la liệt ngổn ngang những chum, vại, bát, bình. Những chiếc bình, vại bị nứt, méo hay rò rỉ nước không bán được bị đem bỏ ngoài gốc cây. Đó là những cái không chịu nổi sức nóng của lửa để tự chuyển kiếp cho mình. Chúng nằm đó phơi nắng, phơi mưa ngẫm ngợi phận mình từ năm này qua năm khác. Rêu phong và cũ kỹ, dằn vặt và suy tư.
Bây giờ thì tôi và ông đã đứng trước cánh đồng. Ông vừa đưa mắt nhìn khắp các thửa ruộng vừa bảo: Tìm đất làm gốm cũng vất vả và phải có kinh nghiệm. Để ý thửa ruộng nào mặt nước nổi lên những váng có mầu sắc như cầu vồng thì dùng xẻng đào sâu độ một sải tay. Gặp thớ đất trắng ngà hay màu vàng nhạt thì dùng thanh tre già đã đẽo vát như con dao nhọn, cắm thật sâu. Nếu thanh tre cắm xuống đất ngọt như xấn vào miếng đậu phụ mà không nghe lạo xạo, gờn gợn là đất ấy không lẫn sỏi, cát. Lúc này mới dùng xẻng xấn từng tảng đất cho vào đôi bung gánh về. Đem đất về lại phải cho vào cối đá giã thật kỹ, thật nhuyễn để loại bỏ những viên sỏi hay hạt cát còn lẫn vào. Chỉ cần để lẫn dù một vụn sỏi là khi nung lên bình gốm sẽ bị rò nước.
Ngoài thời gian học bài, tôi thường thơ thẩn xuống sàn xem ông làm gốm. Có hôm, tranh thủ buổi trưa ông lên nhà nghỉ, tôi lén xuống sàn nặn đất làm bình. Lúc ông đi xuống để tiếp tục công việc thì cái chum đầu tay của tôi cũng vừa xong. Nó chỉ to bằng quả bưởi nhưng không ra tròn cũng chẳng ra méo. Tôi còn chưa kịp giấu đi thì ông đã nhìn thấy. Ông đứng ngẩn ra rất lâu. Rồi ông nhào đến ôm lấy tôi. Chưa bao giờ tôi thấy người ông rung lên nhiều như thế.
Mẻ gốm lần đó, dù cái chum tôi nặn vừa nứt, méo lại chẳng ra hình thù gì, nhưng ông không vứt ra vườn như như những cái bình, vại hỏng. Ông nâng niu nó như báu vật rồi đem lên để trước ban thờ ở góc nhà.
Không biết ông nói gì với ông bà tổ tiên. Nhưng đó là lần đầu tiên tôi thấy ông tôi khóc.
Từ hôm đó trong mắt ông luôn có ánh lửa gốm chập chờn…