Mẹ là suối nguồn bao la, vô tận, là linh hồn của đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và hóa thân vào hồn thiêng sông núi Việt Nam.
Nguồn cảm hứng mang dáng hình Mẹ
Lần đầu, Họa sĩ Đinh Gia Thắng hội ngộ với giới họa sĩ Đà Nẵng bằng ba tác phẩm trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật "Nắng tháng 4". Đây là ba trong số bảy tác phẩm mới nhất của anh, gồm tác phẩm hội họa "Mộng chiều xuân" và hai tác phẩm điêu khắc "Cội nguồn hạnh phúc" và "Trong lòng đại dương".
Chia sẻ với tôi về nhóm bảy tác phẩm mỹ thuật vừa hoàn thiện với phong cách hiện đại, phá cách nhưng mang đậm giá trị văn hóa, cội nguồn Việt Nam, anh say sưa kể về những điều mình tâm huyết và gửi gắm vào từng tác phẩm. Ở đó, dáng hình người mẹ, người phụ nữ Việt Nam chừng như đã ăn sâu vào tiềm thức, vào nội lực sáng tạo của anh trên từng phác thảo. Để đến khi các tác phẩm hoàn thiện và được "hé lộ" một phần tại Triển lãm mỹ thuật "Nắng tháng 4", người xem, giới chuyên môn mới ngỡ ngàng vì một Đinh Gia Thắng dạn dày kinh nghiệm, một Đinh Gia Thắng vượt lên những thành công đã có của mình với Tượng đài "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng", tiếp tục khẳng định quá trình miệt mài lao động, sáng tạo nghệ thuật với niềm đam mê tận hiến đến cùng.
Tác phẩm "Mộng chiều xuân" được khởi thảo từ giấc mơ đẹp với hình ảnh ba thiếu nữ trong trang phục truyền thống, bay bổng trong không gian nhiều lớp đồng hiện, với sắc hồng của hoa đào bên sắc vàng của hoa mai, hòa với mầu hoa oải hương bắt đầu nở cuối mùa xuân ở Đà Lạt thể hiện khát vọng về một mùa xuân tươi đẹp, hạnh phúc, bình yên đến với mọi người. Đây là tác phẩm hội họa theo phong cách hiện đại với lối bố cục, nhịp điệu của tranh hoành tráng, có sự pha trộn phong cách hiện thực, siêu thực và ấn tượng.
Nhưng đến với tác phẩm điêu khắc "Cội nguồn hạnh phúc", một lần nữa Họa sĩ Đinh Gia Thắng hiện thực hóa nguồn cảm xúc bất tận từ mẹ. "Cội nguồn hạnh phúc" là tác phẩm điêu khắc hiện đại pha âm hưởng truyền thống, với một góc nhìn riêng, một triết lý riêng về hạnh phúc gia đình. Tác phẩm không chỉ mang ý nghĩa sâu xa với thế hệ hôm nay, mà còn mang ý nghĩa giáo dục đối với những thế hệ kế tiếp trong tương lai, nhắc nhở lớp con, cháu chúng ta luôn ý thức về cội nguồn, qua hình ảnh đàn chim Lạc đưa con thuyền bay tới bến bờ hạnh phúc…
"Trong lòng đại dương" cũng là một tác phẩm điêu khắc theo phong cách hiện đại, nhưng có sự kết hợp vẻ đẹp của cả ngôn ngữ điêu khắc và ngôn ngữ hội họa. Là sự kết hợp của khối và mầu sắc được sử dụng chất liệu vỏ trứng, vàng, bạc thếp và mầu sơn mài. Tác phẩm tạo nên một hiệu ứng lạ, độc đáo, vừa dí dỏm, vừa hài hước nhưng mang tính thời sự. "Tôi muốn tìm hướng đi đột phá mới trong ngôn ngữ điêu khắc, đó là tìm nhiều hình thức biểu đạt khác nhau", Họa sĩ Đinh Gia Thắng chia sẻ.
Thời gian để hoàn thành một tác phẩm mất hơn nửa năm. Và khi ngồi ngắm lại những đứa con tinh thần mình đã thức trắng nhiều đêm để hoàn thiện, anh nói rằng mình là người hạnh phúc. Anh tâm đắc nhất là tác phẩm "Cội nguồn hạnh phúc", vì "Tôi muốn gửi gắm thông điệp khát vọng về một thế giới hòa bình, hạnh phúc, nhân ái. Khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, bình yên và hấp dẫn với bạn bè quốc tế".
Họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng chia sẻ về tác phẩm điêu khắc "Trong lòng đại dương". |
Vượt qua chính mình
Tác phẩm điêu khắc Tượng đài "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng" của Họa sĩ Đinh Gia Thắng đạt giải Vàng mỹ thuật Việt Nam năm 2015 và năm 2022, anh tiếp tục vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật với tác phẩm quần thể Tượng đài "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng". Giải thưởng này là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với Tượng đài "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng" mà Họa sĩ Đinh Gia Thắng dành tâm huyết, trí tuệ và tình cảm gần 10 năm để hoàn thành. Đây là động lực thôi thúc anh tiếp tục sáng tạo, cống hiến.
Anh khẳng định, trước hết phải có cái tâm trong sáng khi thực hiện. Tượng đài đòi hỏi phải chiếm lĩnh không gian. Nếu không làm được điều này thì công trình sẽ thất bại. Cho nên, làm tượng đài phải đòi hỏi kiến thức về mặt kiến trúc, quy hoạch để tính toán được tương quan tỷ lệ giữa chiều cao, chiều rộng với khuôn viên, với cự ly đường dẫn;… Khi làm tượng đài cũng phải dự báo quá trình phát triển đô thị, biến động cảnh quan để tượng đài không bị lạc hậu. Có nghĩa là, phải có tầm nhìn không gian dài hạn.
Với Triển lãm mỹ thuật "Nắng tháng 4", anh muốn đưa những hình ảnh đẹp về sự đổi mới của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè, giới yêu mỹ thuật, điêu khắc trong và ngoài nước. Đây là một dấu ấn khó quên khi anh hội ngộ và tham gia trưng bày các tác phẩm tâm huyết cùng anh chị em họa sĩ, điêu khắc của thành phố Đà Nẵng.
"Tôi muốn gửi gắm đến anh em họa sĩ trẻ là khi mình làm tác phẩm nghệ thuật thì phải hết sức có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. Một tác phẩm có chất lượng cao về nội dung, hình thức đòi hỏi phải có sự đầu tư, trăn trở, suy nghĩ và tìm những lối đi riêng, tìm những ý tứ riêng, thật độc đáo. Một điều chắc chắn rằng, kỹ năng nghề nghiệp phải làm sao đạt được chất lượng nghệ thuật tốt nhất. Và tránh làm việc cẩu thả. Khi bắt tay vào xây dựng hình thành tác phẩm, để mang lại được giá trị đích thực thì mỗi anh em phải làm việc nghiêm túc, hết mình vì tác phẩm của mình thì tác phẩm mới đạt được độ chín. Chúng ta chưa nói về đỉnh cao của tác phẩm nhưng ít nhất phải đạt được độ chín", anh nhắn gửi.
Có được những thành công đó, Họa sĩ Đinh Gia Thắng đã phải trải qua một quá trình lao động sáng tạo nghiêm túc, tốn rất nhiều mồ hôi, nước mắt và luôn phải "vượt qua chính mình". Anh luôn nghĩ và đau đáu về những người đã hy sinh, đổ máu để đất nước có ngày hôm nay. Đối với anh, mỗi công trình tượng đài là một tác phẩm thật sự phải làm bằng hết gan ruột, bằng cả trái tim; dùng hết khả năng trí tuệ, kiến thức của mình để xây dựng một công trình hoàn hảo. Hiện anh đang thực hiện cụm tượng đài "Huyền thoại Trường Sơn", và chuẩn bị chu đáo cho một triển lãm cá nhân vào thời gian gần nhất.
Thước đo của thành công, luôn gắn liền những nỗ lực, hy sinh thầm lặng. Anh cười hiền: "Mình là người hạnh phúc vì được sáng tác và luôn giữ được niềm đam mê sống và sáng tạo. Mình chết đi rồi đâu có mang được cái gì đi theo đâu. Quan trọng nhất là mình để lại được đất nước, cho thế hệ sau những di sản sống mãi với thời gian".