Tiêu chí cốt lõi của xã hội học tập

Xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước ta. Xã hội học tập là một cơ sở tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, tri thức cao phục vụ các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước. Xã hội học tập đòi hỏi sự học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêu chí cốt lõi của xã hội học tập

Người đầu tiên đưa ra khái niệm "Xã hội học tập" vào năm 1972 là Edgar Faure trong tác phẩm "Học để làm người: Thế giới giáo dục ngày nay và ngày mai" (Learning to be: The world of education today and tomorrow). Về xã hội học tập, Ủy ban quốc tế về giáo dục thế kỷ 21 đã gửi UNESCO bản báo cáo nổi tiếng "Học tập: Một kho báu tiềm ẩn" (Learning, the treasure within), trong đó, khẳng định, xã hội học tập sẽ vượt xa sự phân biệt truyền thống giữa giáo dục ban đầu với giáo dục liên tục, rằng nền giáo dục tiếp tục suốt đời phải được ủng hộ rộng rãi với những ưu thế về tinh thần mềm dẻo, đa dạng và khả thi trong thời gian và không gian khác nhau. Giáo dục cần hướng tới cộng đồng và toàn bộ cuộc đời từng con người.

Xã hội học tập là một mô hình giáo dục mở, trong đó mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ học tập suốt đời. Xã hội học tập tạo mọi cơ hội và điều kiện để tất cả công dân được bình đẳng và công bằng xã hội trong học tập. Xã hội học tập được các quốc gia trên thế giới nhận thức là một triết lý, coi học tập là chìa khóa mở ra sự phát triển bền vững của quốc gia. Việc học tập của mọi công dân không chỉ trong khuôn khổ giáo dục chính quy, mà còn dưới hình thức giáo dục không chính quy và giáo dục phi chính quy.

Trong xã hội học tập, có hai hệ thống những thiết chế giáo dục với những chức năng khác nhau: Hệ thống giáo dục ban đầu và hệ thống giáo dục tiếp tục. Hệ thống giáo dục ban đầu gồm những trường, lớp giáo dục chính quy dành cho thế hệ trẻ, từ nhà trẻ đến đại học. Hệ thống giáo dục tiếp tục gồm những thiết chế giáo dục không chính quy như trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, các lớp bổ túc văn hóa, các lớp dạy nghề tư nhân... Bên cạnh những thiết chế giáo dục không chính quy có hệ thống giáo dục phi chính quy, gồm những thiết chế như nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, một số cơ sở đào tạo như lớp học vẽ, học âm nhạc, học viết thư pháp, luyện ngoại ngữ, v.v.

Hệ thống giáo dục không chính quy chủ yếu dành cho người lớn, gồm những người đã qua vùng đào tạo ban đầu hoặc không học đầy đủ các khóa học của giáo dục ban đầu.

Hệ thống các cơ sở giáo dục phi chính quy phục vụ nhu cầu "cần gì học nấy" của các lứa tuổi.

Các quốc gia có chương trình xây dựng xã hội học tập đều thống nhất tổ chức học tập suốt đời theo bốn trụ cột giáo dục do UNESCO đề xuất: Học để biết: Học để làm giàu tri thức, có kỹ năng lao động, kỹ năng sống và các kỹ năng xây dựng các quan hệ xã hội. Học để làm: Học để có nghề, có việc làm ổn định, có năng lực khởi nghiệp, tự tạo việc làm. Học để thích ứng với những thay đổi trong hệ thống nghề nghiệp với sự đổi mới công nghệ sản xuất liên tục. Học để chung sống: Có kỹ năng giao tiếp, hiểu biết văn hóa nước nhà và văn hóa nước ngoài, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, sống gắn kết hòa thuận với mọi người chung quanh.

Một nội dung lớn trong xây dựng xã hội học tập là hình thành và phát triển tài nguyên giáo dục mở (kho học liệu lớn). Tài nguyên giáo dục mở sẽ đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con người, phổ cập dịch vụ giáo dục và cá nhân hóa việc học tập của bất cứ ai có nhu cầu học tập. Tài nguyên giáo dục mở là nền tảng của giáo dục mở. Thiếu tài nguyên giáo dục mở thì không thể đại chúng hóa học vấn đại học cho đông đảo quần chúng.

Đối tượng chính sách của giáo dục tiếp tục (mà trong nhiều văn bản gọi là giáo dục thường xuyên) là người lớn, bao gồm những người làm cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân, người về hưu, người già cả, người khuyết tật, người thất nghiệp, người phạm pháp... Ai cũng phải học suốt đời để trở thành công dân học tập.

Trong giai đoạn 2021-2030, sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở nước ta đã được định hướng trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, công dân học tập phải là người có đầy đủ ba năng lực cốt lõi, gồm: năng lực tự học, có kỹ năng truy cập tri thức trên các mạng xã hội, thực hiện việc học tập suốt đời; năng lực sử dụng công cụ học tập và học tập, có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu công việc và đời sống, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ để làm tốt công việc ở vị trí đảm nhận; năng lực xây dựng và thực hiện tốt các mối quan hệ xã hội, bao gồm kỹ năng xây dựng mối quan hệ thân thiện với mọi người, hợp tác giúp đỡ, chia sẻ với đồng nghiệp, tôn trọng giới, tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Cùng đó, gia đình học tập là gia đình thực hiện tốt những tiêu chí: Con em trong gia đình học tập tốt, có hạnh kiểm tốt; người lớn trong gia đình đều trở thành công dân học tập; gia đình tạo điều kiện để mọi thành viên học tập thường xuyên; xây dựng văn hóa học tập.

Dòng họ học tập là các chi tộc thúc đẩy có hiệu quả các gia đình thành viên trở thành gia đình học tập, có quỹ khuyến học, có sự động viên kịp thời đối với các cá nhân và gia đình trong dòng họ có thành tích học tập tốt.

Cộng đồng học tập là những thôn, bản, tổ dân phố thúc đẩy có hiệu quả việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập trên địa bàn hành chính cấp xã, có quỹ khuyến học, có chi hội khuyến học.

Đơn vị học tập là các tổ chức trên địa bàn cấp xã do cấp xã quản lý. Người đứng đầu đơn vị phải bảo đảm việc học tập suốt đời của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, thúc đẩy họ phấn đấu trở thành công dân học tập, tổ chức trở thành đơn vị lao động tiên tiến.