Chúc mừng Bùi Tuấn Dũng, ĐD của phim truyện nhựa Những người viết huyền thoại (NNVHT) giành Bông sen Vàng và bốn giải cá nhân, giải Khán giả bình chọn tại LHPVN 18 - một chiến thắng ý nghĩa của dòng phim nghệ thuật Nhà nước thời điểm này!
Cảm ơn về nhận định này. Đây là phim điện ảnh thứ tư của tôi, là một trong bốn phim Nhà nước dự thi trên tổng số 23 phim.
Chiến tranh vẫn được coi là câu chuyện quá khứ. Các bậc lớn tuổi thường có nếp nghĩ: lớp trẻ sinh ra thời bình không hiểu, không làm được tác phẩm về thời chiến. Còn anh, ngay từ phim nhựa đầu tay Đường thư (2005) đã là phim chiến tranh.
Tôi lớn lên thì chiến tranh đã lùi xa, là con út trong một gia đình sĩ quan quân đội gốc Thái Bình, bố, mẹ và các anh chị tôi đều trong quân ngũ. Tôi bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về chiến tranh. Tôi làm phim chiến tranh vì tôi hiểu về nó. Một bộ phim chiến tranh, nếu cố gắng làm đúng, nó mới chỉ là thứ tài liệu giáo khoa. Giá trị của bộ phim là chỉ số cảm xúc mà người xem phản hồi từ chính hiệu quả mà tác phẩm điện ảnh mang đến thường nằm sâu dưới hình thức thể hiện. Người lính có thể cố vấn cho ta sự đúng sai của hành vi diễn viên nhưng không cố vấn cho ta linh hồn nhân vật. Làm phim về con người khác với việc làm con người. Phim là sản phẩm văn hóa mà nhiều thuộc tính giá trị phản hồi bằng cảm xúc người xem.
Mỗi thời kỳ, các thế hệ đạo diễn đều định vị mình trong nền điện ảnh Việt Nam bằng trách nhiệm với thời đại của họ. Ở dân tộc có truyền thống văn chương nghệ thuật, điện ảnh là bộ môn tổng hợp mà trong nó kế thừa giá trị của nghệ thuật có trước. Cách làm phim, mục đích làm phim của thế hệ tôi cũng khác những thế hệ đi trước.
Phim bối cảnh về thời chiến rất tốn kém. Ngân sách Nhà nước tài trợ, đặt hàng bị cắt giảm nghiêm trọng. Các ĐD có nghề vẫn đầu hàng ý tưởng nghệ thuật, bối cảnh hoành tráng trước kinh phí hạn chế. Anh giải quyết được việc khó này, nên hay làm phim chiến tranh?
Trước khi làm phim của mình, tôi đã làm với nhiều vai trò khác nhau trong một số phim nên cũng có kinh nghiệm. Những mối quan hệ cá nhân của tôi với những đơn vị giúp tôi không mất nhiều thời gian loay hoay với các giải pháp. Phim chiến tranh nào cũng cần sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng về người, vũ khí, khí tài. NNVHT được Nhà nước cấp 8,6 tỷ đồng, tôi cố gắng xin thêm 2,5 tỷ đồng tài trợ bên ngoài. Sản xuất phim cần tiền ở mọi khâu, không đủ tiền mặt, thì phải trả bằng thứ khác: chất xám của đoàn phim. Ngay cả Mỹ cũng có dự án phim ít kinh phí hơn Việt Nam; kinh phí quyết định quy mô, độ hoành tráng. Ở Việt Nam, kinh phí phim không cần quá lớn, nếu thiếu thì hãy vắt chất xám ra.
Chất xám cũng là một loại đầu tư.
Không gian hiện đại rất khó cho việc không gian tạo dựng, tái hiện bối cảnh cách đây vài chục năm. Anh xử lý thế nào khi Việt Nam chưa có trường quay đạt chuẩn?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tại trường quay. |
NNVHT là câu chuyện diễn ra năm 1969 dọc theo dải Trường Sơn.
Chúng tôi dựng cảnh ở ba tỉnh. Bối cảnh binh trạm tại Đá Chông (Sơn Tây) đập (ngầm) ở Nước Sốt, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), thung lũng bị pháo kích ở Tiền Hải (con trai tôi 3,5 tuổi tham gia bối cảnh này). Tại Thái Bình, hiện còn duy trì đại đội nữ cao xạ duy nhất từ thời chống Mỹ. Phim của tôi đã quay bốn khẩu đội pháo (hai khẩu đội 37mm, hai khẩu đội 13,7mm) tại đây. Dựng phim, làm kỹ xảo tại Việt Nam. Phần âm thanh, hòa âm, tôi cùng nhà quay phim Lý Thái Dũng, chuyên gia âm thanh Bành Bắc Hải và chủ nhiệm phim sang Bangkok (Thái-lan) thực hiện một tuần. Cảnh quay hoành tráng nhất, huy động vài chục xe bọc thép, xe vận tải quân sự, jeep, và cũng chỉ quay thật một máy bay.
Thế hệ của anh được sự trợ giúp của khoa học công nghệ hiện đại, nên cách làm phim nhàn hơn thế hệ cha chú. Anh có thể lột tả ĐD Bùi Tuấn Dũng trên hiện trường?
Tôi không hay nói to. Tôi chả gào thét, quát tháo hay cáu kỉnh trên phim trường. Giai đoạn tiền kỳ, hội tụ nhiều tổ, nhiều thành phần, lịch quay và các yêu cầu sản xuất phải được lên một cách chính xác để các tổ phối hợp chuẩn mang tính khoa học, kỷ luật. Mọi vấn đề tranh luận, trao đổi đề xuất phải được bàn, đưa ra trước khi quay. Thời gian cho mỗi cảnh quay liên quan đến tiết tấu, nhịp độ phim. Không có chuyện ra hiện trường nảy ra ý tưởng, kiểu “sáng tác đầu bờ”. Ở trường quay, chỉ có một tư lệnh. Khẩu lệnh của ĐD là mệnh lệnh, tôi thường đưa ra chính xác và các bộ phận vận hành theo và rất ít khi phải điều chỉnh.
Có ai đó không nghe theo hoặc ngược lại - yêu cầu đạo diễn làm theo ý họ, cho rằng ý tưởng của họ hay, đúng?
Thì anh - cô ta sẽ phải ra khỏi đoàn. Làm phim là sản xuất công nghiệp, không phải vẽ tranh, làm thơ ở hiện trường.
Người ta vẫn nói đến chức năng giáo dục, khả năng phản ánh, giải quyết, tiên cảm những vấn đề xã hội qua tác phẩm. Phim của anh có gánh tải được các “nhiệm vụ” trên?
Phim với tôi là sản phẩm văn hóa nhân văn về con người. Vấn đề xã hội không thể giải quyết ở bề nổi của vấn đề phim giống như báo chí; tính dự đoán có, song không trực diện.
Thời gian trong phim thường được coi là căn cứ đánh giá độ giãn cách so với thực tại. NNVHT là câu chuyện cách đây 44 năm, xã hội, đất nước hiện nay có bao vấn đề, lo lắng, anh lại hào hứng làm phim về quá khứ. Có phải là vì hiện tại phức tạp, nên anh “trốn khó”?
Tôi đã có hai phim về đề tài hiện đại: Hà Nội, Hà Nội(2006), Vũ điệu tử thần (kiêm biên kịch 2007) đấy chứ...
Tác phẩm xưa cũ hay đề tài chiến tranh đều có tính thời đại, nếu nhà làm phim chủ ý nói vấn đề hôm nay.
Tác phẩm không có tính đương đại, sẽ không được quan tâm - tức là thất bại. Truyện phim của tôi mang chứa vấn đề hôm nay. Phim là tác phẩm có chuỗi ký hiệu nghệ thuật, tập hợp bằng rung động tâm hồn người làm phim truyền tới khán giả, không “giáo dục” trực tiếp mà khơi gợi, cho người xem xúc cảm họ cần, trách nhiệm công dân. NNVHT có những cái chết mang tính anh hùng ca.
Điều ấy cần khi Biển Đông, biên giới lãnh hải bị nhòm ngó, hay chuyện về xăng dầu rất “nóng”. Rồi tâm thế nhân vật trong phim, từ đứa trẻ tới ông tướng. Vấn đề xã hội hôm nay và thái độ mỗi người với đất nước thôi thúc tôi thể hiện tình yêu Tổ quốc. Tình yêu ấy không đơn giản là lời nói, nó là số phận nhân vật qua diễn xuất của DV, hình ảnh, góc máy, âm nhạc, tiết tấu dựng.
Bạn đã xem lễ hạ cờ ở Quảng trường Ba Đình? Hãy ra đó, 21 giờ mỗi ngày, bất kể thời tiết nào, những người lính Bộ Tư lệnh Lăng trong bộ lễ phục đi đều trong quân nhạc và tiếng bước chân rầm rập. Thấy cảnh ấy, ai cũng dấy lên một cảm xúc rất khác. Nhìn cảnh ấy, lòng tôi trào lên nỗi xúc động thiêng liêng (đặt tay lên ngực trái).
Anh muốn người xem suy tư về trách nhiệm với đất nước sau khi xem NNVHT.
Đánh giá về phim, nhà phê bình hay nói đến việc lấy được nước mắt, tiếng cười của khán giả, tôi không nhằm điều đó với NNVHT. Khóc, cười, buồn; còn sự xúc động lớn lao hơn, thì cả năm chỉ 1, 2 lần. Sau suất chiếu tại Cục Điện ảnh tháng 9, buổi chiếu chiêu đãi sáng 1-10 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia; và tối 18, 19-11 tại rạp Lotte, quận 7, TP Hồ Chí Minh, dành cho giới điện ảnh, các nhà báo, đã gây xúc động cao.
Tôi muốn phim mình chạm vào tim người xem. NNVHT là phim bi tráng, song tôi không muốn khán giả khóc, chỉ cần nước mắt dâng lên. Tinh thần Việt cần mạnh mẽ hơn bao giờ hết, người Việt Nam lúc này không nên trào nước mắt!
Làm phim về con người khác với việc làm con người. Phim là sản phẩm văn hóa mà nhiều thuộc tính giá trị phản hồi bằng cảm xúc người xem. |