Những con số nói lên điều gì?
Theo Điều tra Lao động, Việc làm năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào với khoảng 50,5 triệu người và hầu hết lực lượng lao động được toàn dụng (97,02% lực lượng lao động có việc làm), đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam luôn ở mức thấp (dưới 3%/năm) và cũng chỉ tăng nhẹ ngay cả trong thời kỳ bị tác động của đại dịch Covid-19.
Điều đáng nói, chất lượng việc làm của lực lượng lao động còn thấp - phần lớn là lao động có việc làm phi chính thức (bao gồm cả trong khu vực nông nghiệp) với khoảng 33,56 triệu người, chiếm 68,5% tổng số lao động có việc làm. Đây là những người lao động nhiều khả năng sẽ bị tổn thương trong bối cảnh chuyển đổi số của nền kinh tế, do thiếu các cơ chế bảo đảm của pháp luật lao động và an sinh xã hội (không có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội,…) và phần lớn những lao động phi chính thức này thường nằm ngoài độ bao phủ của các chính sách như hỗ trợ đào tạo, tín dụng ưu đãi, bảo hiểm thất nghiệp, v.v.
Tuy chất lượng lao động Việt Nam đang dần được cải thiện, song cũng còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ tăng từ 15,58% năm 2011 lên 26,1% năm 2021. Như vậy, vẫn còn khoảng 74% tổng lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ. Tỷ lệ này có sự chênh lệch lớn giữa lao động phi chính thức và lao động chính thức (87,15% so với 42%). Trong thực tế, thị trường lao động đang thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc trung và bậc cao (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2019). Những bất hợp lý này đã và đang cản trở tiềm năng đóng góp của lao động vào tăng năng suất, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Đồng thời, phần lớn lực lượng lao động đang thiếu hụt về các kỹ năng làm việc cốt lõi mà điển hình là kỹ năng số. Theo báo cáo "Thực trạng và nhu cầu kỹ năng của lao động trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam giai đoạn 2021-2023" (ILSSA & MPG, năm 2021), khảo sát 200 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy, mức độ đáp ứng các kỹ năng số của người lao động trong các doanh nghiệp FDI chủ yếu mới ở mức trung bình và thấp.
Đặc biệt, ở cấp độ cao hơn trong một số lĩnh vực đặc thù của ứng dụng công nghệ 4.0, mức độ đáp ứng về yêu cầu kỹ năng số của người lao động còn rất hạn chế. Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp của Viện Khoa học Lao động và Xã hội năm 2021 (ILSSA), hầu hết người sử dụng lao động cho rằng người lao động mới đáp ứng ở mức trung bình và thấp/rất thấp trong các lĩnh vực phân tích dữ liệu (83,25%); bảo mật dữ liệu/ bảo mật truyền thông (86%); lĩnh vực ứng dụng các hệ thống hỗ trợ (83,3%); ứng dụng phần mềm cộng tác (84,5%); ứng dụng các kỹ năng phi kỹ thuật như tư duy hệ thống và hiểu quy trình (74,1%). Điều này cho thấy còn tồn tại một khoảng cách lớn giữa năng lực số của người lao động so với kỳ vọng của người sử dụng lao động.
Thiếu hụt những "tổng công trình sư"
Rào cản cho chuyển đổi số ở Việt Nam được nhìn nhận trong "Tương lai nền kinh tế số Việt Nam - Hướng tới năm 2030 và 2045" (Cameron, năm 2019), chính là nguồn nhân lực ở cả ba cấp độ, bao gồm cấp độ đại trà của xã hội là người tiêu dùng cho việc tiếp nhận các ứng dụng số, nhóm nhân lực làm công nghệ thông tin cho việc sản xuất số, và nhóm tinh hoa để dẫn dắt quá trình số hóa. Do đó, Việt Nam đang tụt hậu xa so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực về các kỹ năng số hiện có.
Còn "Chuyển đổi số tại Việt Nam: Không kỹ năng, không thành công" (Morisset, 2021), nêu ra giả định: Nếu Việt Nam tụt hậu do không đáp ứng được yêu cầu về số lượng lao động có tay nghề cao trong quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, nền kinh tế có thể mất tới 2 triệu việc làm vào năm 2045. Theo đó, chuyển đổi số có khả năng dẫn đến việc công nghệ thay thế con người, làm giảm lợi ích chung của nền kinh tế và tạo ra sự bất bình đẳng lớn, từ đó có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2030, chuyển đổi số được xem là lựa chọn duy nhất, là nhiệm vụ bao trùm cho bứt phá phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chiến lược phát triển nhân lực quốc gia nói chung và của từng địa phương nói riêng trong 10 năm tới phải chú trọng giải quyết vấn đề nguồn nhân lực chủ động thích ứng để tiếp cận với thành tựu của khoa học công nghệ mới và hóa giải thách thức của nó.
Trong đó, cần chú trọng phát triển và hoàn thiện khung năng lực số, cũng như có chiến lược để tăng cường năng lực này cho người dân nói chung và lực lượng lao động nói riêng. Đặc biệt chú trọng có cơ chế, chính sách đào tạo đặc thù cho nhóm lao động phi chính thức để họ có thể được trang bị kiến thức và kỹ năng lao động phù hợp, bao gồm cả kỹ năng số nhằm mục tiêu hỗ trợ họ chuyển đổi việc làm sang khu vực chính thức của nền kinh tế và thích ứng với sự chuyển đổi và ứng dụng công nghệ mới trong thời gian tới.
Quan trọng hơn nữa, cần đổi mới và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp để trang bị năng lực số bền vững cho người học, nhanh chóng tạo ra đội ngũ nhân lực đủ trình độ và chất lượng cao có khả năng thích ứng với chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề cấp thiết và sống còn trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, phải có chính sách phát triển thị trường lao động chất lượng cao linh hoạt, đồng bộ, cũng như cơ chế, chính sách đột phá để phát huy và sử dụng hiệu quả nhân lực này, nhất là nhân tài, thu hút được nhiều chuyên gia có trình độ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học và quản trị quốc gia.
Chuyển đổi số mở ra các mô hình mới, có tính ứng dụng, cơ động, và tiện ích. Theo Tổng cục Thống kê, ngay cả trong thời điểm đại dịch Covid-19, kinh doanh online vẫn đạt tăng trưởng lên đến 30% mỗi năm, giai đoạn từ 2016-2020.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một số ngành nghề mới lần đầu xuất hiện như: các nhà phân tích dữ liệu điện tử và quản lý khí thải carbon, kỹ sư phần cứng thông minh, nhân viên vận hành và bảo trì hệ thống thị giác công nghiệp,...