Một cuộc bầu cử chỉ có thể mang lại quyền năng phát biểu tại diễn đàn quan trọng bậc nhất của quốc gia cho các vị đại biểu, nhưng không thể mang lại cho họ kỹ năng phát biểu. Chính vì vậy, nhanh chóng phát triển và rèn giũa kỹ năng phát biểu tại nghị trường là rất quan trọng đối với các ĐBQH, nhất là ĐBQH mới được bầu lần đầu. Đây cũng cần được coi là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình bồi dưỡng đại biểu mà Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử của Ban Công tác đại biểu cần nhanh chóng triển khai.
Quyền phát biểu tại nghị trường đi liền với trách nhiệm phải phát biểu có trình độ, có phẩm cấp. Chế độ trách nhiệm này do cử tri và xã hội áp đặt và, có lẽ, khá khắt khe, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội. Khen, chê, bất tín nhiệm là công cụ chủ yếu ở đây. Mà như vậy, thì đây chính là chế độ trách nhiệm chính trị.
Vấn đề đặt ra là ngoài trách nhiệm chính trị, các vị đại biểu còn phải chịu trách nhiệm gì nữa không? Từ kinh nghiệm thực tế, thì câu trả lời là không, nhưng về mặt lý thuyết, thì câu trả lời là có. Lý do là vì các ĐBQH nước ta không có đặc quyền. Đặc quyền là thuật ngữ chuyên môn dùng để chỉ quyền của các nghị sĩ (các ĐBQH) không phải chịu trách nhiệm về dân sự và hình sự về phát biểu (và biểu quyết) của mình tại nghị trường. Nghị sĩ của hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có đặc quyền này, thế nhưng, ĐBQH nước ta lại không có.
Thật ra, Điều 40, Hiến pháp năm 1946 của nước ta từng ghi nhận đặc quyền này của các vị đại biểu “Nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện”. Như vậy, việc truy tố để áp đặt trách nhiệm dân sự và hình sự là không thể được tiến hành để chống lại các đại biểu vì phát biểu (và biểu quyết) của họ. Tuy nhiên, trong tất cả các bản Hiến pháp sau này, kể cả Hiến pháp năm 2013, đặc quyền này đã không còn được ghi nhận. Như vậy, về mặt lý thuyết, các ĐBQH không được miễn trừ khỏi trách nhiệm về dân sự và hình sự về phát biểu của mình tại nghị trường. Có lẽ, đặc quyền này của các vị đại biểu không thật cần thiết trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, mọi việc sẽ trở nên phức tạp hơn. Trên thực tế, đã có một ĐBQH bị một công ty kiện về trách nhiệm dân sự. Vì phát biểu của đại biểu này, mà công ty đã mất một hợp đồng rất lớn. Vụ việc đã được xử lý ổn thỏa thông qua thương lượng, nhưng rủi ro các ĐBQH bị kiện vì phát biểu của mình thì vẫn còn đó.
Như vậy, cho đến khi Hiến pháp và pháp luật nước ta ghi nhận đặc quyền của đại biểu, các ĐBQH cần phải rất thận trọng khi phát biểu ở nghị trường, như vậy không chỉ để bảo vệ uy tín của mình, mà còn để tránh rủi ro bị khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Cuối cùng, Luật Tổ chức Quốc hội của nước ta ghi nhận chín quyền của các ĐBQH là quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh; quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu; quyền chất vấn; quyền kiến nghị; quyền yêu cầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân; quyền miễn trừ.
Như vậy, quyền phát biểu (và cả quyền biểu quyết) tại nghị trường của các ĐBQH đã không được ghi nhận. Có thể, các nhà lập pháp nước ta quan niệm, quyền phát biểu và quyền biểu quyết là những quyền đương nhiên nên không cần phải quy định. Quả thật, nếu “Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số” (Điều 3, Luật Tổ chức Quốc hội), thì về mặt logic, các thành viên của Quốc hội buộc lòng phải có quyền phát biểu và biểu quyết. Tuy nhiên, logic vẫn chỉ là một phương pháp suy luận, không phải là một quy định của pháp luật. Ghi nhận quyền phát biểu và quyền biểu quyết của các vị đại biểu trong Luật Tổ chức Quốc hội vì vậy vẫn rất cần thiết.