Ngừng chấp nhận những điều không thể chấp nhận
“Những người phá vỡ sự im lặng” trong bức ảnh vinh danh trên bìa tạp chí TIME gồm nữ diễn viên Ashley Judd, ca sĩ Taylor Swift, cựu kỹ sư của hãng Uber Susan Fowler, nhà vận động hành lang Mỹ Adama Iwu, Isabel Pascual - một người hái dâu Mexico và cánh tay của một người phụ nữ giấu mặt. Sáu nhân vật, từ những ngôi sao Hollywood cho đến người dân thường, đã đại diện cho hàng trăm câu chuyện của những người phụ nữ cũng như nam giới dũng cảm từ 85 quốc gia đã hưởng ứng phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy).
“Ý tưởng về những cá nhân có ảnh hưởng và truyền cảm hứng giúp định hình lại thế giới không thể nào có ý nghĩa hơn trong năm nay. Dám lên tiếng để mở ra những bí mật, để đưa những lời thì thầm trở thành mạng lưới trên mạng xã hội, để thúc đẩy tất cả chúng ta phải ngừng chấp nhận những điều không thể chấp nhận được, đó là lý do vì sao “Những người phá vỡ sự im lặng” là Nhân vật của năm 2017”, Tổng biên tập của TIME - Edward Felsenthal ca ngợi.
Trong bài viết dài 8.000 từ công bố danh hiệu “Nhân vật của năm”, tạp chí TIME đã kể lại những câu chuyện về nạn quấy rối, lạm dụng tình dục mà bản thân mỗi nhân vật đã phải trải qua. Ashley Judd là một trong những người đầu tiên trong làng giải trí dũng cảm lên tiếng tố cáo nhà sản xuất phim hàng đầu thế giới Harvey Weinstein trong vụ bê bối tình dục gây chấn động Hollywood tháng 10 vừa qua. Nữ ca sĩ Taylor Swift đâm đơn kiện nam nghệ sĩ đã “sàm sỡ” cô ngay trước ống kính máy ảnh. Susan Fowler dũng cảm công bố thư ngỏ về tình trạng phân biệt giới tính tại công ty Uber, trong khi đó Isabel Pascual - biệt hiệu của một nông dân 42 tuổi làm nghề hái dâu tây ở Mexico bị quấy rối ở quê nhà, công khai câu chuyện cô trở thành nạn nhân của nạn tiến công tình dục như thế nào.
Thông điệp thật rõ ràng: Nạn quấy rối tình dục không chỉ là vấn đề của riêng ai. Câu chuyện nữ nông dân người Mexico bị hãm hiếp không hề kém giá trị hơn nữ ca sĩ hàng đầu nước Mỹ Taylor Swift bị quấy rối. Tất cả những người phụ nữ đều xứng đáng được bảo vệ.
Sự phẫn nộ tập thể
Đây không phải là lần đầu TIME chọn nhân vật của năm là một nhóm người. Họ lý giải: Việc một nhóm người được chọn có ý nghĩa như một biểu tượng thật sự. Điển hình, năm 2014, TIME đã vinh danh những “chiến binh” chống lại dịch bệnh Ebola. Năm nay, để đối mặt với một vấn đề vốn đã trở thành “ung nhọt” trong xã hội từ bấy lâu nhưng lại vô cùng nhạy cảm mỗi khi được nhắc đến, những người phụ nữ đã chọn cách đồng tâm hiệp lực lên tiếng vạch mặt những tên “yêu râu xanh”. Một hồi chuông cảnh tỉnh, rằng những kẻ đồi bại dù có quyền lực đến mấy cũng không thể tự tạo ra “vùng cấm” cho mình.
Khi nhiều nhân vật cộm cán của thế giới bị vạch trần, phong trào #MeToo được khởi xướng ở Hollywood đã lan khắp thế giới với lời tuyên chiến đanh thép của giới nữ: “Chúng tôi sẽ không im lặng nữa!”. Cùng với dòng hashtag được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội, phong trào này được đánh giá là một sự thức tỉnh văn hóa của năm 2017, bằng cách tạo sức mạnh tập thể cho những người, chủ yếu là nữ giới, đã từng và đang là nạn nhân của nạn xâm hại tình dục.
“Có vẻ đó là sự thức tỉnh đột ngột xuất hiện sau một đêm. Nhưng thực ra, nó đã âm ỉ trong nhiều năm, nhiều thập niên, nhiều thế kỷ” - tạp chí TIME đánh giá. “Những người phá vỡ im lặng đã mở ra một cuộc cách mạng về sự từ chối, tích tụ sức mạnh qua từng ngày và chỉ trong vòng hai tháng, cơn thịnh nộ tập thể của họ đang mang lại kết quả tức thời và ấn tượng: Gần như ngày nào cũng có những vị giám đốc điều hành (CEO) bị sa thải, những ông trùm bị lật đổ, những biểu tượng bị hạ bệ. Trong một số trường hợp, các cáo buộc hình sự đã được đưa ra”.
#MeToo không chỉ đơn thuần là lời kêu gọi ủng hộ từ một người đang khích lệ bạn bè của mình, mà còn là cầu nối gắn kết tất cả các nạn nhân trên khắp thế giới. Dòng hashtag đã trở thành một phong trào, và mang đến hiệu ứng vô cùng rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội, giúp mọi người chia sẻ câu chuyện của họ và thể hiện tình đoàn kết giữa những người đã vượt qua ký ức kinh hoàng đó. Thậm chí, một vài nạn nhân là nam giới cũng đã lên tiếng.
Nếu Mỹ có phong trào #MeToo thì ở các nước khác là những hashtag mang ý nghĩa tương tự với những khẩu hiệu phù hợp với văn hóa từng khu vực. Những hashtag mang thứ ngôn ngữ khác nhau, nhưng đều thể hiện một đòi hỏi mạnh mẽ: Hãy chấm dứt lạm dụng và thay đổi văn hóa sản sinh ra nó, không chỉ riêng trong ngành giải trí mà ở toàn xã hội.
Tảng băng chìm
Thế nhưng, phong trào đấu tranh cho những nạn nhân từng bị xâm hại tình dục không phải không có những “vùng tối”. Trang bìa tạp chí TIME còn có sự xuất hiện của người phụ nữ thứ sáu, tuy vậy cô này lại chọn giấu danh tính của mình. Theo TIME, người này là một nữ lao công làm việc ở một bệnh viện thuộc tiểu bang Texas, Mỹ, và cũng từng bị xâm hại.
Thay vì công khai lên tiếng, người phụ nữ này chỉ xuất hiện cánh tay ở góc phải bìa báo bởi cô cho rằng bản thân “đang sống trong một cộng đồng rất nhỏ, họ thường nghĩ rằng chúng tôi đang nói dối và than phiền”.
Thẳng thắn mà nói, dù đã được cải thiện rõ rệt so với hàng chục năm về trước, song môi trường làm việc vẫn còn là một nơi quá khắc nghiệt với nữ giới. Không chỉ đến khi một nhân vật quyền lực và cấp tiến như Harvey Weinstein bị vạch mặt, người ta mới nhận ra rằng phân biệt giới tính ở nhiều lĩnh vực đã là vấn đề nhức nhối một thời gian quá lâu.
Nữ lao công bệnh viện ở Texas không phải là trường hợp cá biệt chỉ biết im lặng trong một thời gian dài. Nạn bất bình đẳng giới trong công sở đã đặt những người phụ nữ vào tình thế rất tồi tệ: lựa chọn giữa lên tiếng và đánh mất sự nghiệp của mình, hay im lặng để thỏa hiệp với sự ghê tởm.
Những gì chúng ta biết qua truyền thông sau đó về các vụ lạm dụng gần như là một sự đã rồi, hoặc cũng là thời điểm “quyền lực” của kẻ lạm dụng không còn đủ lớn để chi phối tất cả. Những người từng là nạn nhân hoặc nhân chứng đang lên tiếng, đang được lắng nghe đều là nhân vật có tên tuổi, có tầm ảnh hưởng. Vậy, những nạn nhân chưa từng được biết đến, và không có khả năng để cất tiếng nói thì sao?