BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Ông Bảo thơm thảo với quê hương

Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, vẫn có những người sẵn sàng hiến “tấc vàng” vì lợi ích chung của cộng đồng. Một trong những người đó là ông Nguyễn Đình Bảo, 75 tuổi, ở thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, ông đã hiến 144m2 đất thổ cư để làm vườn cây trong đền Thượng - ngôi đền linh thiêng của làng. Gần 30 năm nay, ông chuyên sửa xe đạp miễn phí cho học sinh trong xã.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Bảo (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo thôn và các thủ từ trước đền Thượng.
Ông Bảo (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo thôn và các thủ từ trước đền Thượng.

Tinh thần người lính Cụ Hồ

Về thôn Đặng Giang, tôi được trưởng thôn Nguyễn Bá Xuân dẫn đi dạo đường làng ngõ xóm, ngắm diện mạo nông thôn mới khang trang, hiện đại. Ông trưởng thôn tươi cười, khoe: “Có được thành quả như hôm nay là nhờ sự đồng lòng của toàn thể người dân và tiêu biểu là các cá nhân hiến đất mở đường, trong đó có bác Nguyễn Đình Bảo”.

Dẫn tôi đến nhà ông Bảo, ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là sự thân thiện, cởi mở và toát lên khí chất của một người lính. Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1970-1975 tại Quân khu 5 và đã có hơn 40 năm tuổi Đảng. Những ngày tháng vào sinh ra tử đã tôi luyện bản lĩnh, tính hy sinh trong những người lính như ông Bảo. Nhớ về thời quân ngũ, ông bồi hồi: “Lúc đó, tôi đang làm việc tại một nhà máy xe đạp nhưng rất hăng hái được vào miền nam chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, người nằm lại nơi chiến trường hoang lạnh, người tàn phế. Tôi được trở về quê hương lành lặn đã là may mắn hơn rất nhiều đồng đội rồi. Thời chiến, tính mạng còn không tiếc thì đến thời bình, chúng tôi - những người lính Cụ Hồ sẵn sàng đóng góp mọi thứ vật chất, vì lợi ích chung của tập thể”. Trên bức tường nhà treo những phần thưởng mà Đảng và Nhà nước trao tặng người chiến sĩ dũng cảm Nguyễn Đình Bảo. Đó là Huy hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất… và nhiều giấy khen các loại.

Tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” của ông Bảo không chỉ thể hiện bằng việc hiến đất mà ngay trong sinh hoạt hằng ngày, hàng xóm láng giềng luôn cảm nhận được sự đoàn kết, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn của ông. Trong cuộc trò chuyện vui vẻ, ông Xuân thủng thẳng nói: “Tính ông Bảo cởi mở, ai cũng quý. Ông dễ tính, hay giúp người, chẳng bao giờ so bì thiệt hơn, ấy là cái tình người rất đáng quý mà không phải ai cũng có được”. Khi tôi ngỏ ý muốn viết bài, ông Bảo vội xua đi, cười: “Việc hiến đất, tôi nghĩ ai vào hoàn cảnh của mình cũng đều làm thế. Cho nên đưa lên báo là chưa cần thiết, với lại tôi cũng ngại”. Phải động viên mãi, cuối cùng thì ông mới đồng ý chia sẻ…

“Đã là hiến thì đâu mong nhận lại điều gì”

Chuyện là, các cụ ngày xưa để lại cho ông Bảo mảnh đất ngay sát đền Thượng. Qua năm tháng, các nhà cao tầng chung quanh mọc lên, mảnh đất nhà ông không còn ngõ đi.

Thấy mảnh đất khó sử dụng, tuy rằng có thể bỏ tiền mua đất mở ngõ nhưng ông Bảo lại nảy ra một ý nghĩ khác thường mà chẳng ai dự liệu được. “Đền Thượng là di tích cấp quốc gia, rất được người dân trong thôn quan tâm, chăm sóc. Nhưng khuôn viên đền lại thiếu không gian xanh nên tôi muốn hiến mảnh đất của nhà vào đền, vừa tỏ lòng thành kính với một trong ba vị Thành hoàng làng được thờ tại đền, vừa tạo thêm không gian xanh mát cho đền Thượng, khách thập phương đến hành hương thêm chỗ nghỉ ngơi”.

Thế là, sau khi đề xuất ý kiến trong gia đình, các con ông Bảo hoàn toàn ủng hộ ý định của bố mà không chút do dự. Ông Bảo liền tìm gặp lãnh đạo thôn và đề đạt nguyện vọng hiến đất. Ông Nguyễn Bá Xuân nhớ lại: “Chiều hôm đó, ông Bảo đến gặp tôi và trình bày nguyện vọng hiến toàn bộ mảnh đất rộng 144m2 vào đền Thượng. Tôi rất bất ngờ và cảm động. Trước kia, tôi biết ông Bảo là người có lối sống vì tập thể, hòa nhã và khiêm nhường nhưng không nghĩ rằng ông sẵn sàng hiến cả mảnh đất rộng như thế. Ông còn không yêu cầu đền bù, hay ghi sổ công đức ở đền nên tôi càng ngưỡng mộ tinh thần cống hiến của ông vì xóm làng”.

Nói về cái quyết định “thần tốc” của mình, ông Bảo với nụ cười ấm áp, trùng giọng chia sẻ: “Tôi không đắn đo hay suy nghĩ nhiều về quyết định này. Và đã gọi là hiến thì phải bằng tất cả tấm lòng, không màng nhận lại điều gì hay mong ai biết ơn cả. Người ta cứ nói tấc đất, tấc vàng chứ trong suy nghĩ của tôi, hiến đất vào đền thì trong lòng tôi đã nhận được rất nhiều vàng rồi - đó là “vàng tâm”, chứ không nhất thiết phải buôn đi bán lại đất mới thành vàng”.

Anh Nguyễn Đình Trung, con trai của ông Bảo tâm sự: “Khi bố tôi đề xuất ý định hiến đất, anh em chúng tôi rất ủng hộ. Tôi có gợi ý bố đề xuất với thôn bù cho một chút gọi là tiền dưỡng già, nhưng ông không đồng ý. Bố tôi tôn trọng các con nên đã thống nhất ý kiến trong gia đình trước khi đề nghị với thôn, nên chúng tôi cũng phải tôn trọng quyết định của bố”.

“Nụ cười trẻ thơ là liều thuốc trường thọ”

Nhiều người nói, tuổi cao rồi mở quán sửa xe đạp làm gì, đi chơi với bạn già chẳng vui hơn không? Ông Bảo lại tươi cười, nói: “Chơi mãi cũng chán. Chi bằng sửa xe đạp cho khỏe chân khỏe tay. Với lại, sửa xe cho lũ nhóc đi học rất vui, thú vị. Nhìn ánh mắt ngây thơ, nụ cười trong sáng của chúng tung tăng đến lớp, tôi thấy mình trẻ ra rất nhiều!”.

Ông Bảo thơm thảo với quê hương ảnh 1

Đã gần 30 năm nay, ông Bảo nhiệt tình sửa xe đạp miễn phí cho các em học sinh.

Quán sửa xe đạp của ông Bảo nằm ngay trên đoạn đường đi vào Trường tiểu học và THCS Hòa Phú. Mỗi ngày, niềm vui của ông là ngắm nhìn lũ trẻ náo nức đạp xe, cắp sách tới trường. Ông bảo: “Sửa xe đôi khi là cái cớ để gần gũi lũ trẻ, mình già rồi, ăn ngon mặc đẹp hay du lịch không còn nhiều hứng thú, chỉ có nụ cười trẻ thơ là liều thuốc trường thọ tuổi già”. Đúng như lời ông tâm sự. Ngay lúc đó, có một em nhỏ vào quán và nhờ ông sửa xe. Ông Bảo vui vẻ xoa đầu cậu nhóc, ân cần hỏi chuyện và cân vành xe cho cậu mà không lấy tiền. Xong xuôi, cậu bé lễ phép chào ông với nụ cười hớn hở rồi lên xe ra về.

Nhìn theo cậu bé, ông vẫn rất giản dị mà nói rằng, “có đáng là bao đâu”, tôi chỉ sửa những “bệnh nhẹ” như thủng săm, đứt phanh, tuột xích, trượt mắt cá với bơm hơi thôi, quan trọng là các cháu có xe về nhà cùng các bạn, về muộn bố mẹ lại mong. Có lần, tôi thấy một cháu loay hoay lắp xích giữa trời nắng, đôi mắt như muốn khóc khi thấy các bạn về trước. Tôi xúc động vô cùng và nhớ lại tuổi thơ của mình cũng từng như vậy. Tôi nhanh chóng dắt cháu vào nhà cho mát và lắp xích cho cháu…

Cô Đoàn Thị Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Phú cảm động khi nói về ông Bảo: “Ngày trước, lúc tôi chưa biết bác Bảo sửa xe miễn phí cho học sinh, thấy các em đi qua quán sửa xe của bác đều hớn hở: “Cháu chào ông ạ!”, tôi lấy làm lạ. Chẳng lẽ bác có họ hàng với tất cả học sinh ở đây? Sau này, khi tôi biết bác làm công việc ý nghĩa này, tôi càng hiểu hơn vì sao các em học sinh yêu quý bác đến vậy, 75 tuổi nhưng bác trông trẻ như thanh niên. Mỗi ngày, lúc học sinh đến trường và tan học, dù nắng hay mưa, bác đều đứng đón ở quán, xem có cháu nào hỏng xe để ra sửa giúp. Điều bác nhận lại chính là nụ cười ngây thơ của các em học sinh. Việc làm của bác thể hiện tình cảm dạt dào của người cao tuổi dành cho những búp măng non đang tuổi cắp sách đến trường”.