Bài dự thi "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Niềm đam mê và tấm bằng sáng chế

Hơn 30 năm qua, bằng niềm đam mê của mình, ông đã dành hết tâm sức cho việc nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học và phân phức hợp hữu cơ vi sinh phục vụ nông nghiệp nước nhà và góp phần xử lý, cải tạo môi trường sinh thái. Ông là TS Lê Văn Tri - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học - phân bón Fitohoocmon - Bifi, Chủ tịch Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam.

TS Lê Văn Tri thăm một số đơn vị sản xuất mạ khay do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học chuyển giao công nghệ.
TS Lê Văn Tri thăm một số đơn vị sản xuất mạ khay do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học chuyển giao công nghệ.

Người giữ nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhất châu Á

Cho đến thời điểm hiện nay, có thể nói ông là người sở hữu nhiều bằng sáng chế khoa học nhất liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây nhất, ông vinh dự được nhận giải nhất Vifotec "Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên" với công nghệ xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ. Những thành công trong lĩnh vực công nghệ vi sinh và đóng góp cho xã hội của TS Lê Văn Tri đã được tặng nhiều bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, Huy chương vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam...

TS Lê Văn Tri cùng doanh nghiệp của ông đã nhận được giải thưởng Cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam và giải thưởng quốc tế WIPO sở hữu trí tuệ Thế giới năm 2011. Vinh dự hơn, ông còn được ghi danh trong kỷ lục Guiness Việt Nam và châu Á là người có nhiều bằng sáng chế nhất trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.

"Nghiên cứu khoa học không chỉ đơn thuần là niềm yêu thích..."

Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò Lê Văn Tri đã đam mê và chứng tỏ được tư chất thông minh với những môn khoa học tự nhiên, nhất là môn Toán và môn Sinh học. Chính vì vậy, khi trúng tuyển vào trường Ðại học Tổng hợp Kisinhop của Liên Xô (cũ), chàng thanh niên xứ Thanh đã chọn khoa nghiên cứu bộ môn vi sinh vật và sinh lý thực vật. Hồi ức trong ông về quãng thời gian ở xứ sở Bạch Dương là những ngày tháng miệt mài trên giảng đường và phòng thí nghiệm. Chính những nỗ lực không mệt mỏi đó đã tạo nền tảng giúp ông gặt hái được nhiều thành công.

Năm 1973, khi chỉ hơn 20 tuổi, chàng sinh viên Lê Văn Tri, đã đọc hết những gì Wattson - Crick viết về cấu trúc DNA (cấu trúc này đã được nhận giải thưởng Nobel vào năm 1962), và tình cờ phát hiện ra một vấn đề mà hai nhà khoa học này chưa đề cập đến: Ðó là các sự phân bố khác của bốn gốc bazơ trên DNA. Anh đã nêu giả thuyết "Cấu trúc Z-DNA" và trình bày báo cáo trước các thầy giáo và các bạn cùng khoa. Báo cáo này tiếp tục được hoàn thiện sau đó và đã được nhận giải nhì toàn Liên bang Nga.

Năm 1975, được nhà trường giữ lại sáu tháng để hoàn thành tiếp khóa học tiến sĩ. Nhưng chấp hành sự điều động của tổ chức, chàng thanh niên Lê Văn Tri trở về nước, tham gia công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ông được phân công công tác tại Trung tâm nghiên cứu vi sinh vật - Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1988, ông bảo vệ Luận án tiến sĩ sinh học tại Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam với công trình "Nghiên cứu điều kiện sản xuất Gibberellin A3 trên môi trường xốp từ một số chủng nấm Fusarium moniliforme Sheldon và ứng dụng cho một số cây trồng ở Việt Nam". Ðây là đề tài trong chương trình cấp Nhà nước mà nhiều người đã nghiên cứu không thành công, và ông đã kết thúc nó bằng ba năm miệt mài nghiên cứu độc lập với phương pháp thu nhận Gibberellin dạng bột thô và tinh chất. Công trình đã được nhận bằng độc quyền sáng chế, tấm bằng sáng chế đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông.

Thành công nối tiếp thành công. Nhưng khi những niềm vui, niềm tự hào qua đi, ông bắt đầu trăn trở với suy nghĩ: phải làm gì để những kết quả nghiên cứu được áp dụng ngay trong thực tiễn, không bị chìm vào quên lãng? Ông bắt đầu tìm kiếm cơ hội tiến hành việc áp dụng các nghiên cứu của mình vào thực tế, đem lại hiệu quả cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Ðây cũng chính là tiền đề để năm 1991, ông thành lập doanh nghiệp khoa học đầu tiên: "Xí nghiệp Liên doanh khoa học và sản xuất Fitohoocmon", trên nền tảng nghiên cứu những vấn đề mang tính đặc thù của nông nghiệp Việt Nam.

Nhà khoa học của nông dân

Từ những thành công ban đầu, TS Lê Văn Tri cùng các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, sáng chế và sản xuất thêm nhiều chế phẩm vi sinh phục vụ nông nghiệp. Trước sự ra đời của Chương trình mía đường Quốc gia, nhận thấy lượng bã bùn mía thải ra sau khi ép tại các nhà máy đường là rất lớn, nếu không có biện pháp xử lý, sẽ là nguồn rác thải gây ô nhiễm môi trường cho các nhà máy đường và dân cư lân cận. Ông cùng các cộng sự trong công ty đã tiến hành nghiên cứu và thực hiện đề tài: "Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải, phụ phẩm mía đường". Việc sản xuất và tiêu thụ phân phức hợp hữu cơ vi sinh được tiến hành ngay tại các nhà máy đường. Hiện nay, công nghệ này đã được chuyển giao ứng dụng tới khoảng 80 cơ sở tại các địa phương trong cả nước, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

Theo TS Lê Văn Tri, để phát triển một nền nông nghiệp xanh, sạch, cần phải sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường. Ðó cũng là phương thức hiệu quả nhằm làm giảm chi phí sản xuất so với việc sử dụng hóa chất và kháng sinh. Nhóm nghiên cứu của ông đã nghiên cứu và sản xuất thành công một số chế phẩm sinh học: Chế phẩm vi sinh FITO-BIOMIX RR, xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh tại ruộng bón cho cây trồng; Chế phẩm BTS, BTS1 xử lý nước ao, chế phẩm BIOF, BIOF1 cải tạo đáy ao nuôi, giúp phòng chống một số bệnh thường gặp ở các loài thủy sản, làm tăng chất lượng, sản lượng đầu ra cho nông dân...

Những thành quả đáng ghi nhận qua bao tháng năm miệt mài nghiên cứu khoa học dường như vẫn chưa làm thỏa mãn đam mê nghiên cứu của TS Lê Văn Tri. Ông vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, mang trí tuệ, tâm sức phục vụ cho việc nghiên cứu những sản phẩm mới, hữu ích, vì lợi ích của người nông dân một nắng hai sương, và cho cả ngành nông nghiệp nước nhà.

Cùng với hàng chục công trình khoa học đã được TS Lê Văn Tri công bố trong nước và nước ngoài, ông còn viết và chủ biên 10 đầu sách, nhiều công trình khoa học và là tác giả của 16 bằng độc quyền sáng chế sinh học từ năm 1991 đến nay.