Những tín hiệu tích cực

Trong tháng 2/2023, kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực như doanh số bán lẻ tăng, lĩnh vực sản xuất dần phục hồi sau ba tháng suy giảm liên tiếp. Lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng ghi nhận mức thặng dư thương mại đáng kể là 2,8 tỷ USD trong hai tháng đầu năm…
0:00 / 0:00
0:00
Lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu phục hồi sau ba tháng suy giảm. Ảnh: HẢI ANH
Lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu phục hồi sau ba tháng suy giảm. Ảnh: HẢI ANH

Doanh số bán lẻ trong hai tháng đầu năm 2023 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, nếu điều chỉnh theo hiệu ứng giá thì con số này là 9,2%. Có được mức tăng trưởng như vậy là do sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, khi cả nước đã chào đón 1,8 triệu khách quốc tế trong tháng 1 và tháng 2, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ đón được 49.000 lượt khách.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 2 tăng 0,4% so với tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ năm 2022, con số này thấp hơn 4,9% trong tháng 1. CPI tăng do giá thực phẩm và vật liệu xây dựng tăng cao hơn, lần lượt là 3,6% và 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Vật liệu xây dựng tăng giá chủ yếu do chi phí cho thuê nhà cao hơn trong khi nhu cầu thuê vẫn mạnh mẽ. Giá vật liệu xây dựng sẽ vẫn tăng do điện bán lẻ tăng giá từ tháng 3. Tuy nhiên, do thặng dư tài khóa lớn của năm 2022 và trong hai tháng đầu năm 2023, Chính phủ sẽ có nhiều dư địa để duy trì một số khoản trợ cấp cho một số lĩnh vực như giáo dục và mặt hàng xăng, dầu, điều này cũng sẽ giúp kiềm chế lạm phát.

Trong hai tháng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 2,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các công ty quốc tế lớn đang có những kế hoạch đầu tư đáng chú ý vào Việt Nam như: Intel Corp sẽ mở rộng nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip với khoản đầu tư bổ sung trị giá 1 tỷ USD và Tập đoàn Central Retail Corporation - nhà bán lẻ lớn nhất Thailand, đang có ý định củng cố sự hiện diện của công ty trên thị trường Việt Nam. Điều này củng cố triển vọng tăng trưởng tích cực của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang không ổn định.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm, Singapore có vốn đầu tư cao nhất với 978,4 triệu USD, chiếm gần 31,6% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai với vốn FDI gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn và cao gấp 3,85 lần so với cùng kỳ năm trước. Hà Lan đứng thứ ba với gần 369 triệu USD. Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào Việt Nam, chiếm gần 17,2%, trong khi Hàn Quốc dẫn đầu về điều chỉnh vốn (21,1%) và góp vốn, mua cổ phần (30,5%).

Hiện tại, Bắc Giang đang dẫn đầu các địa phương về thu hút vốn FDI, đạt 824,3 triệu USD và chiếm 26,6% tổng vốn FDI - tăng 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với 103 dự án mới trị giá 369,1 triệu USD, chiếm 11,9% của tổng số. Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng là gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp nước ngoài đã rót vốn vào 17 trong số 21 lĩnh vực của Việt Nam, trong đó công nghiệp chế biến và chế tạo dẫn đầu với hơn 2,17 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng vốn.

Về xuất nhập khẩu, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại đáng kể là 2,8 tỷ USD so với thâm hụt 0,3 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2022, mặc dù xuất khẩu và nhập khẩu giảm lần lượt là 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do xuất khẩu giảm ít hơn hàng nhập khẩu nhờ sự phục hồi xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sau quyết định của Trung Quốc trong việc giảm bớt các hạn chế liên quan Covid-19 vào đầu tháng 2. Trên thực tế, xuất khẩu các bộ phận điện thoại di động tăng lên 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù kinh tế toàn cầu đang chững lại. Xuất khẩu phương tiện vận tải tiên tiến tăng, trong khi xuất khẩu hàng dệt may và sản phẩm gỗ đã giảm lần lượt là 19,6% và 34,8% so với cùng kỳ năm. Tuy nhiên, những tin tức gần đây cho thấy có sự phục hồi đơn đặt hàng từ hai lĩnh vực trên và doanh nghiệp đang tuyển dụng thêm nhân công, sẽ giúp hoạt động thương mại phục hồi trong những tháng tới. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng trong dài hạn sẽ tốt hơn nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ quý II. Hoạt động thương mại sẽ phát triển vừa phải và cân bằng thương mại để duy trì thặng dư vào năm 2023.

Trong tháng 2, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global về ngành sản xuất Việt Nam tăng trở lại mức 51,2, từ mức 47,4 của tháng 1. Điều này báo hiệu sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã được củng cố trở lại sau ba tháng suy giảm. Dữ liệu cho thấy sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhờ sự phục hồi nhu cầu của cả trong nước và quốc tế. Khi triển vọng nhu cầu được cải thiện, các chỉ số chính như sản lượng, đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều có sự tăng trưởng, trong khi niềm tin kinh doanh tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Với lĩnh vực ngân hàng, theo ước tính từ các thành viên thị trường liên ngân hàng, trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã mua dự trữ ngoại hối 1 tỷ USD, sau khi mua 2 tỷ USD vào tháng 1. Từ đầu năm đến nay, VND chỉ giảm nhẹ 0,9% so với USD. Dự báo, VND sẽ duy trì khả năng phục hồi nhờ được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản mạnh mẽ như FDI, cán cân thương mại thặng dư và dòng kiều hối. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng cường dự trữ ngoại hối của NHNN lên mức tương đương với ba tháng nhập khẩu, các chuyên gia dự đoán mức giảm của VND so với USD là 2,3% cho cả năm 2023. Mặc dù NHNN tiếp tục rút tiền dư thừa ra khỏi hệ thống để hỗ trợ tiền tệ, nhưng lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng, được xây dựng theo mức trung bình của các ngân hàng như VCB, Vietinbank, Techcombank và VPBank, chỉ giảm 20 điểm cơ bản so với đầu năm để đạt 8,3%.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN Index giảm 9% so với tháng trước. Các nhà đầu tư đang lo ngại trước việc xuất hiện danh sách chậm trả lãi, gốc của một số tổ chức phát hành trái phiếu quan trọng trong nước. Ngoài ra, triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FDI) lớn hơn so với dự kiến đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Kết quả là thị trường đã mất đi gần như toàn bộ những gì đã đạt được trong tháng 1 và đóng cửa

tháng 2 trong sắc đỏ. Khối lượng giao dịch trung bình trên ba sàn HoSE, HNX, UpCOM giảm 4,2% so với tháng trước xuống còn 495 triệu USD. Thị trường chịu một số áp lực bán mặc dù không có lệnh gọi ký quỹ lớn từ bất kỳ nhà môi giới nào. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ (khoảng 80% tổng khối lượng giao dịch) đã bán cổ phiếu khi vấn đề trái phiếu doanh nghiệp leo thang. Nhà đầu tư nước ngoài sau ba tháng tích cực tích trữ cổ phiếu đã dần chuyển sang bán ròng từ giữa tháng với tổng giá trị đến cuối tháng 2 là 10 triệu USD (nhưng mua ròng vẫn ở mức 168 triệu USD so với đầu năm).

Theo thông tin từ Công ty nghiên cứu và tư vấn đầu tư TIM, thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục eo hẹp trong ngắn hạn do nhà đầu tư đang tập trung vào những thông tin tiêu cực tiềm ẩn từ lĩnh vực bất động sản và ngân hàng. Tuy nhiên, trong dài hạn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực do môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh và tăng trưởng lợi nhuận vững chắc của các công ty niêm yết. Cổ phiếu của các công ty lành mạnh trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng thiết yếu, tiện ích, công nghiệp và vật liệu, hiện đang được giao dịch với mức định giá rất thấp so với giá trị thực. Có thể thu nhập của các công ty trong các lĩnh vực trên sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng động lực tăng trưởng dài hạn vẫn còn nguyên vẹn trong bối cảnh mô hình kinh doanh vững chắc. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh nào trên thị trường là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có thu nhập ổn định cho các khoản đầu tư dài hạn.